Chủ nhật, 20/07/2025, 12:04[GMT+7]

Khúc tráng ca của ngành Thủy lợi trong những năm kháng chiến

Chủ nhật, 26/04/2015 | 17:06:11
7,406 lượt xem
Từ năm 1954 - 1975, lớp lớp người dân Thái Bình thi đua “Chắc tay súng, vững tay cày” góp phần cùng với các tỉnh, thành phố miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của cuộc chiến đấu ở cả hai miền. Ðóng góp vào thành tích “Thóc thừa cân, quân vượt mức” của Thái Bình có “những người lính chân đất”, ngày đêm không quản ngại khó khăn, hiểm nguy, phơi phới niềm tin trong công cuộc trị thủy, chinh phục thiên nhiên.

Cống Trà Linh 1 và 2 thuộc hệ thống thủy nông Bắc Thái Bình. Ảnh: Hiền Trâm

 

Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, cùng với các tỉnh, thành phố, Thái Bình tập trung khôi phục và phát triển kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp, biến ruộng 1 vụ thành ruộng 2 vụ, khắc phục tình trạng chiêm khê, mùa thối. Ngành Thủy lợi Thái Bình đã tập trung xây dựng những công trình tiêu nước như cống Diêm Ðiền 1, Tám Thôn, Tân Bồi (phía Bắc); Ngũ Thôn, Lân, Hoàng Môn và hệ thống Bát Cấp (phía Nam); đồng thời bổ sung một số cống tưới cho những vùng thiếu nước tưới như Lão Khê (cũ), Việt Yên, Hậu Thượng, Vũ Ðông, Ngô Xá, Nang. Với những vùng cao, xây dựng một số trạm bơm loại vừa để tưới gồm: cầu Lê, An Ðồng, Cự Lâm, Song An 1 và Song An 2. Tháng 8/1964, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Thái Bình bước vào giai đoạn “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”. Hưởng ứng các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm nhiệm” (sau đổi thành “Ba đảm đang”), thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, công tác thủy lợi luôn gắn với công tác quốc phòng và xây dựng đồng ruộng theo phương hướng mới. Ðã củng cố tốt các tuyến đê xung yếu, kể cả đê sông và đê biển; giải quyết căn bản bờ vùng, bờ thửa kết hợp với vệ sinh đồng ruộng. Trong năm 1966, cùng với quản lý tốt các công trình hiện có, phát triển thêm các công trình mới, Thái Bình đã tập trung củng cố các đội thủy lợi, tăng cường trang bị công cụ cải tiến để tăng năng suất lao động; phấn đấu giải quyết tốt vấn đề úng, hạn, mở rộng diện tưới, tiêu hợp lý và 70% số xã căn bản hoàn thành quy hoạch thủy lợi. Việc quy hoạch, kiến thiết và khai thác tốt các công trình thủy lợi đã góp phần quan trọng đưa năng suất lúa của Thái Bình dẫn đầu toàn miền Bắc. Hai năm liền (1966 - 1967), Thái Bình đạt bình quân trên 5 tấn đến gần 5,5 tấn thóc/ha. Năm 1967, tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh tăng so với năm 1960 gần 138.000 tấn; năm 1968, toàn tỉnh có 4 huyện, thị xã đạt năng suất từ 5 tấn thóc/ha trở lên. Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ VII xác định nhiệm vụ công tác thủy lợi 3 năm (1968 - 1970) là ra sức sửa chữa đê điều, cống, đập, hoàn chỉnh quy hoạch tưới, tiêu riêng biệt trong phạm vi toàn tỉnh; tăng cường công cụ cải tiến và công cụ cơ giới cho khâu thủy lợi, tranh thủ điện khí hóa thủy lợi; coi trọng việc chỉ đạo quản lý, khai thác và sử dụng tốt các công trình.

 

Trạm bơm Hiệp Trung (xã Ðông Hòa, thành phố Thái Bình). Ảnh: Ngọc Linh

 

Việc khắc phục được tình trạng độc canh 1 vụ, chiêm khê, mùa thối đã đưa Thái Bình trở thành tỉnh đầu tiên ở miền Bắc đạt năng suất lúa 5 tấn/ha; ngành Thủy lợi Thái Bình tiếp tục bước vào thời kỳ hoàn chỉnh thủy nông mà cao điểm là giai đoạn 1972 - 1978 (giai đoạn nâng cao quy hoạch thủy lợi từ 1979 - 2005) nhằm phục vụ thâm canh, tăng năng suất cây trồng. Trong giai đoạn này, ngành Thủy lợi đã xây dựng được hàng loạt các công trình từ đầu mối quan trọng đến các công trình mặt ruộng tách biệt giữa tiêu và tưới. Về tiêu, đã xây dựng các cống Trà Linh 2, Diêm Ðiền 2, Khái Lai, cống Lân 2; nạo vét các sông Tiên Hưng, Sa Lung, Tà Sa, Sành, Cô, Sinh, Kiến Giang. Kết quả đã nâng hệ số tiêu cho hệ thống thủy lợi Bắc từ 2,55 l/s/ha lên 6 l/s/ha và nâng hệ số tiêu cho hệ thống thủy lợi Nam từ 2,55 l/s/ha lên 5 l/s/ha. Cùng với đó, tiến hành xây 9 trạm bơm tiêu phía Bắc, 7 trạm bơm tiêu phía Nam tỉnh phục vụ tiêu úng cho hơn 27.000ha, trọng tâm là huyện Hưng Hà. Về tưới, đã xây dựng lại 3 cống phía Bắc, 7 cống phía Nam tỉnh cùng hàng trăm cống, đập then chốt điều tiết nước nội đồng; xây dựng 1.092 trạm bơm điện nhỏ và hàng trăm ki-lô-mét kênh để đưa nước từ sông chìm lên mặt ruộng. Với hệ thống công trình trên đã giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt góp phần cải tạo 32.000ha đất xấu của hầu hết các huyện, tập trung nhiều ở các huyện ven biển và các xã khu An của huyện Quỳnh Phụ.

 

Hòa chung bài ca thống nhất đất nước có khúc tráng ca của cán bộ, công nhân viên chức ngành Thủy lợi Thái Bình. Trong chiến tranh, họ không chỉ đổ mồ hôi, công sức mà còn hiến dâng xương máu để thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất với nước điều hòa với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Ngày nay, công cuộc đổi mới vẫn rộn vang tiếng cười của họ trên những công trường, tiếp tục xây lên những công trình mới đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, các ngành kinh tế và bảo vệ môi trường nước, chủ động ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng...

 

Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Mận,Ðội trưởng Ðội thủy lợi chuyên trách 202 Quang Trung, xã Vũ Vân (Vũ Thư) từ năm 1965 – 1970

Năm 1965, Ðội thủy lợi chuyên trách 202 Quang Trung, xã Vũ Vân chỉ có 21 người với 2 đảng viên; đến năm 1966 Ðội có 45 người và thành lập được Chi bộ Ðảng. Dưới mưa bom bão đạn của giặc Mỹ, Ðội thủy lợi chuyên trách 202 Quang Trung , xã Vũ Vân vẫn “tiếng hát át tiếng bom”, “làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm đêm” và còn có rất nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật như cải tiến công cụ vận chuyển đất bằng xe cút kít, cầu lao..., đưa năng suất lao động tăng lên đỉnh cao, vượt từ 300 - 450%, góp phần đưa năng suất lúa của tỉnh đạt 5 tấn/ha, chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Ðội thủy lợi chuyên trách 202 Quang Trung, xã Vũ Vân đã được Chính phủ tặng Cờ thi đua luân lưu 3 năm liền (1967 - 1969), cá nhân tôi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và hai lần vinh dự được gặp Bác Hồ kính yêu.

Ông Dương Văn Thiết, thôn Hanh Thông, xã Thái Thọ (Thái Thụy)

Tôi công tác trong ngành Thủy lợi Thái Bình 34 năm, trong đó có 3 năm tham gia Ðoàn hoàn chỉnh thủy nông của Bộ Thủy lợi tại Thái Bình. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, công tác thủy lợi chủ yếu huy động sức dân là chính, được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng có sự quan tâm rất cao với ngành thủy lợi, ngay từ năm 1965 bằng nguồn ngân sách tỉnh đã cử 18 cán bộ theo học ngành thủy lợi, đông nhất trong các ngành nghề. Từ năm 1970, mạng thủy nông của tỉnh phát triển nhanh, đến năm 1975 tỉnh công bố hoàn chỉnh thủy nông về mặt quy hoạch. Năm 1977, bằng việc xây dựng hai trạm bơm lớn đã khắc phục được tình trạng nước mặn xâm nhập đồng ruộng tại hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải.

Phan Lợi

 

  • Từ khóa