Chủ nhật, 29/09/2024, 21:18[GMT+7]

Lễ hội đền Trần Thái Bình 2019 hướng về nguồn cội

Thứ 6, 15/02/2019 | 08:31:46
2,013 lượt xem
Theo phong tục cổ truyền, ngày 13 tháng Giêng hàng năm là ngày khai hội đền Trần Thái Bình.

Ảnh: Minh Đức

Đây là dịp để nhân dân trong tỉnh và du khách thập phương tỏ lòng tri ân các vua Trần, Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cùng hoàng thân, quốc thích nhà Trần. Đồng thời, góp phần giáo dục thế hệ trẻ lòng tự hào, ý chí quật cường, bất khuất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, khơi dậy tinh thần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mỗi người dân đất Việt.

Di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần thuộc làng Tam Đường, xã Tiến Đức (Hưng Hà). Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, vương triều Trần được biết đến là vương triều cường thịnh, một triều đại với những chiến công lẫy lừng ba lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông, một đế quốc hùng mạnh nhất thời bấy giờ. Ở quê lúa Thái Bình - nơi có các lễ hội truyền thống và những công trình văn hóa đặc sắc, di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần là một trong những điểm du lịch thu hút du khách thập phương.

Sử sách ghi lại rằng, vùng đất Long Hưng (nay là huyện Hưng Hà) ngay từ đầu thế kỷ thứ XIII đã được nhà Trần chọn làm nơi dựng nghiệp. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục, Kiến văn tiểu lục... đều ghi rõ: Tổ tiên nhà Trần, đời nối đời làm nghề chài lưới. Từ đầu thế kỷ XII, họ Trần đã đến vùng Tức Mặc (Nam Định) và Lưu Xá (Hưng Hà, Thái Bình) sinh sống và làm nghề đánh cá. Thấy vùng đất Long Hưng thuận lợi, có địa thế đẹp, cụ Trần Hấp đã di chuyển mộ cha đến vùng đất Thái Đường, nay là xã Tiến Đức (Hưng Hà) định cư, trồng lúa nước, phát triển nông tang. Đây là nơi phát tích, dựng nghiệp, nơi khởi nguồn trực tiếp của triều đại nhà Trần - một nhà nước phong kiến thịnh trị, hùng mạnh bậc nhất trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Khi vương triều Trần được xác lập, vùng đất này được chọn làm nơi xây dựng các đền thờ, lăng tẩm của hoàng tộc nhà Trần. Vùng đất Long Hưng xưa, Hưng Hà hôm nay không chỉ là nơi giữ gìn long mạch giúp vương triều Trần hưng vượng mà còn là hậu cứ hiểm yếu luyện binh khiển tướng, tích lũy lương thảo, chế tạo vũ khí, phụ trợ đắc lực cho công cuộc nuôi quân đánh giặc. Cả ba lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược, mảnh đất Long Hưng (Hưng Hà ngày nay) đều là nơi nhà Trần chọn làm căn cứ quan trọng để tập hợp quân sĩ, chuẩn bị vũ khí, lương thảo. Sau ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, các vua Trần và hoàng tộc đều ngự giá về vùng đất cố hương, tổ chức đại lễ bái yết tổ tiên, ban phúc ân cho muôn dân trăm họ và ăn mừng chiến thắng. Đây cũng là nơi yên nghỉ của các liệt tổ nhà Trần, của Thái tổ Trần Thừa và ba vị vua đầu triều Trần. Theo ông Nguyễn Quốc Anh, du khách đến từ Hà Nội: Đến đây, chúng tôi được chiêm ngưỡng một quần thể di tích với kiến trúc rộng lớn, tinh xảo. Chúng tôi cũng được tìm hiểu thêm về lịch sử của dân tộc, tham gia các hoạt động văn hóa đặc sắc, độc đáo, cuốn hút mà không phải nơi nào cũng có.

Quần thể kiến trúc đền thờ các vị vua triều Trần có diện tích hơn 32ha, hướng kiến trúc quay về phương Nam. Phía trước có 3 gò ấn kiếm, đó là Chiêu lăng, Dụ lăng, Đức lăng, phía sau tựa vào thôn Tam Đường. Năm 1999, đền thờ các vị vua triều Trần được xây dựng uy nghi, bề thế. Cổng đền dài 11m, cao 6,5m, có trụ biểu lồng đèn lá lật, nghê chầu nơi sơn thủy tối linh, kiểu tam quan cuốn vòm, mái chảy chồng diêm hai tầng, đao song loan cách điệu. Sân đền là tòa bái đường gồm bảy gian hai chái, hai tầng mái kiểu chồng diêm. Bộ cánh cửa lim theo phong cách thời Lê và hệ thống bẩy kẻ, vì kèo được chạm trổ tứ quý, tứ linh có niên đại thời Nguyễn. Qua tòa bái đường là sân chầu rộng khoảng 400m2, hai bên là hai tòa giải vũ. Sân chầu là nơi diễn ra các hoạt động dâng hương, tế lễ. Tòa đệ nhị rộng 270m2, là công trình kết nối tòa bái đường và sân chầu, bao gồm 5 gian. Kết nối tòa bái đường, sân chầu, tòa đệ nhị là tòa hậu cung gồm 3 gian rộng khoảng 90m2. Hậu cung có nền cao hơn 1m, nhiều họa tiết chạm khắc tinh xảo có niên đại triều Nguyễn. Đây là nơi thờ linh vị các cụ Trần Kinh, Trần Hấp, Trần Lý, Thánh tượng Trần Thừa, Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung - những người có công khai sinh ra vương triều Trần.

Ngày 27/1/2014, lễ hội đền Trần Thái Bình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với nhiều nghi lễ, phong tục độc đáo, đậm nét văn hóa thời Trần như lễ rước nước, lễ giao chạ, thi cỗ cá thời Trần, các trò chơi dân gian, các điệu dân ca, dân vũ... 

Theo ông Nguyễn Công Khanh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hưng Hà: Ngoài các nghi lễ và trò chơi dân gian độc đáo, lễ hội đền Trần Thái Bình còn tổ chức lễ tế mở cửa đền, lễ bái yết, tế mộ trong không khí linh thiêng, tôn kính. Những năm gần đây, lễ hội bên cạnh các hoạt động văn hóa truyền thống còn tổ chức ngày Thơ Việt Nam. 

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, xã Thái Thượng (Thái Thụy) cho biết: Hàng năm tôi cùng con cháu đến với lễ hội để hiểu và giáo dục con cháu nhớ về nguồn cội. Đến đây không chỉ ngắm cảnh quan sạch, đẹp, chúng tôi còn được xem rất nhiều hoạt động văn hóa độc đáo, cuốn hút người xem như chọi gà, đấu võ, thi thả diều, thi nấu cơm, rước kiệu... Trong đó, lễ rước nước là hoạt động thu hút được sự quan tâm của hàng nghìn người dân. Hoạt động mang tính truyền thống này là để nhắc lại thuở xưa tổ tiên nhà Trần đều sống bằng nghề chài lưới, lênh đênh trên sông nước.

Cùng với tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, công tác an ninh, an toàn lễ hội cũng được quan tâm chỉ đạo. Trong những ngày diễn ra lễ hội, tiểu ban an ninh và lực lượng công an luôn thường trực kiểm tra và giải quyết các sự việc phát sinh, góp phần để du khách yên tâm tham dự các hoạt động. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống cháy, nổ được thường xuyên kiểm tra, không để xảy ra tình trạng chập, cháy, nổ gây gián đoạn các hoạt động tại lễ hội. Ban Quản lý di tích bố trí lực lượng vệ sinh, thường xuyên thu nhặt vàng hương và bao sái ban thờ. Trong khuôn viên di tích và các con đường dẫn vào đền được bố trí thùng đựng rác ở những vị trí phù hợp nhất, giúp du khách có thể dễ dàng bỏ rác đúng nơi quy định. Những hoạt động đó đã tạo được ấn tượng đẹp đối với du khách gần xa, giúp du khách được tận hưởng cảm giác thư thái hướng về nguồn cội, góp phần tôn vinh giá trị của lễ hội đền Trần Thái Bình.

Mai Thư 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày