Thứ 6, 19/04/2024, 02:18[GMT+7]

Dấu ấn ngành Xây dựng

Thứ 2, 13/04/2020 | 09:04:36
33,149 lượt xem
Ngày 29/4/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng). Một năm sau, Ty Kiến trúc Thái Bình (nay là Sở Xây dựng Thái Bình) được thành lập. Từ đó đến nay, ngành Xây dựng Thái Bình đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng đất nước nói chung, sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng.

Một góc thành phố Thái Bình.

Những bước đi đầu tiên

Những ngày đầu thành lập, trụ sở Ty Kiến trúc Thái Bình chỉ có một căn nhà 5 gian cấp 4; lực lượng toàn ngành có 97 người; Chi bộ có 10 đảng viên. Nhiệm vụ chính trong thời gian này là xây dựng và cải tạo lại các công trình của tỉnh sau hòa bình năm 1954 như trường học, trạm xá, bệnh viện và các công trình phục vụ công nghiệp, nông nghiệp ở quy mô nhỏ, trụ sở các cơ quan nhà nước; quy hoạch và xây dựng thị xã, các thị trấn, huyện, góp phần thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng chỉ trong thời gian ngắn hàng trăm công trình do ngành Xây dựng đảm nhận đã được đưa vào sử dụng, điển hình là trụ sở Ủy ban hành chính tỉnh, khách sạn cầu Bo, Bệnh viện gốc Mít, Nhà máy xay, Trường Đảng tỉnh, tháp nước thị xã... Năm 1964 - 1965, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, những công trình trọng điểm vẫn được xây dựng như nhà máy chế biến thức ăn gia súc, cụm công trình 5 tầng Đại học Y khoa, Bệnh viện Việt Nam - Bungari, nhà máy đường, rượu, giấy Hưng Nhân, nhà máy dâu tằm tơ Việt Hùng, hàng loạt hệ thống trang trại chăn nuôi, kho thóc giống ở các huyện, trụ sở ủy ban hành chính các huyện, thị xã được tu bổ, sửa chữa, nâng cấp. Bên cạnh đó, ngành Xây dựng đã phối hợp các ngành thực hiện quy hoạch xây dựng hệ thống giao thông, các công trình y tế, giáo dục, văn hóa phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh...

Sản xuất gạch tuynel tại Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Đống Năm.

Thành tựu nổi bật

Thực hiện công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay, Sở Xây dựng đã tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về xây dựng. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đã phối hợp với UBND thị xã Thái Bình tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy hoạch thành phố Thái Bình đạt tiêu chuẩn đô thị loại III được trung ương công nhận vào năm 2004 và được công nhận đô thị loại II vào năm 2012. Hiện đang tích cực hoàn thiện đưa quy hoạch thành phố Thái Bình trở thành đô thị loại I năm 2020. Hàng loạt quy hoạch thị trấn được phê duyệt (thị trấn An Bài, Hưng Nhân, Tiên Hưng, Châu Giang, Thái Ninh, Nam Trung...). Quy hoạch nâng cấp đô thị Diêm Điền, Tiền Hải trở thành đô thị loại IV, đến nay thị trấn Diêm Điền và vùng phụ cận đã được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại IV. Cùng với quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, các điểm công nghiệp, làng nghề được phê duyệt quy hoạch. Đến nay, toàn tỉnh có 7 khu công nghiệp, 35 cụm công nghiệp, hàng chục điểm công nghiệp làng nghề đã và đang xây dựng đi vào hoạt động thu hút hàng trăm dự án, sử dụng hàng vạn lao động góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh theo hướng tích cực. Cùng với xây dựng các khu công nghiệp, các khu đô thị lớn được quy hoạch theo hướng hiện đại cả về quy mô và cơ sở hạ tầng...

Đồng chí Nguyễn Quang Anh, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Trong công cuộc đổi mới, ngành Xây dựng đã đạt được những kết quả to lớn, giúp tỉnh thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xây dựng, kiến trúc, quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới... Nhiều đồ án quy hoạch có vai trò quan trọng đến phát triển kinh tế của tỉnh đã và đang được triển khai thực hiện như quy hoạch chung thành phố Thái Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh... Từ đó góp phần phát triển nhanh mạng lưới cơ sở hạ tầng, các công trình đô thị, nhà ở và công sở, tạo bước đổi thay mạnh mẽ theo hướng hiện đại cho đô thị và nông thôn, góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới cũng được Sở chỉ đạo tích cực từ việc hướng dẫn lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết đối với các xã; công tác thẩm định, thanh tra, kiểm tra được thực hiện nghiêm túc. Trong công tác quản lý, phát triển hạ tầng kỹ thuật, Sở đã thực hiện đề án quy hoạch mạng lưới điểm xử lý (không chôn lấp) chất thải rắn thông thường tập trung tại các huyện, thành phố; đề xuất chuyển, tích hợp nhiệm vụ, nội dung thực hiện vào quy hoạch vùng huyện và quy hoạch chung thành phố theo quy định của Luật Quy hoạch. Phối hợp với UBND các huyện trong việc xác định địa điểm, quy mô các khu xử lý chất thải tập trung.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng chú trọng công tác cải cách hành chính với mục tiêu “Chung tay, đồng hành, phục vụ tổ chức, cá nhân hoạt động ngành Xây dựng”. Năm 2019 đánh dấu quyết tâm của Sở với cải cách thủ tục hành chính như đã rà soát, trình UBND tỉnh chuẩn hóa và thực hiện công khai 39 thủ tục hành chính cấp tỉnh, 9 thủ tục hành chính cấp huyện thuộc lĩnh vực của ngành; xây dựng danh mục, quy trình nội bộ cho 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở và UBND cấp huyện theo phương án “5 tại chỗ”. Trong năm 2019, Sở đã giải quyết xong 1.021 hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đạt 100% sớm và đúng thời hạn, được các tổ chức và người dân ghi nhận, đánh giá cao...

Phạm Hưng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày