Thứ 3, 16/04/2024, 19:52[GMT+7]

Góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX

Thứ 3, 24/03/2020 | 09:08:31
70,384 lượt xem

Ông Lê Minh Nguyệt, Bí thư Chi bộ thôn An Tiêm 1, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy


Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đăng trên Báo Thái Bình, tôi cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo. Tuy nhiên, trong phần nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho nhiệm kỳ tới, liên quan đến công tác xây dựng Đảng, tôi đề nghị bổ sung các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác phát triển đảng viên, đặc biệt là ở nông thôn và khu vực doanh nghiệp tư nhân. Thực tế hiện nay công tác phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn gặp rất nhiều khó khăn do hạn chế nguồn kết nạp, ảnh hưởng đến việc xây dựng đội ngũ kế cận. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân tập trung nhiều thanh niên, nguồn kết nạp dồi dào song lại chưa có tổ chức đảng nên không phát triển được đảng viên. Đây là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng cơ sở. Vì vậy, tôi đề nghị Tiểu ban Văn kiện nghiên cứu đề xuất các giải pháp hiệu quả về nội dung này cho nhiệm kỳ tới để cấp ủy các cấp tập trung thực hiện.

Ông Hoàng Văn Lợi, thôn Phúc Thượng, xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình


Với 75 năm tuổi đời, 48 năm tuổi đảng, tôi đã chứng kiến sự thay đổi vượt bậc của tỉnh, thành phố nói chung, xã Vũ Phúc nói riêng, đặc biệt là 5 năm trở lại đây. Trong xây dựng nông thôn mới, nhất là cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh đã khơi dậy được nguồn lực trong các tầng lớp nhân dân cùng tích cực tham gia. Chính điều đó đã đem lại sự đổi mới cho diện mạo nông thôn; sản xuất công nghiệp, thủy sản, nghề và làng nghề, dịch vụ ở khu vực nông thôn phát triển đã tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động; đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn ngày càng được nâng cao, từ đó rút ngắn dần khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị. Những kết quả nổi bật đó đã được thể hiện khá rõ nét và đầy đủ trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Tuy nhiên, để tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới, trong nhiệm kỳ tới và những năm sau đó, tôi mong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh quan tâm, chú trọng thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm thu hút nhiều hơn nữa các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, nhất là ở khu vực nông thôn, từ đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân; có cơ chế hỗ trợ để nâng cấp các tuyến đường đã xuống cấp; phát huy tốt truyền thống trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, tích cực chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các cây trồng và con vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Tiếp, thôn Thái, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư


Trong 5 năm (2016 - 2020), giá trị sản xuất công nghiệp tăng 19,3%/năm, có thêm 681 dự án đăng ký đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký trên 71.622 tỷ đồng, tăng 97,4% về số lượng dự án và tăng 2,6 lần về vốn đầu tư... là những con số khiến chúng tôi rất ấn tượng và phấn khởi. Nhờ thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, đời sống của nhân dân được nâng lên, diện mạo nông thôn cũng không ngừng được đổi mới. Chính vì vậy, khi nhà nước thu hồi đất để thành lập các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, bà con đồng lòng thực hiện giải phóng mặt bằng nhanh chóng. Nhưng thời gian qua, chúng tôi thấy ở một số cụm công nghiệp, việc đầu tư hạ tầng và thu hút dự án thứ cấp vào hoạt động còn chậm, tỷ lệ lấp đầy không cao nên chưa phát huy hiệu quả dẫn tới lãng phí tài nguyên đất. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới tỉnh có cơ chế, giải pháp khắc phục vấn đề này, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Đồng chí Nguyễn Hữu Chước, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư


Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đánh giá khách quan, sát thực tế những kết quả nổi bật, những khó khăn, hạn chế, yếu kém trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Thông qua các số liệu tổng hợp, thống kê vừa tổng quan vừa chi tiết được đưa ra trong dự thảo Báo cáo chính trị, cán bộ, đảng viên, nhân dân ở cơ sở nắm rõ hơn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 5 năm qua. Bản thân tôi vô cùng phấn khởi trước những thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là Thái Bình là 1 trong 3 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước có 100% số xã và tất cả các huyện, thành phố được công nhận đạt tiêu chí quốc gia trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Tôi rất mong trong nhiệm kỳ tới Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục có nhiều chủ trương, quyết sách đúng, trúng, quyết liệt trong xây dựng nông thôn mới để Thái Bình có thêm nhiều xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, giữ vững phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh.


Ông Nguyễn Quang Vĩnh, khu Đông Trung, thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương


Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tôi thấy mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2021 - 2025: tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 10%/năm trở lên; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 10%/năm trở lên; tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP đạt 60% trở lên rất sát thực tế, có tính khả thi cao và hoàn toàn có thể đạt và vượt được. Bởi từ những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội những năm vừa qua; đồng thời, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục, đó là cơ sở để các tầng lớp nhân dân củng cố niềm tin, chung sức, đồng lòng thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, trong đó có các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 5 năm tới. Tỉnh ta có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội đã và đang được đánh thức; cùng với đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá phát triển rất phù hợp với yêu cầu thực tiễn nên con đường đi đến đích có thể hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra và có thể sẽ đến đích sớm hơn.


Ông Phạm Đăng Khả, giáo viên về hưu, thôn Trung, xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng


Sau khi nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tôi rất vui mừng trước những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. 5 bài học kinh nghiệm từ thực tiễn 5 năm qua mà dự thảo Báo cáo chính trị đã chỉ ra đều là những kinh nghiệm quý báu để tỉnh ta tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới và đạt được nhiều thành tựu hơn nữa. Tuy nhiên, tôi đề xuất bổ sung thêm một bài học nữa, đó là bài học về phát huy tốt dân chủ ở cơ sở. Thời gian qua, nhờ phát huy tốt dân chủ ở cơ sở nên đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhờ sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, Thái Bình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đang tiến lên xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đời sống của nhân dân nhờ vậy không ngừng được cải thiện và nâng lên, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật


Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tôi nhận thấy dự thảo Báo cáo đã nêu rất cô đọng, súc tích các kết quả đã đạt được trong lĩnh vực văn hóa. Đặc biệt, việc xây dựng môi trường văn hóa, nếp sống văn hóa đã được chú trọng trong nhiệm kỳ qua, nhất là Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về tăng cường giáo dục và phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng của quê hương Thái Bình trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đó là sức mạnh nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh... Về phần mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong nhiệm kỳ tới đã thể hiện rất rõ chủ trương của tỉnh về đẩy mạnh phát triển văn hóa, tôi mong muốn được bổ sung thêm cụm từ “văn nghệ” vào đề mục này và bổ sung thêm nội dung liên quan đến lĩnh vực văn học nghệ thuật, đó là “phát huy giá trị của văn học nghệ thuật trong việc phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân”. Bởi lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng là lĩnh vực đặc biệt quan trọng của đời sống xã hội, không chỉ thỏa mãn nhu cầu sáng tạo các tác phẩm của cá nhân nghệ sĩ mà còn đáp ứng nhu cầu thưởng thức các giá trị văn hóa nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân.

Ông Trần Thiên Thai, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh


Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tôi nhận thấy việc đánh giá kết quả thực hiện chính sách an sinh xã hội và thực hiện công bằng xã hội trong nhiệm kỳ qua rất khách quan, cụ thể. Tuy nhiên, để bảo đảm an sinh xã hội giai đoạn tới, bên cạnh các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội như đã nêu trong dự thảo Báo cáo thì vấn đề cốt lõi là phải phát triển mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bởi BHXH không những là trụ cột của an sinh xã hội mà còn là một trong những chính sách quan trọng thể hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tôi mong muốn trong dự thảo Báo cáo sẽ bổ sung giải pháp cho vấn đề này, đó là nâng cao nhận thức, trách nhiệm và sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, vai trò quản lý của nhà nước, sự phối hợp của các ngành, các cấp để thực hiện tốt chính sách, pháp luật về BHXH, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn kịp thời tình trạng trốn đóng, chiếm dụng, nợ đọng và lạm dụng quỹ BHXH.

Trung tá Trần Thanh Tuyền, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa Lân


Tôi rất vui mừng trước những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đạt được trong nhiệm kỳ qua, kết quả đó được thể hiện rõ trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Là một đảng viên, một quân nhân đang làm nhiệm vụ tại khu vực biên giới biển của tỉnh, tôi nhận thấy vùng biên của Thái Bình đang khởi sắc từng ngày khi Khu kinh tế Thái Bình, tuyến đường bộ ven biển và nhiều công trình, dự án kinh tế - xã hội đang được khẩn trương xây dựng. Kết quả đó đã khẳng định Thái Bình đang đi đúng hướng nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tuy nhiên, song hành với phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tôi mong muốn Tiểu ban Văn kiện nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm kết quả xây dựng tuyến phòng thủ ven biển của tỉnh trong những năm qua vào dự thảo Báo cáo chính trị; đồng thời, nghiên cứu, đề xuất bổ sung thêm mục tiêu, giải pháp xây dựng khu vực biên giới của tỉnh mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng, an ninh.

Nhóm phóng viên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày