Thứ 5, 25/04/2024, 11:22[GMT+7]

Pháo đài đồng bằng

Thứ 2, 27/05/2019 | 08:58:26
733 lượt xem

Ông Chỉnh thấy mình không cần đứng đây nữa. Ông dặn Duyệt một câu rồi về. Thời chiến phải vậy - ông nghĩ - nhiều việc phải miệng nói tay làm... Cán bộ xã này, phải khỏe như Duyệt, như Tuyền, như Chuyển mới gánh vác được... Ngồi nghĩ ra việc này việc nọ, viết thành đề án kế hoạch là việc không dễ, các cậu chưa quen không làm nổi. Nhưng có đề án kế hoạch rồi, dóng dựng cho mọi người làm nên công nên việc càng khó hơn. Phải các cậu ấy, vừa nói, vừa lăn lưng vào làm mới được.

Nhớ lại cái hôm kiểm điểm giảm tô, sau khi bị phê bình là nể nang, ông Chỉnh được chi ủy giao nhiệm vụ chỉ đạo tá điền đấu tranh với chủ điền. Chủ điền to ở làng này có bốn nhà, trong số ấy có chánh Củng. Củng thì chả có gì khiến ông phải nể, nhưng Củng là bố Cự. Từ dạo suýt bị đưa ra khỏi Ủy ban, Cự không còn được ông nể như trước nữa. Nhưng Cự vẫn là tay được việc. Không có Cự, nhiều khi ông cũng bí. Nói gì xa, ngay gần đây, việc tìm hàng nghìn khóm tre rào làng, ông tưởng bí, thế mà Cự vẫn xoay ra, phần quyên góp, phần bỏ tiền quỹ ra mua. Có một tay tháo vát, đầu chày đít thớt, xoay tiền xoay thóc đáp ứng cho công tác được như Cự là quý lắm. Đấy là việc chung... Đối với riêng ông, Cự luôn luôn tỏ ra trọng vọng. Nhiều lần Cự gò lưng lai ông đi họp huyện. Cần cái đèn pin đi đêm, không hỏi Cự vẫn đưa cho... Gần đây, nhiều anh em ở huyện tưởng Tuyền đã quán xuyến mọi mặt ở xã này như ông Thể trước kia. Cự lắc đầu nói với họ: “Không có ông Chỉnh ghé vai vào thì chả được thế đâu”. Phải có cảm tình với ông, cậu ta mới nói thế... Cứ nghĩ những điều ấy, ông lại nể Cự. Nhất là từ đầu năm nay, tỉnh ủy có chỉ thị kết nạp đảng viên phải nhằm vào bần cố nông, Cự bị Tuyền và một vài đồng chí trong chi ủy nghi ngại, giảm tin cậy, Cự đâm ra e dè, cụt hứng. Ông phải gần gụi động viên, kẻo Cự bi quan tiêu cực. Dù sao Cự cũng là người hăng hái theo cách mạng từ đầu, có xuất tài xuất lực đóng góp... Bây giờ đấu tranh giảm tô, thêm một chùy nữa giáng vào Cự, không khéo cậu ta nản lòng, mình mất một tay giúp việc...

Mấy hôm chuẩn bị nhân chứng, vật chứng đấu tranh, ông Chỉnh thấy Tuyền và ông Soạn hăng hái sốt sắng chẳng kém việc rào làng kháng chiến. Tuyền còn tỉ tê bảo vợ đến họp, tố cáo việc mụ Củng xúi đi vận động nộp tô chui. Nghe đâu cô vợ không dám làm, vì nghĩ mình đang phải nhờ vả mụ Củng nhiều thứ. Tuyền bực mình mắng vợ, vợ bế con sang ở hẳn nhà Củng... Ông Chỉnh thì băn khoăn, lúng túng. Không hiểu khi ra cuộc họp, chánh Củng, bá Hoán chắp tay lễ phép chào ông; rồi ngay sau đó ông chỉ đạo cho nông dân vạch vọc sai trái của họ như thế nào. Rất chi là nể!... May sao, gần đến ngày họp, ông nhận được công văn huyện triệu tập hội nghị bán thóc khao quân. Ông nói nhỏ với Tuyền: “Việc này quan trọng, tôi phải đi họp. Anh ở nhà chỉ đạo giảm tô. Phải anh làm thì mới ra măng ra rươi”. Tuyền ngần ngại: “Tôi đứng danh nghĩa chính quyền sao được?” - Ông Chỉnh ngớ ra một lúc rồi đập nhẹ vào vai Tuyền: “Anh ở trong chấp hành Nông hội. Ông Soạn cũng vậy nhá. Thế là đúng cương vị rồi. Còn về chính quyền, để tôi phân công anh Duyệt. Xã đội trưởng là ủy viên Ủy ban. Được chưa nào?”.

Thế là ông tránh được một việc hóc búa. Mấy hôm sau, ông nghe Duyệt kể lại: Hơn hai chục đại biểu tá điền về họp, toàn những tay cứng cựa, bạo mồm bạo miệng. Bốn chủ điền lớn đến đủ. Chủ điền loại vừa cũng đến. Duyệt đại diện Ủy ban tuyên bố lý do hội nghị. Tuyền đọc sắc lệnh giảm tô. Ông Soạn, hội trưởng Nông dân cứu quốc, vê vê ống tay áo như người sắp đi cày, đứng lên nói vo, chẳng giấy tờ văn bản gì. Ông kể vanh vách là năm ngoái, riêng chánh Củng đã thu làm mười bốn tấn thóc tô. Vụ chiêm vừa qua bảy tấn nữa, vị chi hăm mốt. Vụ này nghe phong thanh có sắc lệnh, chánh Củng lập mẹo vận động nộp tô chui, có nhân chứng rõ ràng. Rồi ông mời mấy tá điền nhà Củng lên có ý kiến. Bốn, năm người đứng lên phàn nàn, mấy năm qua không được giảm tô; vụ này phải nộp tô chui, nếu không nộp thì bị rút mất ruộng...

Tuyền thay mặt Nông hội nói như búa nện vào đe, chắc nịch. Anh đề nghị chính quyền xã đứng ra cầm trịch: “Từ nay chủ điền đã thỏa thuận giao ruộng cho tá điền thì không được tự ý đòi ra. Tá điền có trách nhiệm nộp tô đủ theo sắc lệnh, chủ điền không được đòi thêm. Những năm thiên tai mùa màng thất bát, chủ điền phải giảm tô thêm tùy sự thiệt hại thực xảy ra...”. Tất cả đại biểu tá điền vỗ tay hoan hô đề nghị của Tuyền. Các chủ điền thì mặt buồn rười rượi như đi đưa đám... Ông Chỉnh mừng vì mình tránh được cuộc họp khó ăn khó nói ấy. Ông cũng mừng vì nó đạt yêu cầu, từ nay chủ điền không được phép làm rầy rà tá điền, việc giảm tô được tiến hành đến nơi đến chốn. Cuộc họp ấy, nói cho đúng là cuộc đấu tranh ấy, còn khiến ông thấy thêm một điều: trong hàng ngũ cán bộ xã cần có những tay thẳng mực tàu mới làm được việc. Mềm mỏng như ông cũng cần, nhưng chỉ mềm mỏng không thôi là hỏng việc. Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma phải mặc áo giấy. Chuyện Tam Quốc ngày xưa có ông Lưu Bị hiền lành, lại phải có ông Trương Phi hùng hổ mới làm nổi cơ đồ...

9

Ngày 1 tháng 2 năm 1950.
Tướng Các-păng-chi-ê, tổng chỉ huy các lực lượng quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, đáp máy bay từ tổng hành dinh Hà Nội xuống Nam Định.

Ở một căn phòng rộng của nhà chung, trong khu vực nhà thờ Xanh Tô-ma, Các-păng-chi-ê chắp tay sau mông đi đi lại lại. Điếu xì gà trên môi lão nặng trĩu, những sợi khói nhỏ lâu lâu mới phì nhẹ khỏi mép. Đôi mắt màu tro nhìn xuống sàn đá hoa lạnh ngắt. Lão dự tính những điều có thể xảy ra và cách đối phó. Một việc quan trọng lão sẽ ra lệnh thực hiện.

Tách cà phê bốc hơi nghi ngút một lúc đã nguội.

Bút Ngữ
(Thành phố Thái Bình)

(còn nữa)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày