Thứ 2, 20/05/2024, 11:00[GMT+7]

Công đoàn tỉnh Thái Bình tri ân công lao của Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh

Thứ 3, 13/02/2018 | 10:06:14
1,453 lượt xem
Thái Bình không chỉ là miền đất điển hình của các công cuộc trị thủy, khẩn hoang và lao động cần cù, sáng tạo mà còn là miền đất đậm đà những nét văn hóa truyền thống, nơi ươm mầm và sản sinh những nhân tài hào kiệt qua nhiều thời kỳ gắn với các giai đoạn dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dâng hương tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh tại Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy).

Từ những Bát Nạn tướng quân với khởi nghĩa Hai Bà Trưng, tướng quân Trần Lãm cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân rồi những tên tuổi như Trần Thị Dung, Trần Thủ Độ cho đến nhà bác học Lê Quý Đôn... Cho đến Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, trên đất Thái Bình đã có những hạt giống chủ nghĩa Mác - Lênin sớm nảy mầm. Đó là những thanh niên ưu tú như Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Danh Đới, Nguyễn Công Thu, Vũ Trọng… đã tham gia lớp huấn luyện do đồng chí Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu - Trung Quốc và có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trong số những thanh niên ưu tú đó, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được Đảng và Nhà nước ghi nhận là một trong những lãnh tụ tiền bối của Đảng.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908 tại làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy). Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đặc biệt chú trọng đến giai cấp công nhân, trải qua những lần làm thợ đồng chí hiểu sâu sắc hơn về nỗi thống khổ của giai cấp công nhân, hiểu được cội nguồn của các cuộc đấu tranh, những cuộc bãi công đòi cải thiện điều kiện làm việc, đòi tăng lương, giảm giờ làm. Những băn khoăn, trăn trở với giai cấp công nhân được đồng chí thể hiện qua tác phẩm “Công nhân vận động” đã để lại cho Đảng ta và giai cấp công nhân Việt Nam những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu, thể hiện tình cảm sâu sắc của đồng chí với giai cấp công nhân Việt Nam. Đặc biệt, đồng chí đã có những đóng góp to lớn khi là người thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, quyết định xuất bản Báo Lao động và Tạp chí Công hội đỏ (nay là Tạp chí Lao động và Công đoàn). Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình và cho đến khi bị bắt, bị kết án tử hình, đồng chí vẫn bất khuất, kiên trung, thể hiện người chiến sĩ cộng sản hiên ngang, anh dũng trước sự nể phục và kính trọng của quan chức Pháp Nam, binh lính, cha cố có mặt tại pháp trường. Sự hy sinh anh dũng ấy là tấm gương về người anh hùng cách mạng chân chính, cao cả, trọn đời cống hiến, chiến đấu và hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của người lãnh tụ tiền bối của Đảng, chủ tịch đầu tiên của tổ chức Công đoàn Việt Nam, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình, tổ chức Công đoàn tỉnh Thái Bình đã có nhiều việc làm thiết thực nhằm tưởng nhớ và biết ơn đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Ngoài việc đặt tên đường phố lớn, hai trường phổ thông mang tên đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, UBND tỉnh Thái Bình đã giao cho Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình làm chủ đầu tư công trình xây dựng tượng đài đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đặt tại Quảng trường 14/10 ở trung tâm thành phố Thái Bình. Điều đó mang ý nghĩa lịch sử to lớn, thể hiện tình cảm sâu nặng của Đảng bộ và nhân dân, cùng giai cấp công nhân lao động Thái Bình đối với đồng chí. Riêng đối với quê hương Diêm Điền, Thái Thụy đã xây dựng khu lưu niệm và khôi phục lại nguyên bản ngôi nhà thân sinh đồng chí là cụ cử nhân Nguyễn Đức Tiết ngay trên phần đất của gia đình đồng chí. Đó là nơi giáo dục tư tưởng truyền thống, hàng năm các đoàn trong và ngoài tỉnh, các đoàn khách của công đoàn đến thắp hương và tưởng niệm. Với tấm lòng đau đáu, khát khao của Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình về việc tìm di hài của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, năm 2007, Liên đoàn Lao động tỉnh đã khởi xướng việc tìm kiếm. Sau 6 tháng miệt mài, di hài của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh đã được tìm thấy bên cạnh di hài liệt sĩ Hồ Ngọc Lân tại nhà máy giầy Thống Nhất, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định tổ chức lễ dâng hương, an táng di hài đồng chí Nguyễn Đức Cảnh theo nghi thức cấp nhà nước về khu lưu niệm đồng chí tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy. Với niềm tự hào là quê hương lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, các cấp công đoàn tỉnh Thái Bình luôn nỗ lực phấn đấu, thể hiện được vai trò tiền phong, tập hợp được đông đảo đội ngũ công nhân, hăng hái, đoàn kết thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước đề ra.

Những năm qua, Công đoàn tỉnh Thái Bình luôn chú trọng việc đổi mới nội dung và hình thức hoạt động, thể hiện rõ nét vai trò của công đoàn, đặc biệt trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của CNVCLĐ toàn tỉnh. Nhiều phong trào thi đua như “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Ngày làm việc 8 giờ hiệu quả”; “Giỏi việc nước, đảm việc nhà’; “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”... đều có dấu ấn không nhỏ của tổ chức công đoàn. Liên đoàn Lao động tỉnh đã đẩy mạnh công tác nâng cao trình độ học vấn, tay nghề và bản lĩnh chính trị cho CNVCLĐ nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Quá trình trưởng thành và phát triển của Công đoàn tỉnh luôn đồng hành với sự phát triển của tổ chức công đoàn Việt Nam và các giai đoạn cách mạng của đất nước. Hàng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh thường xuyên tổ chức lễ dâng hương trước tượng đài và khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, tổ chức ký kết giao ước thi đua giữa 26 công đoàn ngành, huyện, thành phố, công đoàn trung ương tại địa phương và tổ chức ra quân điểm ở một số ngành, huyện. Qua đó, hoạt động công đoàn thường xuyên và sâu sát tới từng cơ sở, riêng với tháng công nhân hàng năm Liên đoàn Lao động tỉnh đều hỗ trợ 20 - 25 căn nhà “Mái ấm công đoàn”, mỗi căn trị giá 30 triệu đồng cho CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Đã có 6.075 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được đưa vào ứng dụng, trong đó có 75 đề tài sáng kiến, giải pháp kỹ thuật đạt giải. Dịp tết Nguyên đán hàng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh đều đề xuất trích ngân sách và kinh phí hoạt động công đoàn trao 10.320 suất quà trợ cấp cho CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tri ân 6 gia đình liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma với tổng số tiền 270 triệu đồng, kêu gọi CNVCLĐ toàn tỉnh ủng hộ xây dựng tượng đài Gạc Ma với tổng số tiền 500 triệu đồng. Trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, đến nay Công đoàn tỉnh đã có 128.455 CNVCLĐ với tổng số 119.397 đoàn viên công đoàn, sinh hoạt ở 1.827 công đoàn cơ sở. Các cấp công đoàn luôn đề ra các hoạt động cụ thể, thiết thực, chăm lo lợi ích đoàn viên thông qua xây dựng chính sách pháp luật, chú trọng đề xuất chính sách về tiền lương, tiền thưởng, các chính sách BHXH, BHYT, BHTN, chính sách đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động. Tổ chức thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn, trong đó các doanh nghiệp cam kết bán hàng với giá ưu đãi giảm giá tối đa đến 50% trên mức giá niêm yết chính thức. Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908 - 2/2/2018), Công đoàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm và phát động phong trào thi đua xây dựng các công trình, sản phẩm chất lượng, tổ chức gắn biển mang tên “Công trình chào mừng Đại hội Công đoàn tỉnh Thái Bình lần thứ XXIII, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam”.

Thái Bình luôn tự hào là quê hương của lãnh tụ tiền bối Nguyễn Đức Cảnh. Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình sẽ cố gắng nỗ lực hơn nữa để xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của CNVCLĐ, góp phần xây dựng tỉnh Thái Bình ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Trần Việt An

Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh