Thứ 6, 29/03/2024, 08:07[GMT+7]

Suy ngẫm về văn kiện trung tâm của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX

Thứ 2, 04/05/2020 | 08:54:00
36,815 lượt xem
Qua tiếp cận dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đăng trên Báo Thái Bình số ra ngày 17/3/2020, tôi đã tóm tắt lại những điều mình quan tâm nhất, những vấn đề cốt lõi nhất, bao gồm: chủ đề Đại hội, phần đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 5 năm (2021 - 2025), tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045.

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed giới thiệu giống lúa của Công ty. Ảnh tư liệu

Trong đó, tôi quan tâm nhiều nhất các lĩnh vực: phát triển kinh tế, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, an ninh xã hội.

Tôi đánh giá rất cao Tiểu ban Văn kiện đã xây dựng dự thảo Báo cáo có chất lượng cả về bố cục và nội dung. Dự thảo Báo cáo đã phản ánh đúng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh 5 năm qua và nêu ra những mục tiêu, phương hướng, giải pháp quan trọng cho giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045.

Đánh giá về nhiệm kỳ 2015 - 2020, tôi đặc biệt ấn tượng với một số thành tựu: GRDP có mức tăng trưởng rất cao, gấp gần 2 lần so với 5 năm trước. Cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng phát triển rất tốt: công nghiệp, thương mại, dịch vụ chiếm 77,4%, tăng 11,4%, đây là những chỉ số rất cao. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông phát triển rất nhanh. Xây dựng nông thôn mới là 1 trong 3 tỉnh dẫn đầu cả nước. Đặc biệt, tỉnh đã có lộ trình cụ thể xây dựng Khu kinh tế Thái Bình. Đây là cơ sở, nền tảng cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo; đồng thời, cũng đã định hình hướng phát triển liên kết với vùng Đông và Đông Bắc. Về nông nghiệp, còn nhớ, sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, cơn bão số 1 đổ bộ vào Thái Bình ngày 27/7/2016; năm 2017, lúa bị bệnh lùn sọc đen; năm 2019 xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi... Trong điều kiện như vậy, nông nghiệp Thái Bình vẫn tiếp tục phát triển. 5 năm qua, toàn tỉnh chuyển đổi gần 800ha đất trồng lúa nhưng vẫn đạt trên 1 triệu tấn lương thực. Cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi thay đổi mạnh mẽ, cơ giới hóa trong nông nghiệp phát triển mạnh. Thu ngân sách trên địa bàn dự kiến năm 2020 ước đạt 10.000 tỷ đồng, gấp 1,82 lần năm 2015. Đời sống xã hội được nâng lên, đặc biệt là vùng nông thôn có sự thay đổi rất nhiều. Tôi thấy đây là điều rất mừng.

Bên cạnh những thành tựu to lớn trên, tôi còn một vài băn khoăn, đó là:

Chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao. Bỏ qua các thương hiệu của trung ương trên địa bàn tỉnh, chỉ tính các doanh nghiệp của Thái Bình thì chưa có nhiều sản phẩm mang thương hiệu Thái Bình có tính chi phối thị trường cả nước. Trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ chiếm 77,4% nhưng ở những lĩnh vực này chưa có doanh nghiệp lớn dẫn dắt. Các khu công nghiệp chưa bài bản, ô nhiễm môi trường, hệ thống hạ tầng một số khu công nghiệp chưa tốt. Tôi nghĩ, những người làm doanh nghiệp cũng rất băn khoăn về điều này. Ở đây có một phần lỗi của những doanh nhân như chúng tôi. Trong nông nghiệp, sản xuất còn manh mún; sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa chặt chẽ; HTX nông nghiệp hoạt động chưa thật hiệu quả. Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp chưa mạnh; công tác phát triển đảng viên và tổ chức đảng tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh vẫn đang là một tồn tại. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế.

Tôi thực sự tâm đắc với các bài học nêu ra trong dự thảo Báo cáo, nhất là 3 bài học về: khai thác nguồn lực của xã hội (bài học này rất rõ ràng trong việc xây dựng, huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới); tăng cường cải cách hành chính; đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng, trong đó vai trò của người đứng đầu ở các cơ sở (đây phải là những người có tâm, có tầm để quyết định thì mới có thể phát triển được).

Về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, tôi nhất trí với mục tiêu tổng quát, đặc biệt là nhóm mục tiêu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển ở khu vực đồng bằng sông Hồng, đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực Bắc Bộ, đến năm 2045 trở thành tỉnh phát triển trong cả nước. Tôi cho rằng định hướng như vậy là rất quyết tâm, rất có tính chiến đấu. Tuy nhiên, cần định lượng và làm rõ hơn khái niệm “tỉnh phát triển” để có hướng phấn đấu.

Về các chỉ tiêu, tôi thấy chia thành 3 mức: mức bình quân 5 năm; mức đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, 2045 là rất cụ thể. Cách chia như vậy cũng rất khoa học và hợp lý. Nhưng tôi có điều băn khoăn về mấy chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025 GRDP tăng 10% trở lên; kim ngạch xuất khẩu tăng 10% trở lên; tốc độ tăng thu ngân sách 12% trở lên. Đây là những chỉ tiêu mang giá trị cốt lõi về phát triển kinh tế. Khi quy mô nền kinh tế càng lớn thì việc đạt được thêm 1 điểm phần trăm tăng trưởng sẽ càng khó hơn. Vì vậy, tỉnh cần có những giải pháp rất cụ thể và điều hành rất quyết liệt cho mục tiêu này.

Về xu hướng phát triển, tôi nhất trí cao với định hướng nêu trong dự thảo Báo cáo. Hiện nay, chúng ta đang hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu; giai đoạn chuyển sang kinh tế thị trường ở trình độ cao hơn, hội nhập sâu hơn. Đó là xu hướng không thể cưỡng lại. Bên cạnh đó, chúng ta phải chịu áp lực cạnh tranh ngay trên sân nhà ngày càng quyết liệt hơn. Hơn nữa, trình độ và mặt bằng chung xã hội sẽ được nâng lên. Trong nông nghiệp cũng sẽ phải chuyển từ kinh tế hộ sang kinh tế trang trại và kinh tế doanh nghiệp là chủ đạo. Từ sản xuất manh mún sang quy mô tầm trung đến quy mô lớn. Từ sản xuất thủ công sang cơ giới hóa, tự động hóa, số hóa. Chúng ta sẽ phải sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc toàn cầu. Cần có thương hiệu đủ mạnh để cạnh tranh. Đó là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp mà Thái Bình không phải là ngoại lệ.

Lợi thế của Thái Bình là nông nghiệp, đất phù sa châu thổ, sản xuất lương thực dễ dàng; là hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi rất tốt. Thái Bình có bờ biển dài hơn 50km, ở giữa vùng đồng bằng sông Hồng trù phú, nằm cạnh tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Thái Bình có dân số trẻ, mật độ dân số đông, nhu cầu thị trường tiêu dùng rất cao. Con người Thái Bình cần cù, sáng tạo, có truyền thống về thâm canh nông nghiệp, giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, kiên cường. Chính vì vậy, chúng ta cần có nhiều hơn nữa những giải pháp để tận dụng và khai thác những lợi thế này.

Về các giải pháp, tôi rất đồng tình với bố cục của dự thảo Báo cáo khi đưa nông nghiệp lên đầu tiên (cả phần đánh giá và phương hướng). Như vậy, trong định hướng của tỉnh vẫn coi nông nghiệp là kinh tế mũi nhọn. Hướng tới chúng ta xây dựng Thái Bình trở thành trung tâm chế biến nông, thủy sản của khu vực; xây dựng nhiều cơ sở chế biến hiện đại với vùng nguyên liệu là cả vùng đồng bằng sông Hồng gắn với xây dựng thương hiệu nông sản mang tầm quốc gia. Đầu tư thỏa đáng cho khoa học công nghệ để nghiên cứu ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi có khả năng cho năng suất, chất lượng cao và chống chịu tốt với điều kiện tự nhiên, phục vụ cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp; quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp nông nghiệp; phải thực hiện cơ giới hóa và tự động hóa; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh về đất đai, vốn, khoa học công nghệ, thuế và đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp. Đặc biệt là giữ bằng được đất sản xuất cây lương thực. Lựa chọn cây trồng và vật nuôi phù hợp với lợi thế của tỉnh để phát triển, không làm dàn trải, nhỏ lẻ. Về xây dựng nông thôn mới, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên, để bảo vệ thành tựu chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn theo hướng bền vững. Tôi nhất trí cao việc tỉnh ta đang đẩy mạnh xây dựng Khu kinh tế, trong đó sẽ tập trung xây dựng những cơ sở chế biến thủy sản, xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn. Chúng ta không có nhiều lợi thế về du lịch di sản, vì vậy nên khuyến khích phát triển du lịch biển, nghỉ dưỡng.

Về phát triển đội ngũ doanh nhân, tôi rất đồng tình với chính sách tháo gỡ khó khăn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển trong thời gian qua, đặc biệt là cải cách hành chính. Tôi cũng mong rằng hiệu quả thực hiện những việc này cần đạt được ở mức tối đa. Bộ máy hành chính phải coi doanh nghiệp là của mình, tạo điều kiện cho những “đứa con” của mình tiếp tục phát triển trên quê hương mình chứ không đơn thuần là dịch vụ hành chính. Thường xuyên quan tâm, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp phát triển ở trình độ cao hơn. Càng nhiều doanh nghiệp phát triển, thu ngân sách nhà nước sẽ càng tăng.

Trên đây là một vài suy ngẫm khi nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX. Tôi kỳ vọng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX thực sự là một kỳ đại hội hội tụ tinh thần đoàn kết, trí tuệ, đổi mới, sáng tạo của cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh.

Đảng viên, cựu chiến binh Trần Mạnh Báo tâm sự: Không phải đến khi dự thảo Báo cáo chính trị được công bố mà ngay từ khi nhận được Chỉ thị số 35, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kế hoạch chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, với trách nhiệm của một đảng viên, lại vinh dự là đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiều kỳ và đã dự Đại hội Đảng toàn quốc, tôi đã suy nghĩ: Mình có thể tham gia được gì. Tham gia ở đây không chỉ là lời nói, bài viết, đóng góp ý kiến tại các hội thảo, đại hội các cấp mà là suy nghĩ và hành động sao cho đúng, vận dụng vào đơn vị mình, địa phương mình nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước. Phải tham gia xây dựng trên tinh thần trách nhiệm, có tính chiến đấu, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng để xây dựng quê hương ngày một phát triển tốt đẹp hơn.

Trần Mạnh Báo
(Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị,
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày