Thứ 7, 20/04/2024, 19:21[GMT+7]

Pháo đài đồng bằng

Thứ 2, 29/07/2019 | 09:14:55
1,268 lượt xem

Đồng chí Thể cũng biết ông muốn thế. Qua nay về kiểm tra làng Nguyễn, đồng chí thấy có nhiều ưu điểm nổi bật. Mọi mặt tư tưởng, tổ chức, chuẩn bị chiến đấu, có thể lấy trận đánh mồng hai tết làm thước đo. Một xã đẩy lùi một tiểu đoàn Âu Phi cơ động và một đại đội ngụy binh do sĩ quan Pháp chỉ huy. Thế là khá lắm... Nhưng cạnh mặt tốt ấy, còn những khuyết điểm. Vì chưa thấu triệt tư tưởng trường kỳ kháng chiến nên tập trung người vào việc đánh giặc, coi nhẹ sản xuất. Có ít thóc kho, hết thì lấy gì ăn. Hai là, vì chưa nắm vững phương châm đấu tranh võ trang kết hợp đấu tranh chính trị nên không tổ chức nào cho quần chúng học tập tài liệu kháng chiến toàn dân, toàn diện, không chuẩn bị lực lượng, phòng khi hào lũy bị phá phải chuyển hướng đấu tranh... Ông Chỉnh đang hể hả vì trận đánh thắng lợi, bị đồng chí huyện ủy phanh phui mấy khuyết điểm to, ông cảm thấy mình như em bé bị mất áo tết. Ông không ngờ mình mắc khuyết điểm như vậy. Tưởng mọi sự đã chu đáo cả. Tưởng đã làm đêm làm ngày như thế thì chỉ có tốt. Ai ngờ vẫn có việc chưa tính ra, chưa nghĩ tới. Cái việc coi nhẹ chuẩn bị đấu tranh chính trị là lỗi tại ông. Nhưng giá Tuyền nói rõ ràng hơn thì đâu đến nỗi ông gạt toẹt đi. Cậu ấy phụ trách chính trị, suy cho cùng là lỗi tại cậu ấy. Còn việc mải dồn sức đánh giặc, coi nhẹ sản xuất... - Ông Chỉnh cố chia ra xem phần mình chịu trách nhiệm bao nhiêu, phần Tuyền bao nhiêu. - Cậu ấy là bí thư, cậu ấy phải gánh trách nhiệm nhiều hơn chứ. Chia bằng thế nào được. Cậu ấy non quá. Làm bí thư mà những việc tày đình như thế không nghĩ ra. Mình thì còn phải nghĩ phần việc của mình. Có tài thánh cũng chả nghĩ thêm sang phần việc của cậu ấy được. - Ông Chỉnh nói với đồng chí Thể điều đó.

Đồng chí Thể biết tâm trạng ông. Khoác tay ông ra khỏi sân đình đầy thóc lúa, đồng chí thì thầm:
- Mấy việc tôi phê anh, xin nói thật, tôi sẽ phê cả Tuyền nữa. Vì xã này hai đồng chí giữ vai trò chủ chốt. Các đồng chí sai là cả chi bộ sai, cả xã sai, phải không nào? Ừ, tôi muốn lấy cái tình một đảng viên cũ ở đây về tâm sự với các đồng chí. Tôi có thể lấy danh nghĩa huyện ủy họp với chi ủy, với toàn chi bộ để kiểm điểm công tác, nhưng tôi làm theo cách thứ nhất. Để rồi các đồng chí tự kiểm điểm trước chi bộ, trước Hội đồng nhân dân thì hay hơn.
- Anh có góp ý cho Tuyền, anh nói cả cái chuyện cậu ấy báo cáo huyện là tôi chủ quan. Tại sao cậu ấy không phê ở chi bộ đàng hoàng thẳng thắn? - Ông Chỉnh nói xen.
- Để tôi nói hẵng. Phần anh ấy mà. Anh có nhiều điểm tốt, tôi cũng cần học tập. Như cái tinh thần hăng hái, việc gì cũng làm hết sức mình. Nhưng anh có cái sai. Anh ít lắng nghe ý kiến cán bộ trẻ. Họ ít kinh nghiệm, đôi khi họ đề xuất chưa hay, chưa sát, có thể còn sai nữa. Nhưng vì thế mà gạt mọi ý kiến của họ thì không nên. Một bộ óc thông minh bằng mấy vẫn không thể nghĩ thay cho nhiều bộ óc. Tôi ở với anh mãi, tôi biết, anh thường cho mình nghĩ đã chín, nói là đúng, làm là phải, không cần thêm bớt. Tự tin là đức tính cần thiết. Nhưng tự tin đến mức không cần nghe ai, học ai là điều tai hại.

Vốn nể và tin đồng chí Thể, ông Chỉnh để ý nghe. Từ khi lên huyện đến nay đã hơn một năm, ông mới lại nghe đồng chí thì thầm tâm sự. Cái hồi hai anh em cùng gánh vác hai nhiệm vụ lớn nhất trong xã, nhiều khi đi đường cũng nói với nhau thế này. Ông cố nhớ xem có việc gì cánh trẻ họ bảo mà mình không nghe. À, có việc cậu Tuyền đề nghị mạnh tay giảm tô mà mình e dè. Cái việc Quất đề nghị cho phụ nữ học tập kinh nghiệm đấu tranh chống giặc của Hưng Yên, mình cho rằng đã có hào lũy giữ làng, không cần học tập. Cái việc Duyệt đòi đắp lũy bên trong bờ tre nhà cửu Thạc, mình nể cửu Thạc bảo đắp ra ngoài, để hôm xưa giặc leo lên lũy nhòm vào làng...
Đồng chí Thể vẫn thì thầm:
- ...Anh em mình nhiều tuổi, vào bậc cha chú, lại có kinh nghiệm, thường được cánh trẻ họ tin, nhiều khi họ phục, nói là họ nghe. Thấy mình sai, họ nể không phê bình, thậm chí nể quá họ cứ nhắm mắt làm sai. Hồi ở xã, tôi đã nghiệm ra điều này. Lên huyện, tôi thấy rõ hơn. Mình là cái anh huyện ủy, về xã các đồng chí trẻ tin lắm, mình càng phải liệu chừng... Có điều mà lớp già chúng ta ít nghĩ tới, là lớp trẻ họ có một con đường tắt, họ đi nhanh lắm, đuổi kịp chúng ta, có khi còn vượt. Con đường tắt ấy do lớp già tạo ra. Đấy là những kinh nghiệm công tác. Nhiều việc mình phải mày mò làm thử hai ba lần mới được. Đến lần họ, họ chỉ cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn. Nghĩ rằng những người cán bộ trẻ đã sống qua năm năm cách mạng vẫn phải trải qua một quá trình đào tạo theo kiểu “cần việc gì, bảo việc nấy” như anh với tôi hồi mới khởi nghĩa là sai. Thật đấy. Tôi không hơn tuổi anh, nhưng tôi đi nhiều, thấy nhiều hơn anh. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Tất nhiên, Tuyền có những nhược điểm, chúng ta phải giúp anh ấy...


*
*     *


Làng Nguyễn phân tán xong kho thóc vào buổi chiều, sớm hôm sau giặc đánh úp ngay. Binh đoàn Com-muy-nan Bô-phơ-rê cùng đại đội liên hiệp Pháp của Rơ-na chia làm bốn mũi tiến đánh ồ ạt, ráo riết. Thiếu tá Lơ Ma-nhơ chỉ huy binh đoàn ra lệnh: “Phải quét sạch Việt Minh, san bằng hào lũy, bắt làng Nguyễn lập tề. Làm một tuần không xong, hai tuần. Hơn nữa, có thể một tháng. Không được phép cho một căn cứ Việt Minh đứng vững giữa một vùng đã được chúng ta bình định”.

Hàng nghìn tên giặc cay cú, tức tối, xúm vào xâu xé, phá phách một cái làng, suốt ngày này sang ngày khác, với hàng nghìn khẩu súng, từ tiểu liên, súng trường đến moóc-chê, đại liên... Chống lại chúng, chỉ có những người du kích với hơn chục khẩu súng cũ, thiếu đạn, với những thanh mã tấu và một ít mìn, quả nổ, quả thối.

Thấy lực lượng chênh lệch, ban đốc chiến Nguyên Xá cho du kích và dân quân luồn ra các trại lẻ, bám hầm bí mật tránh giặc. Đàn bà, trẻ con tản cư sang các làng tề. Chỉ còn các cụ già ở lại lấy lời lẽ ứng đối với giặc, không cho chúng phá phách nhà cửa.

Giặc tràn vào làng, giật mìn phá cổng lũy, lấp hào hố. Đường đi lối lại trống hoang trống huếch.
Đại đội lính ngụy do Rơ-na cầm đầu chính thức đóng đồn ở cầu Nguyễn. Các ban tề quanh vùng phải đưa phu, vác tre lên rào đồn.

Mỗi ngày, đồn cầu Nguyễn cho quân diễu dọc làng Nguyễn một lượt. Khi thì vào cổng Đông ra cổng Tây. Khi thì từ cánh đồng thọc bất ngờ và cầu Kênh rồi ra cổng Bắc.

Bọn quân thứ hành chính lưu động hơn chục tên được phái về làng Nguyễn. Tên đội trưởng mặt choắt như cái yên xe đạp, ria mép lấm chấm kiến bò, cặp kính cận lồi như đít chai. Người hắn, đem cân cả cái áo va-rơi dạ màu cứt ngựa và đôi giày mõm ngóe chỉ được băm tám, băm chín cân. Hắn có cái tài diễn thuyết ứng khẩu dài hàng giờ, trôi như cháo chảy, thỉnh thoảng lại chêm vài câu thơ Kiều.

Bút Ngữ
(Thành phố Thái Bình)

(còn nữa)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày