Thứ 2, 20/05/2024, 15:43[GMT+7]

Chào mừng lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam Niềm tự hào trên “Quê hương năm tấn”

Thứ 7, 12/12/2020 | 18:24:03
10,602 lượt xem
Hướng về lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam, những ngày này, Quảng trường Thái Bình đón tiếp đông đảo các tầng lớp nhân dân trở về chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc độc đáo trên “Quê hương năm tấn”, cùng nhau ôn lại 5 lần Thái Bình vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và những tình cảm thân thương Bác dành cho Thái Bình.

Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam trong quần thể kiến trúc Quảng trường Thái Bình.

Những dấu mốc lịch sử 

Thái Bình là vùng quê có phong trào cách mạng của nông dân phát triển sớm trong cả nước, trong đó phải kể đến hai cuộc biểu tình của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà và nông dân Tiền Hải năm 1930. Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, Thái Bình là tỉnh đi đầu trong phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sinh thời, Bác Hồ về thăm Thái Bình 5 lần, những lần Bác về thăm đều gắn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 

Về thăm Thái Bình lần đầu tiên ngày 10/1/1946, Bác họp với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cho chủ trương và các biện pháp đắp đê, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Ngày 28/4/1946, khi biết tin nhân dân Thái Bình khắc phục được hậu quả hai quãng đê vỡ, Bác về thăm Thái Bình lần thứ hai và khen ngợi thành tích tăng gia sản xuất, kêu gọi mọi người phải đoàn kết, ra sức diệt giặt đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Lần thứ ba về thăm Thái Bình, khi nói chuyện với 4 vạn đại biểu nhân dân, Bác kết luận: “Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi, người đông, đất tốt, nước có sẵn, đồng bào và cán bộ phải cố gắng làm cho tỉnh nhà thành một tỉnh gương mẫu trong miền Bắc”. Khi biết Thái Bình có phong trào khai hoang lấn biển và toàn tỉnh đạt thành tích cao trong sản xuất, ngày 26/3/1962, lần thứ tư Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm và động viên phong trào. Đến thăm Hợp tác xã Nam Cường, xã điển hình đi đầu trong phong trào khai hoang lấn biển, mở rộng diện tích đất canh tác, Bác khen ngợi và tặng Huy hiệu cho 4 cán bộ, xã viên có thành tích xuất sắc. Tại hội nghị phát động phong trào sản xuất trong nông nghiệp toàn tỉnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi nhân dân Thái Bình có nhiều cố gắng trong tăng vụ, vỡ hoang, làm thủy lợi, phân bón và tặng Huy hiệu cho 14 chiến sĩ thi đua lao động sản xuất trong toàn tỉnh. Trong lần về thăm Thái Bình thứ năm, gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ và nhân dân sáng ngày 1/1/1967, Bác dành nhiều sự quan tâm cho sản xuất nông nghiệp. Người căn dặn: “Thái Bình có tiến bộ nhiều, Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt”. 

Cùng với 5 lần vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, Thái Bình còn nhận được muôn vàn tình yêu thương của Bác. Trong nhiều năm theo dõi Báo Thái Bình tiến lên, Bác đã thưởng Huy hiệu cho 67 người tốt, việc tốt đăng trên Báo. Bác đã hai lần gửi thư khen Hợp tác xã Tân Phong, Đông Bình Cách chăn nuôi trâu, bò giỏi, khen Hợp tác xã Hiệp Hòa trồng cây giỏi, khen Đội thủy lợi Quang Trung làm thủy lợi giỏi... Với những tình cảm sâu sắc Bác dành cho nông dân cả nước nói chung, nông dân Thái Bình nói riêng, thể theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân, được sự nhất trí của Trung ương, tháng 5/2014 công trình Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam đã được khởi công xây dựng tại phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình. Sau thời gian thi công, công trình đã hoàn thành, có ý nghĩa đặc biệt đối với Đảng bộ và nhân dân Thái Bình. 

Niềm tự hào trên “Quê hương năm tấn” 

Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam nằm trong quần thể kiến trúc Quảng trường Thái Bình. Bằng tất cả những đường nét hài hòa và tinh tế, hình ảnh Bác Hồ trong bộ quần áo giản dị, nụ cười đôn hậu hiện lên như đang căn dặn các thế hệ nông dân về tăng gia sản xuất, đời sống sinh hoạt để xây dựng nông thôn ngày càng văn minh, ấm no, hạnh phúc. Đáp lại tình cảm của Bác, nhóm tượng gồm các nhân vật đại diện các thế hệ người cao tuổi, trung niên, thanh niên, trẻ em nông thôn Việt Nam chăm chú lắng nghe lời dặn dò, chỉ bảo của Người. 

Cùng với nhóm tượng, mặt trước của tượng đài là 3 mảng phù điêu, thể hiện phong cảnh đặc trưng của nông thôn Việt Nam, một số hoạt động của người nông dân, phong cảnh làng xóm gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới. Sinh thời, Bác Hồ luôn mong mỏi làm sao đời sống của người nông dân được sung túc, ấm no. Giờ đây, điều đó đã và đang trở thành hiện thực trên mỗi làng quê Việt Nam nói chung, Thái Bình nói riêng. Mặt sau các mảng phù điêu là hình ảnh sản xuất làng nghề, hoạt động văn hóa, hình ảnh chùa Keo, lễ hội đền Trần, múa rối nước..., những họa tiết thể hiện sắc thái đặc trưng văn hóa Thái Bình. 

Quá trình triển khai thực hiện, Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân. Ông Trương Văn Giang, Bí thư Chi bộ tổ 11, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình chia sẻ: Chúng tôi rất phấn khởi khi dự án được triển khai. Đây là công trình gửi gắm tâm nguyện tri ân, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Giờ đây, khi đã được hoàn thành, Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam không chỉ là điểm đến để chiêm ngưỡng một công trình mang tính biểu tượng mà còn là nơi để mỗi người dân gặp gỡ, hồi tưởng 5 lần Bác Hồ về thăm Thái Bình, khắc sâu lời căn dặn của Bác, cùng nhau “...cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt”. Công trình sẽ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, giúp mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thêm hiểu về lịch sử, về cội nguồn dân tộc và cũng là để mỗi người dân Thái Bình cùng với nhân dân cả nước được bày tỏ lòng kính yêu với Bác. 

Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam là dự án trọng điểm của tỉnh Thái Bình, nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh. Việc xây dựng công trình góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, ghi nhớ những tình cảm Bác dành cho giai cấp nông dân Việt Nam, sự tôn kính của nông dân Việt Nam và nhân dân Thái Bình đối với Bác. Và với những ý nghĩa về cảnh quan - kiến trúc - văn hóa, Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam sẽ là điểm đến của du khách thập phương khi về thăm Thái Bình.

Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm đến mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là giai cấp nông dân. Trên con đường đi đến hạnh phúc, ấm no, người nông dân Việt Nam luôn có Bác đồng hành. Ghi nhớ công ơn của Bác, những người nông dân Thái Bình hôm nay tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng. Những năm qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phát động tới toàn thể cán bộ, hội viên thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các phong trào thi đua sôi nổi..., thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, hội viên nông dân trong toàn tỉnh, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam được đặt tại Thái Bình là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân Thái Bình, để từ đó mọi người cùng nhau nỗ lực hơn nữa, góp phần thiết thực đưa Thái Bình trở thành “tỉnh gương mẫu về mọi mặt” như Bác hằng mong

Nhà điêu khắc Nguyễn Vũ An, thành viên Hội đồng nghệ thuật, giám sát mỹ thuật công trình

Đây là công trình tượng đài rất độc đáo về bố cục. Thông thường, các quần thể tượng đài được chia làm 2 lớp rõ ràng. Nhưng với Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam, hai tác giả Lê Lạng Lương và Phạm Bá Đua đã tìm ra bố cục rất sáng tạo và độc đáo để hòa nhập giữa lớp phù điêu phía sau tượng và các nhóm tượng tròn phía trước. Bên cạnh đó, ở đây còn có sự kết hợp hài hòa giữa quần thể tượng và quy hoạch kiến trúc của Quảng trường Thái Bình. Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam là công trình được đánh giá đạt chất lượng cao cả về mỹ thuật và kỹ thuật. Là người con của quê hương Thái Bình nên khi được giao trọng trách giám sát mỹ thuật công trình, với tất cả chuyên môn và trách nhiệm, tình cảm của mình, tôi đã không quản ngại tuổi cao, luôn bám sát quá trình thi công khi chuyển chất liệu từ mẫu phác thảo sang đá, đồng thời luôn xác định phải hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà quê hương Thái Bình đã giao phó, góp phần cho thành công của công trình Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam tại Quảng trường Thái Bình.

Ông Vũ Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Bình

Hướng đi của du lịch Thái Bình cũng như hướng phát triển sản phẩm du lịch là phát triển du lịch nông nghiệp gắn với tâm linh, đây là loại hình du lịch bền vững, có sức hút rất lớn. Hiện nay, quần thể kiến trúc Quảng trường Thái Bình và Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam là điểm đến mới, mang đậm bản sắc văn hóa của quê hương, nơi giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, ghi nhớ công lao, tình yêu thương của Bác Hồ dành cho nông dân cả nước nói chung, Thái Bình nói riêng. Lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam là dịp giới thiệu, quảng bá một điểm đến mới ý nghĩa, hấp dẫn trên “Quê hương năm tấn”. Trong tương lai, Quảng trường Thái Bình và Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam sẽ có vai trò to lớn trong phát triển sản phẩm du lịch, trở thành trung tâm kết nối các vùng sản phẩm du lịch sẵn có của địa phương.


TÚ ANH