Thứ 6, 19/04/2024, 00:27[GMT+7]

Pháo đài đồng bằng

Thứ 2, 17/06/2019 | 08:27:38
1,205 lượt xem

Tắt đèn pin, Thả nhớ lại những phút gặp tu sĩ Mạc trưa nay. Một người đang tuổi xông xáo, mặt dái bò, trắng như xoa phấn, giấu mình trong bộ quần áo lính, theo đám quân đóng ở nhà thờ Rí ra đây liên lạc với Thả. Anh ta cho biết có thể phát súng cho tất cả các xứ, họ quanh vùng này; có những người cầm đầu chọn trong đám chức dịch thời Tây Nhật và trong đám chánh trương, trùm trưởng, tu sĩ... Với điều kiện là các đồn Liên hiệp Pháp phải thường xuyên hỗ trợ. Tự họ, họ không đảm bảo chống lại Việt Minh du kích ở các làng bên, và ngay trong làng họ. Tu sĩ Mạc dẫn chứng: Trong mấy tháng qua, các làng xã vùng này đều chuẩn bị chiến đấu. Làng Nguyễn, làng Khuốc, làng Ngói đắp lũy đào hào như những đồn binh...

Thả nói cho Rơ-na nghe những điều ấy. Rơ-na rút bản đồ khỏi túi mi-ca, rải rộng trên hai hòm đạn, tìm các làng Nguyễn, Khuốc, Ngói. Làng Nguyễn cách vị trí của Rơ-na năm trăm mét đường chim bay. Khuốc, xa hơn ba ki-lô-mét. Ngói, sáu ki-lô-mét. Rơ-na ấp mùi xoa lên miệng, đầu cúi xuống, cái lưng dài khom khom. Hắn nghĩ về lời thỉnh cầu của tu sĩ Mạc: “Các đồn Liên hiệp Pháp phải hỗ trợ”. Đúng thế! Các Giem cơ động Âu Phi, sau khi càn quét sẽ rút đi theo yêu cầu của các chiến trường khác. Còn lại ở đây là công việc của các đồn Liên hiệp Pháp, với lính người Việt do sĩ quan Pháp hoặc Việt chỉ huy. Một nỗi lo từ đâu dâng lên làm Rơ-na buốt sống lưng:
- Ông thiếu úy ạ! Thế là ngay trước mũi chúng ta có một vị trí của Việt Minh. Cái làng Nguyễn này có thể trực tiếp uy hiếp ngay vị trí của chúng ta. Tôi sẽ tường trình với thiếu tá Đát-si-ơ, xin lập sớm những đồn Liên hiệp Pháp quanh đây. Tôi biết sẽ có những đồn gần chúng ta là Cầu Đợi, Cầu Vật, Đông Các, Cao Mỗ. Và xa chút nữa nhưng có thể hỗ trợ là Cống Vực, Cầu Bo, Đình Thượng, An Lễ, Sa Cát, Bến Sú, Cống Hộ... Mười mấy đồn Liên hiệp Pháp ấy là những cái cột cho mấy chục đồn vệ sĩ vùng này dựa vào và ngược lại.
Rơ-na trầm ngâm một lúc lâu:
- Một cái vị trí của Việt Minh cắm ngay trước mũi chúng ta là không được. Nó là một sự không ổn định đối với chúng ta, một sự sỉ nhục nữa. Phải sớm nhổ nó đi!

10

Đêm 28 tết Canh Dần.
Mưa lất phất giây bột. Gió đông non phẩy nhẹ tàu cau, những hạt nước rơi lộp độp. Vòm trời đen như thấp rạp xuống. Con chàn chạt ở bờ tre chốc chốc kêu ran một hồi.

Ông Chỉnh xắn quần tới đầu gối. Bao dao găm, hai quả lựu đạn chày đeo bên hông.

Bà Chỉnh biết ông sắp ra chỗ anh em du kích. Mấy đêm nay giặc đóng đầu cầu Nguyễn, ông không ngủ ở nhà. Ông đi từ cổng Bắc đến cổng Đông, nhắc nhở canh gác cẩn mật. Mới bước vào cuộc chiến đấu, anh em ít kinh nghiệm, khi gác vẫn nói chuyện tầm phào; gác ngồi trong điếm ngủ gật lúc nào không biết... Mỗi đêm ông đi hai lần vào nửa đêm và gần sáng. Hôm sau, khi mặt trời lên vài con sào, ông chớp chảo qua nhà một lúc. Ngồi ở chõng, uống nước chè tươi đặc mà cứ ngáp tràn, ông thèm ngủ. Thấy ông ngủ gật, bà bảo: “Thì ông ngả lưng một lúc có được không?”. Ông trả lời giọng khàn khàn: “Tôi đi đằng kia bây giờ”.

Ông vén mành ngó ra sân, quay lại hỏi:
- Thằng Chuyển có đảo qua nhà không bà?
- Hôm nay nó đi biệt cả ngày.
- Nó mải trực chiến ở cổng Đông.
Bà Chỉnh lúi húi đong từng đấu thóc đổ vào cái chum chôn góc nhà. Nghe vậy, bà ngừng tay, chớp chớp mắt nhìn ông:
- Khổ, nhà có có mỗi nó là giai. Ông liệu xếp việc cho nó chứ!
- Hừ, bà này rõ hay. Làm như tôi có quyền...
- Thì ông đứng đầu hàng xã, ông không xếp cho nó được à? Sao không cho nó về cổng Tây. Cho xa xa một tý.

Ông Chỉnh toan đi, thấy bà nói, ông ngồi xuống nhìn vào ngọn đèn, nghỉ ngơi... Rút Chuyển về cổng Tây thì đưa ai ra thay Chuyển. Cán bộ nhiều đấy, nhưng có phải ai cũng biết bắn súng, ném lựu đạn đâu. Ông chỉ có mỗi Chuyển là con giai nối dõi tông đường. Vợ ông lo là phải. Ngay Tuyền cũng nghĩ đến điều ấy, định phân công Chuyển trực chiến cổng Tây. Nhưng Chuyển không nghe. Cổng Tây ở tận cuối làng, xa giặc...

Thấy ông nghĩ ngợi, bà nhấn thêm:
- Tôi nói thật đấy. Cái hòn tên mũi đạn, người tránh nó chứ nó chẳng tránh người. Mình có con đàn con đống gì đâu.
- Bà cứ nói quẩn, nó vận vào mình ấy! - ông gắt.
Bà Chỉnh sợ nó “vận vào mình”, bà thầm phỉ phui cái câu mình vừa nói. Rồi bà sang chuyện khác để che lấp đi:
- Trưa, cái Quất về đây, ngồi tần ngần một lúc lẩu lầu lâu. Nó bảo đâu a... ông hội Tùy trách thằng Chuyển.
- Trách cái gì?
- Cái việc ra đình giảm tô hôm nọ ấy... Thấy bảo người ta định không gọi ông hội Tùy. Ông ấy chỉ có mươi mẫu ruộng. Thằng Chuyển lại bảo: “Cứ tìm ông ấy ra, ít cũng phải nghe sắc lệnh để còn thi hành”.
Ông Chỉnh im lặng: “Cái thằng... rồi mất cả lòng với người ta”. Một lúc, ông hỏi:
- Ý cái Quất thế nào?
- Nó lại bênh thằng Chuyển, cãi nhau với bố. Rõ trẻ con một lũ.
Để rồi lúc nào tôi có ý kiến lại với ông ấy.
Ông Chỉnh đứng dậy, tay sờ nắp lựu đạn. Ông rút cái gậy giắt trên mái nhà, nhìn ra sân:
- Tối quá! Giá có cái bin!
Bà bước theo ra, nhìn trời đất, lầm bầm:
- Biết lối nào mà đi. Khéo ngã xuống ao thì khổ.
Ông Chỉnh đi chậm. Chốc chốc lại “e hèm”, sợ xô phải ai. Lũy tre hai bên đường rậm rạp, um tùm, làm cho lối đi càng tối.

(còn nữa)

Bút Ngữ
(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày