Thứ 7, 15/06/2024, 13:10[GMT+7]

Ông Cao tận tâm với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài

Thứ 3, 18/05/2021 | 10:44:53
4,336 lượt xem

Ông Đặng Văn Cao trao quà cho học sinh vượt khó học giỏi huyện Vũ Thư. (Ảnh chụp trước ngày 28/4/2021)

Trải qua 21 năm xây dựng và phát triển, Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình đã đạt được những con số rất ấn tượng về phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước về phong trào này. Mỗi dấu mốc của Hội Khuyến học tỉnh đều có dấu ấn của ông Đặng Văn Cao, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh. Bằng những việc làm rất riêng, ông không chỉ góp phần đưa phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tỉnh nhà phát triển mà còn là động lực giúp con cháu trưởng thành, tiếp nối những giá trị tốt đẹp của gia đình.

19 năm bền bỉ với khuyến học

Mái tóc dần bạc theo thời gian, làn da đã điểm nốt đồi mồi nhưng suốt 19 năm qua, ngày nào cũng như ngày nào ông Đặng Văn Cao vẫn đến trụ sở Hội Khuyến học tỉnh để làm việc. Khi đã bước sang tuổi 80, người dân khu phố 7, phường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình) vẫn thấy ông cần mẫn với công tác khuyến học, khuyến tài. Anh Đặng Xuân Quý, con ông Đặng Văn Cao tâm sự: Gắn bó với sự nghiệp trồng người hơn 40 năm, dù ở bất kỳ cương vị nào, từ giáo viên cho đến chuyên viên chính của Sở Giáo dục và Đào tạo, bố tôi vẫn luôn dành trọn tình yêu cho học sinh, mái trường, con chữ. Đến khi nghỉ hưu, bố tôi tiếp tục gắn bó với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài.

Ngược dòng thời gian, ông Đặng Văn Cao bồi hồi nhớ lại: Vào thập kỷ cuối của thế kỷ XX, xác định giáo dục không chỉ đóng khung trong phạm vi nhà trường chính quy mà phải mở ra những hình thức học tập không chính quy ngoài xã hội, không chỉ dựa vào hệ thống giáo dục ban đầu mà còn phải có những thành quả của hệ thống giáo dục tiếp tục, năm 1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Hội Khuyến học Việt Nam và lấy ngày 2/10 hàng năm là ngày Khuyến học Việt Nam. 4 năm sau, Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình được thành lập, tôi được tỉnh tín nhiệm, lựa chọn để làm Chánh văn phòng Hội rồi sau đó lên làm Phó Chủ tịch Hội. Trong những năm đầu mới thành lập, một trong những đối tượng đầu tiên mà chúng tôi vận động tham gia hội khuyến học các cấp là các thầy cô giáo đã nghỉ hưu. Dần dần, số lượng hội viên phát triển nhanh chóng, nhờ đó những khó khăn từng bước được khắc phục, phong trào khuyến học, khuyến tài nhanh chóng phát triển trên phạm vi toàn tỉnh, thúc đẩy phong trào học tập không chỉ của học sinh mà người lớn cũng hăng say học tập, tăng gia sản xuất.

Những năm làm công tác khuyến học, khuyến tài, gặp không ít hoàn cảnh khiến ông Đặng Văn Cao rơi nước mắt,  cũng có nhiều trường hợp khiến ông rất khâm phục, muốn lan tỏa tinh thần học tập đến mọi người. Ông tâm sự: Muốn làm tốt công tác này, chúng tôi phải đi khảo sát thực tế, tìm hiểu hoàn cảnh của từng trường hợp. Có cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng học rất giỏi; có chị cùng lúc mất chồng, mất em trai nhưng lại trở thành tấm gương về nghị lực vượt khó nuôi con thành tài; có dòng họ có cách làm sáng tạo trong việc xây dựng quỹ khuyến học và khuyến khích con em trong dòng họ thi đua học tập... 

Ông Đỗ Đình Trọng, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: Mỗi lần đi thực tế như vậy, ông Đặng Văn Cao lại ghi chép cẩn thận, từng cách làm hay, sáng tạo được ông phổ biến ở những cơ sở khuyến học hoạt động chưa tốt. Dần dần, nhờ sự lan tỏa của ông, trên khắp các miền quê của Thái Bình đều xuất hiện những tấm gương điển hình về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Bên cạnh đó, để xây dựng nguồn quỹ cho Hội, ông Đặng Văn Cao cùng các ông, bà trong Hội Khuyến học tỉnh vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tặng hàng nghìn suất học bổng, hàng trăm xe đạp, xe lăn, quần áo, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với trị giá lên đến hàng chục tỷ đồng. Các quỹ khuyến học, học bổng trên địa bàn tỉnh ngày một phát triển, hoạt động rất hiệu quả. Đặc biệt, trong những năm qua, ông Đặng Văn Cao là một trong những người đầu tiên kết nối các tổ chức, cá nhân bên Nhật Bản tài trợ học bổng cho học sinh nghèo vượt khó của tỉnh. 

Là một trong những học sinh được nhận học bổng Lá xanh của Trường Nhật ngữ Đông Du, Thành phố Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Minh Anh, thành phố Thái Bình chia sẻ: Cách đây 15 năm, tôi đỗ vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Thái Bình. Lúc ấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ mất sức lao động nhưng phải nuôi hai anh em ăn học nên khi được bác Đặng Văn Cao, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh hướng dẫn cách làm hồ sơ để nhận học bổng Lá xanh tôi rất phấn khởi. May mắn tôi đã được một nhà hảo tâm Nhật Bản giúp đỡ trong 4 năm liên tiếp, kể cả khi tôi học năm thứ nhất đại học. Tôi rất biết ơn bác Đặng Văn Cao và các bác trong Hội Khuyến học tỉnh.

Không chỉ quan tâm đến việc học của trẻ nhỏ, ông Đặng Văn Cao còn xây dựng nhiều kế hoạch, chương trình, các lớp bồi dưỡng, tập huấn nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn. Tại các trung tâm này, học viên được tham gia và tìm hiểu các nội dung đa dạng như: phổ biến thời sự, pháp luật; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp; chăm sóc sức khỏe, dạy nghề; tổ chức các loại hình văn hóa, thể thao... đem lại hiệu quả thiết thực đối với việc học của người lớn, góp phần thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. 

Ông Phạm Quang Phúng, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Thanh Tân (Kiến Xương) chia sẻ: Tính tình hòa nhã, cẩn trọng trong mọi công việc, ứng xử có văn hóa nên tiếng nói và việc làm của ông Đặng Văn Cao có sức truyền cảm đến mọi người, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Tấm gương học tập suốt đời

Tận tâm với phong trào khuyến học, khuyến tài nên ở nhà ông Đặng Văn Cao cũng là tấm gương mẫu mực để con cháu noi theo. Ngay từ khi còn làm giáo viên, chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo đến khi công tác ở Hội Khuyến học tỉnh, ông luôn tiết kiệm tiền lương hàng tháng để xây dựng quỹ khuyến học của chính gia đình mình. Ông cho biết: Tôi có 5 người con, 11 cháu và 9 chắt nội ngoại. Hàng năm, vào dịp đầu năm học mới hay tết Nguyên đán, vợ chồng tôi luôn bàn bạc để thống nhất những món quà nhỏ tặng các cháu có thành tích cao trong học tập. Số tiền chỉ 100.000 - 200.000 đồng, đôi khi là bộ quần áo nhưng cũng đủ khích lệ tinh thần học tập của các cháu. Đặc biệt, nếu các cháu đỗ đại học, cao đẳng, tôi sẽ dành tặng món quà lớn hơn để động viên. Không chỉ thế, khi bước sang tuổi 80 ông vẫn học cách sử dụng máy tính bảng, điện thoại thông minh. Ông bảo, giờ xã hội hiện đại rồi nên ông cũng phải học nhiều thứ của giới trẻ. Già không có nghĩa là ngừng học, mà cần phải học suốt đời.

Trong 19 năm công tác tại Hội Khuyến học tỉnh, ông Đặng Văn Cao đã biên soạn 4 tập san, 2 cuốn sách về khuyến học, khuyến tài để lưu hành nội bộ; đặc biệt, ông đã có hàng trăm tin, bài đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện ông đã nghỉ công tác tại Hội Khuyến học tỉnh. Trong căn nhà đơn sơ, những tấm bằng khen, giấy khen được treo ngay ngắn; nhưng đối với ông, con cháu trưởng thành, lễ phép, có hiếu với ông bà, cha mẹ, có ích cho xã hội là món quà mà ông mong đợi nhất.

Lan Phương

Tác phẩm tham dự cuộc thi “Báo chí viết về khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập” năm 2021