Thứ 4, 22/05/2024, 05:37[GMT+7]

Để công nhân lao động đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới

Thứ 4, 01/05/2024 | 07:41:34
4,269 lượt xem
Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế và các thành phần kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đội ngũ công nhân lao động (CNLĐ) trên địa bàn tỉnh tăng nhanh cả về số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Cán bộ công đoàn động viên công nhân lao động hăng hái thi đua lao động sản xuất.

Nhiều chủ trương mới xây dựng đội ngũ công nhân

Giai cấp công nhân Việt Nam đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại. Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xác định vị trí, vai trò quan trọng của giai cấp công nhân và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ công nhân, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, văn bản, kết luận, chương trình hành động để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ CNLĐ trong tỉnh lớn mạnh, có giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng, có kỷ luật lao động, trình độ tay nghề và ý thức công dân. Chỉ đạo các tổ chức đảng trong doanh nghiệp làm tốt công tác phát triển đảng trong CNLĐ; củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn; quan tâm chỉ đạo việc thực hiện các chế độ, chính sách, phúc lợi cho CNLĐ. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 1 trong 3 đột phá phát triển, đó là: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 10/4/2023 về xây dựng đội ngũ công nhân lao động tỉnh Thái Bình đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là Nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của đội ngũ CNLĐ trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Thái Bình là một trong những tỉnh, thành phố đi đầu trong cả nước sớm xây dựng nghị quyết riêng về xây dựng đội ngũ CNLĐ đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Xây dựng đội ngũ CNLĐ lớn mạnh toàn diện

Là doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn nhất tỉnh với 9 nhà máy, gần 17.000 CNLĐ, Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao chi nhánh Thái Bình (Công ty Tân Đệ) luôn nỗ lực chăm lo đời sống cho CNLĐ, xây dựng và phát triển đội ngũ CNLĐ. Công ty đã 3 lần liên tiếp được vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”. 

Ông Trịnh Thanh Định, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Công ty luôn duy trì thực hiện tốt các chính sách tiền lương, thưởng, tặng quà nhân dịp lễ, tết... cho CNLĐ với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng/năm. Riêng năm 2023, Công ty đã chi gần 400 tỷ đồng để chăm lo cho người lao động. Bên cạnh đó, Công ty cũng chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động, xây dựng môi trường làm việc kỷ luật, chuyên nghiệp và sáng tạo. Hàng năm, vào thời điểm giao giữa hai mùa hàng, Công ty có những chương trình đào tạo tại chỗ cho người lao động để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong những năm tiếp theo. 

Có thể nói, mấy năm gần đây, đội ngũ CNLĐ trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng, đa dạng trong tất cả các thành phần kinh tế và các ngành, nghề. Toàn tỉnh có gần 300.000 CNLĐ đang làm việc trong các doanh nghiệp. Đội ngũ CNLĐ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên về giai cấp công nhân được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò của đội ngũ CNLĐ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, pháp luật, ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc; công tác đào tạo nghề, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp luôn được chú trọng, nhằm từng bước trí thức hóa giai cấp công nhân. Việc liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp và các trung tâm dạy nghề ngày càng chặt chẽ, mật thiết. Doanh nghiệp - công đoàn - người lao động đã chủ động xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ bảo đảm lợi ích của các bên. Giai đoạn 2008 - 2023, đã có hơn 1,2 triệu lượt đoàn viên, CNLĐ được học tập, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của Công đoàn; hơn 667.600 lượt đoàn viên, CNLĐ được bồi dưỡng, đào tạo lại tay nghề.

Thực hiện chính sách, pháp luật; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, CNLĐ, các cấp công đoàn đã chủ động tổ chức cho đoàn viên, CNLĐ tham gia ý kiến đóng góp xây dựng các văn bản pháp luật, chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động như: Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung, Luật Công đoàn, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở... Hàng năm, hơn 95% đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; 100% doanh nghiệp nhà nước và 75% doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tổ chức hội nghị người lao động và các hình thức dân chủ khác theo quy định của pháp luật; 100% doanh nghiệp nhà nước và hơn 68% doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có tổ chức công đoàn tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Hoạt động chăm lo và phúc lợi cho đoàn viên, CNLĐ được tập trung thực hiện với phương châm tăng về số đoàn viên được thụ hưởng và định mức qua các năm. Đến nay, đã có hàng nghìn suất quà, hàng trăm căn nhà mái ấm công đoàn được trao tặng cho đoàn viên, CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, kết nạp Đảng cho đoàn viên, CNLĐ ưu tú luôn được quan tâm. Hàng năm, các công đoàn ngành, liên đoàn lao động các huyện, thành phố và hơn 70% công đoàn cơ sở tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thu hút đông đảo công nhân viên chức lao động tham gia.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ CNLĐ thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: công tác kiểm tra, giám sát chính sách, pháp luật về lao động ở một số địa phương, đơn vị hiệu quả, hiệu lực chưa cao; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp cho CNLĐ chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; CNLĐ được đào tạo cơ bản, lành nghề đáp ứng với nhu cầu của doanh nghiệp công nghệ cao còn thiếu...

Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 10/4/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đặt mục tiêu: Đến năm 2025, phấn đấu trên 50% CNLĐ có chứng chỉ nghề; hàng năm 70% trở lên CNLĐ được tham gia bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề; thu nhập của CNLĐ tăng ít nhất 1,4 lần so với hiện nay; thành lập mới 10 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp; mỗi năm kết nạp mới khoảng 230 đảng viên là CNLĐ ưu tú... Đến năm 2030, trên 65% CNLĐ có chứng chỉ nghề; hàng năm, 80% trở lên CNLĐ được tham gia bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; thu nhập của CNLĐ tăng khoảng 2 lần so với hiện nay; thành lập mới 25 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp; mỗi năm giới thiệu, kết nạp mới khoảng 250 đảng viên là CNLĐ ưu tú... 

Bà Phạm Thị Thắng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Để góp phần hoàn thành những mục tiêu trong Nghị quyết, xây dựng đội ngũ CNLĐ đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, với vai trò, trách nhiệm của mình, Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục chỉ đạo các công đoàn cơ sở tập trung thực hiện nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của CNLĐ; nâng cao hiệu quả các chương trình phúc lợi cho CNLĐ. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, phương pháp tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của Công đoàn theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả. Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền, chuyên môn đồng cấp ban hành chương trình, đề án đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, sẵn sàng thích ứng với thị trường lao động chất lượng cao. Đổi mới phương thức lãnh đạo và tổ chức hoạt động công đoàn theo hướng khoa học, sáng tạo, hướng về cơ sở; khai thác, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động công đoàn, lấy nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của tập thể CNLĐ làm cơ sở xác định nội dung, lấy việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động làm mục tiêu hoạt động, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ CNLĐ ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Sản xuất tại Công ty Tân Đệ.

Thu Hoài