Thứ 6, 29/03/2024, 03:45[GMT+7]

Tôn vinh những đóng góp của các thế hệ người làm báo Việt Nam

Thứ 7, 20/06/2020 | 06:45:01
1,773 lượt xem
Các không gian trưng bày của Bảo tàng Báo chí tái hiện lịch sử báo chí gắn liền với lịch sử lập quốc, kiến quốc của dân tộc ta; tôn vinh những đóng góp của các thế hệ người làm báo Việt Nam; phát huy, lưu giữ những giá trị di sản báo chí.

Các đại biểu cắt băng khai trương trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Ngày 19/6, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ khai trương Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa và diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2020); 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020).

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tham dự buổi Lễ.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành; các nhà báo lão thành và đông đảo nhà báo.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam được xây dựng theo đề án do Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện, hiện nay đã sưu tầm được trên 20 nghìn hiện vật, tài liệu. Trong đó, có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam được nghiên cứu, lập hồ sơ, thẩm duyệt phục vụ trưng bày.

Nội dung trưng bày tại Bảo tàng bao gồm 5 phần: Phần 1 "Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925"; phần 2: "Báo chí Việt Nam giai đoạn 1925-1945"; phần 3: "Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945-1954"; phần 4: "Báo chí Việt Nam giai đoạn 1954-1975"; phần 5: "Báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay".

Các không gian trưng bày được bố trí trên diện tích gần 1.500 m2 và được thể hiện bằng các cách thức trưng bày khác nhau: Trưng bày bằng giải pháp đồ họa trên đai vách; bằng hiện vật, tư liệu gốc và phục chế trong tủ, bục, giá, kệ, trục, quay..., thông qua các giải pháp công nghệ phát thanh - truyền hình - số hóa để phục vụ tối đa nhu cầu công chúng đến thưởng lãm.

Điểm nhấn trong không gian trưng bày là hình tượng Bút sen ở gian khánh tiết, bục kim cương ở gian 1865-1925, báo Thanh Niên ở gian 1925-1945, báo chí chiến khu gian 1945-1954, làm báo dưới hầm giam 1954-1975...

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng bức tranh Phủ Chủ tịch cho Hội Nhà Báo Việt Nam.

Phát biểu tại Lễ khai trương, đồng chí Thuận Hữu nhấn mạnh: Trong 3 năm qua, ngay từ khi mới ra đời, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tích cực nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ và khai thác một cách có hệ thống, khoa học các di sản báo chí để lại, nhằm hoàn thành bước đầu các không gian trưng bày thường xuyên, đáp ứng nguyện vọng nung nấu bao năm nay của nhiều nhiệm kỳ Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, cũng như của đông đảo các nhà báo, các cộng tác viên và công chúng báo chí trên cả nước.

“Trong thời gian tới, Bảo tàng tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, chỉnh lý và bổ sung trưng bày với những hiện vật, tư liệu báo chí tiêu biểu, đại diện cho nền báo chí anh hùng, nhân văn và tiến bộ; chuyển tải sinh động, hấp dẫn, hiệu quả những thông điệp thiêng liêng từ quá khứ; kêu gọi, nhắc nhở các thế hệ làm báo hôm nay và mai sau tiếp bước các thế hệ cha anh, xây đắp truyền thống vẻ vang của báo chí nước nhà”, đồng chí Thuận Hữu khẳng định.

Các đại biểu thăm quan không gian trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam. 

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thay mặt Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi lời thăm hỏi, lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến những nhà báo lão thành, các thế hệ nhà báo trong cả nước.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định, ngay từ khi ra đời, báo chí Việt Nam đã mang tính chất tiến bộ, là tiếng nói của nhân dân, của dân tộc, với khát vọng độc lập, thà hy sinh tất cả để hướng đến nền độc lập, dân chủ, văn minh. Cách đây 95 năm, từ ngày báo Thanh Niên ra số đầu tiên (ngày 21/6/1925) - cũng chính là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, cho đến nay, báo chí nước ta luôn gắn liền với cuộc vận động cách mạng của Đảng, nhân dân và sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Phó Chủ tịch nước cho rằng, sự ra đời của Bảo tàng Báo chí Việt Nam thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với báo chí, đáp ứng lòng mong mỏi của đội ngũ những người làm báo. Các không gian trưng bày của Bảo tàng không chỉ tái hiện lịch sử báo chí gắn liền với lịch sử lập quốc, kiến quốc của dân tộc ta, tôn vinh những đóng góp của các thế hệ người làm báo Việt Nam, phát huy, lưu giữ những giá trị di sản báo chí mà còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống lịch sử văn hóa, các giá trị tốt đẹp của dân tộc; góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho các sinh viên báo chí và các nhà báo trẻ, giúp công chúng hiểu hơn về những nỗ lực, hy sinh của các thế hệ nhà báo Việt Nam.

 Một số hiện vật trưng bày tại Bảo tàng. 

Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tin tưởng và mong rằng, Bảo tàng sẽ là nơi lưu giữ, trung tâm giáo dục truyền thống báo chí về tinh thần yêu nước, cách mạng, một trung tâm nghiệp vụ. Bảo tàng sẽ đi vào hoạt động hiệu quả, không ngừng nâng cao chất lượng mọi mặt, bắt nhịp đời sống báo chí trong cả nước và trên thế giới.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước đã thay mặt Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao tặng Hội Nhà báo Việt Nam bức tranh Phủ Chủ tịch - một trong những tòa nhà đẹp nhất trên thế giới, với mong muốn Hội Nhà báo sẽ ngày càng phát triển, luôn là ngôi nhà chung của những người làm báo Việt Nam.

Sau Lễ khai trương, Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính thức đón khách thăm quan./.

Theo: dangcongsan.vn



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày