Thứ 2, 20/05/2024, 11:00[GMT+7]

Đất thiêng nơi cửa biển

Thứ 6, 02/02/2018 | 09:33:46
1,820 lượt xem
Sau những ngày giá rét, bầu trời bỗng bừng nắng tràn ngập sắc xuân trên con đường đưa chúng tôi về Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (khu 3, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy). Nơi đây, người dân vẫn gọi là “đất thiêng nơi cửa biển” bởi đã sinh ra đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy.

Mảnh đất linh thiêng

Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đây là nơi lưu giữ, bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu gắn liền với thân thế, sự nghiệp vinh quang của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Gần 40 năm nay, không biết đã có bao nhiêu bước chân của những người con trên khắp mọi miền Tổ quốc tìm về Khu lưu niệm với lòng thành kính, lòng biết ơn vô hạn. 

Ông Hoàng Ngọc Quỳ, Bí thư Chi bộ khu 3, thị trấn Diêm Điền, thành viên Ban Quản lý Khu lưu niệm cho biết: Năm 1980, Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được Đảng bộ và nhân dân Thái Bình xây dựng trên chính mảnh đất đồng chí đã sinh ra và lớn lên gắn liền với truyền thống của một gia đình hiếu học, đức độ, yêu nước, thương dân. Thời gian khiến cho vật đổi sao dời nhưng trong Khu lưu niệm vẫn vẹn nguyên khung cảnh nếp nhà xưa của gia đình đồng chí lúc sinh thời gồm: ngôi nhà thờ tổ (vốn là trường dạy học của cụ Nguyễn Đức Tiết - thân phụ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh), nhà ở, nhà bếp được phục dựng lại nguyên vẹn trên nền đất cũ. Xung quanh khu nhà thờ tổ, nhà ở và nhà bếp trồng rất nhiều cây xanh tạo ra không gian thật giản dị, ấm cúng, gợi lại hình ảnh nền nếp, gia phong của một gia đình nho giáo thời xưa. Đây cũng chính là cái nôi đầu tiên hun đúc, chắp cánh cho nhân cách, tâm hồn, ý chí và hành động của người chiến sĩ cộng sản kiên trung Nguyễn Đức Cảnh.

Lăng mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy).

Phía sau nhà có một giếng nhỏ, vòng giếng cổ đã nhuốm màu rêu. Theo lời bà Giang Thị Sến, cháu dâu đồng chí Nguyễn Đức Cảnh: Giếng cổ này không biết có từ bao giờ, chỉ nghe người trong làng kể rằng, xưa kia các cụ trong nhà đi biển mỗi ngày góp nhặt một ít đá về xếp thành giếng. 2 khuôn phía trên cùng của giếng làm bằng bồ hóng, vôi trộn với mật rất chắc chắn, bền mãi với thời gian. Có một điều rất đặc biệt, nơi đây là vùng ven biển, nước ở tất cả các giếng đào khu vực này đều bị nhiễm mặn nên rất đục nhưng riêng giếng này hàng trăm năm nay nước vẫn giữ vị ngọt ngào và trong vắt, nhìn thấu tận đáy. Vì vậy, người dân trong vùng đặt tên là giếng Ngọc và khi chưa có Khu lưu niệm bà con vẫn lấy nước giếng Ngọc về sinh hoạt. Đúng 110 năm về trước, bên giếng Ngọc này đã ghi dấu một thời khắc đặc biệt, đó là sáng mùng 1 tết năm Mậu Thân (1908) (tức ngày 2/2/1908), cụ bà Trần Thị Thùy ra giếng múc nước rửa chân như mọi ngày và đã đẻ rơi cậu bé Nguyễn Đức Cảnh ngay bên giếng. Chính vì điều này, người dân trong vùng càng tin đây chính là mảnh đất linh thiêng đã sinh ra người chiến sĩ cộng sản chân chính, người con ưu tú của quê hương đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét cho sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên (3/1929); Đông Dương cộng sản Đảng (6/1929); Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tháng 7/1929. Đến nay, người dân Diêm Điền vẫn truyền nhau những câu thơ:

“Anh sinh ra bên bờ giếng nhỏ

Nước trong soi rõ mặt người

Mẹ anh gánh nước giếng khơi

Sáng mồng một tết, đất trời sang xuân”.

Phía Đông giếng Ngọc, người ta cho dựng 24 cái cột tượng trưng cho 24 tuổi thanh xuân của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Phía Tây giếng có bức phù điêu trên có khắc bài thơ “Tạ từ ngôn” - thư của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh gửi thân mẫu viết trong những ngày bị kẻ thù giam giữ trong xà lim án chém. Bài thơ nói về tấm lòng của người con đối với mẹ, ý chí kiên trung của người chiến sĩ cách mạng, chỉ tiếc rằng cuộc đời chưa hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giao, xin tạ từ với mẹ:

“...Một mình trằn trọc canh trường,

Nát lòng muôn việc giữa đường chưa xong.

Ngổn ngang trăm mối bên lòng,

Xông pha giông tố chỉ mong độ về.

Hồn còn mang nặng lời thề,

Nát thân chưa dễ đền nghì trời mây.

Tạ từ vĩnh quyết từ nay,

Cúi xin từ mẫu chóng khuây nỗi buồn!”.

Nơi lưu giữ

những tư liệu quý giá

Ngay cạnh nếp nhà xưa, lăng mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được xây dựng với thiết kế rất đặc biệt. Một gian nhà được xây nổi lên trên, phần mộ ở phía dưới, trên cùng là đài tưởng niệm. Năm 2007, hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được tìm thấy tại Hải Phòng, được Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đưa về an nghỉ trên chính mảnh đất nơi đồng chí đã sinh ra và lớn lên. Với niềm vinh dự tự hào, tình cảm trân trọng người anh hùng của quê hương, chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, những người con Thái Bình đã lấy đất sét tại nơi phát tích của nhà Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) đặt tại mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Mộ đồng chí cũng được đặt đầu hướng quay về giếng Ngọc, nơi đồng chí đã sinh ra. Trên phần mộ có in hình lá cờ Tổ quốc. Ngay trong lăng mộ và nhà lưu niệm trưng bày rất nhiều tư liệu lịch sử là những bài báo thực dân Pháp viết sau khi đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị xử kín; là những công trình nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp của đồng chí; là hình ảnh khu pháp trường ở Hải Phòng xưa và nay; những văn bản pháp lý của Trung ương và của tỉnh về quá trình tìm hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh…

Giếng Ngọc tại ngôi nhà đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ra và lớn lên.

Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đặc biệt quan tâm đến việc trùng tu, tôn tạo, mở rộng khuôn viên và xây mới một số công trình trong Khu lưu niệm và bảo quản hiện vật, di vật cho xứng tầm với công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với cách mạng, với nhân dân. Hiện nay, huyện Thái Thụy đang khẩn trương hoàn thiện xây dựng nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và một số hạng mục công trình phụ trợ, dự kiến sẽ khánh thành đúng dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908 - 2/2/2018).

Đến thăm Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, mỗi chúng ta có thêm cơ hội biết thêm về quê hương Diêm Điền, hiểu nhiều hơn về người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc, nhà lý luận với những tác phẩm báo chí đầy tính chiến đấu. Với những đóng góp to lớn cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh mãi là tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng để lại cho mỗi chúng ta hôm nay và mai sau, đúng như câu đối Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu viết tại lăng mộ đồng chí: “Sinh tại đây, lăng mộ tại đây, quê cách mạng ấp ôm người cách mạng - Đời như thế, công lao như thế, gương anh hùng góp sáng Đảng quang vinh”.

Nguyễn Hình