Thứ 7, 20/04/2024, 03:20[GMT+7]

Pháo đài đồng bằng

Thứ 2, 24/06/2019 | 09:29:10
804 lượt xem

Ảnh minh họa.

Làng xóm vắng ngắt. Một phần đàn bà trẻ con tản cư vào vùng Ngói, Gạch. Giá không có giặc thì tối 28 tết, làng xóm đã náo nức rồi. Nhà giàu, bếp núc sáng trưng, gạo nếp, gạo tám xay giã thình thịch; tiếng búa nện bánh cáy vào khuôn bồm bộp. Những nhà giết lợn sớm thì giã giò lụp bụp... Hương vị tết tỏa ra ấm cúng say mê. Mùi gừng luyện mạch nha làm bánh cáy ngọt ngọt, cay cay. Mùi hành tươi trộn đậu xanh làm nhân bánh chưng hăng hăng, ngầy ngậy. Mùi thuốc pháo khen khét của mấy ông cụ làm pháo nhói, pháo bông. Mùi men rượu nồng nồng. Mùi bưởi chín, cam chín ngan ngát... Ông Chỉnh nghĩ đến cái tết của nhà mình. Vợ ông chỉ đong vài đấu gạo nếp. Định sáng mồng một tết, giặc không quấy phá thì thổi đĩa xôi cúng tổ. Không thì thôi hết. Mất tết, ông Chỉnh thấy tiêng tiếc thế nào. Không có giặc thì vào giờ này, bận công tác đến đâu ông cũng đến nhà hội Tùy, làm chung vài khuôn bánh cáy. Cái thứ bánh chỉ có làng Nguyễn biết làm. Gạo nếp hương chọn không còn hạt lẫn, ngâm kỹ, xôi rền, giã thành bánh dày. Để mấy ngày, bánh dày se lại, thái nhỏ từng thanh như thước kẻ học trò, rải ra nắng phơi khô. Mỡ lợn đun sôi, rán giòn những thanh bánh ấy, rồi đưa vào cối giã. Bột bánh nhỏ tinh nhào với đường luyện mạch nha. Trong chảo gang nóng sực, hương thơm của nếp, của gừng, vị ngọt của đường, vị ngậy của mỡ tỏa ra. Ai cũng bảo là hương vị tết. Rồi chảo bánh dẻo quánh ấy được nhồi vào khuôn, búa đanh nện cho chắc lại. Thỏi bánh từ khuôn ra vuông thành sắc cạnh, phong kín bằng giấy hồng điều. Sau tết, bánh chưng giò mỡ hết, còn lại phong bánh cáy. Nấu ấm nước chè tươi đặc, thái mấy lát bánh cáy, vừa uống, vừa nhai. Cắn miếng bánh thoạt đầu thấy rắn, giòn; nhai một lúc thấy dẻo, ngọt, thơm, cay, bùi, ngậy...


- Ai? Tiếng quát làm đứt dòng nghĩ của ông Chỉnh.


- Tôi! Mận phải không? Binh tình thế nào?


Mận xách súng bước lại gần ông Chỉnh, mắt nhìn ra đường, nói nhỏ:


- Lúc chiều, Chuyển với cháu ra tận quán Kẽn. Vẫn chỉ thấy lều bạt lụp xụp. Những cái ụ chỉ to bằng cái bu nhốt gà, đắp qua loa sù sì. Đất mới bừa bãi, hình như nó đào hố, đào hào té lên. Không có vẻ đóng đồn.


Ông Chỉnh ừ... ừ... tỏ ra lắng nghe... Ông lấy làm lạ: Sao nó vẫn chưa có vẻ đóng đồn. Hôm đầu tiên nó kéo đến đây, đóng có một đêm rồi rút về thị xã, ông mừng thầm. Mừng nhất là đầu làng không có đồn giặc. Thứ hai là nó chứng tỏ ý kiến ông hồi xưa là đúng: “Giặc đánh Thái Bình chỉ triệt phá kinh tế rồi rút lui. Quân đâu mà rải khắp cái vùng đất rộng thênh này”. Cái ý kiến mà Tuyền cho là chủ quan, tranh luận với ông không ngã ngũ, phải báo cáo huyện, làm ông tức mãi.


Nó về thị xã ít ngày, lại trở lại đây. Vẫn không đắp lũy, xây đồn. Thế mới lạ. Có vẻ như nó đợi bọn quân đang đi càn ở phía trên, trở lại đây mới dứt khoát đi hay ở.


Giặc chưa đóng đồn, ban đốc chiến xã Nguyên Xá vẫn thực sự vào công việc thời chiến. Cho đàn bà trẻ con tản cư. Cho du kích ăn ngủ tập trung sẵn sàng đánh giặc. Mấy đêm qua, Tuyền và Duyệt vào gần nơi giặc đóng quân xem xét tình hình. Ông Chỉnh cũng muốn vào xem sao. Ông là trưởng ban đốc chiến, phải biết giặc đóng ở đầu xã mình như thế nào.


- Chuyển đâu? - Ông Chỉnh hỏi Mận.


- Anh ấy đi tuần, ra quân Kẽn ạ!


- Cậu đi với mình. Xem nó đóng quân thế nào?


Tay sờ chuôi lựu đạn, ông Chỉnh ra quán Kẽn, trạm gác tiền tiêu của làng Nguyễn. Bước qua cổng Đông, ông cảm thấy rờn rợn, phần vì gió ở cánh đồng lồng lộng thổi vào tai ông lạnh ngắt, phần vì ở đây không có hào lũy ngăn che. Ông mím chặt môi, bước mạnh.


Chuyển và hai anh du kích, mỗi người nấp sau một mô đất, nhìn đăm đăm về phía đường 39. Ông Chỉnh đến bên Chuyển ngồi xổm nhìn ra khu giặc đóng, tối mù mù.
Đoàng... Véo... éo... éo...


Một phát đạn súng trường lướt trên đầu ông Chỉnh. Ông cúi rạp xuống.


- Nó vẫn bắn vu vơ thế! Chuyển nói.


Ông Chỉnh giật vạt áo Mận bảo đi. Chuyển bước theo:


- Bố vào đấy à. Gặp nó đi tuần, rút không kịp đâu!


- Bác to phục phịch, nó đuổi chỉ có nằm ra đấy. - Mận dọa thêm.


Ông Chỉnh ẩy nhẹ vào vai Chuyển, bảo ở lại. Ông dứt khoát đi. Làm anh chỉ huy phải tận mắt nhìn cái chỗ giặc đóng tròn méo thế nào?


Con đường 39 bị đào đẽo hết thịt, chỉ còn lại một cái gân ngoằn ngoèo chữ chi. Khoảng hơn trăm mét lại có một cái ụ nhô lên giữa đường gân ấy. Từ hôm giặc đóng cầu Nguyễn ít người đi trên cái đường gân chữ chi, sợ giặc trông thấy. Một vết lờ mờ, quanh co ở mé đường mới hình thành; vết chân du kích làng Nguyễn qua lại trinh sát giặc. Lần đầu ra đây, không biết cái vết ấy, ông Chỉnh cứ đi trên đường.


- Nó trông thấy đấy, bác ạ - Mận khẽ nói.


Ông Chỉnh nhìn lại phía giặc. Tối om om. Ông nói:


- Nó chẳng trông thấy đâu! Cứ đi!


Mận tinh mắt đi nhanh hơn. Ông Chỉnh rảo bước theo. Vấp phải mô đất, ông chúi người, chiếc gậy chống hụt suýt tuột khỏi tay, quả lựu đạn quật vào vỏ dao găm đánh bộp.


Bỗng mấy viên đạn trung liên đỏ lừ bay ngang phía trước. Mận ngồi thụp xuống. Ông Chỉnh vừa bước tới cái ụ, ghé người vào tránh. Ụ thấm nước mưa, đất dính vào má, vào vai ông nhoe nhoét.


Mận bảo ông:


- Gần giặc rồi. Xuống vệ đường đi cho chắc, bác ạ!


Ông Chỉnh ngó xuống vệ đường tối mù. Thò một chân xuống rà rà, thấy lổn nhổn đất đá. Ông chọc gậy dò bước. Bỗng giẫm phải cục đất tròn vo bằng bình vôi, ông trượt ngã. Mông xệp xuống đống sành gạch cứng nhọn, đau nhói. Hai quả lựu đạn nện xuống đất tưởng nổ tung. Mắt ông nảy đom đóm.


Mận vội nâng ông dậy:


- Tối lắm, trở lại bác ạ!


Ông Chỉnh xoa xoa cho mông đỡ đau. Rồi lại dò bước...


Cách chỗ giặc đóng khoảng trăm mét. Mận bảo ông Chỉnh đứng lại. Ông đứng dưới vệ ruộng nhìn qua đường vào. Những mái lều bạt lô nhô, chẳng có hàng lối gì. Những ụ đất thấp lè tè, lổn nhổn.


“Tắc! bọp!”


Từ cái góc tối mò mò vệ đường 10, tiếng súng nổ. Mận bảo ông Chỉnh:


- Ở đấy có thằng gác. Nó khoét hố đứng sâu đến ngực.


Ông Chỉnh bò qua đường, lướt quanh mặt sau khu giặc đóng. Ông ngắm cái thế đất nghiêng nghiêng như sườn đồi từ đầu cầu xuống bãi sông. À, cái cầu này... Ông Chỉnh căng mắt nhìn. Cái cầu phao bằng luồng, giặc bắc vội. Phải phá cái cầu này... Ông toan bò xuống tận cầu dò xét, Mận níu áo ông lại, tay chỉ vào cái hõm tối ở bờ sông. Ở đấy có tên lính gác cầu. Ông Chỉnh cố nhìn bằng mắt. Mắt ông kém rồi. Muốn phá cầu, phải dò xét tỉ mỉ hơn. Ông nén một cái thở dài...


Mưa về khuya dày hạt. Mái tóc ông Chỉnh ướt đẫm, nước thành giọt chảy xuống gáy, ông kéo khăn quàng lau tóc cho khô. Mưa như dốc thêm cái màu đen mờ mịt xuống đôi mắt cay xè của ông.


- Được chưa bác? Về kẻo khuya – Mận bò lại bên ông Chỉnh thì thào.

(còn nữa)

Bút Ngữ

(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày