Thứ 3, 21/05/2024, 05:00[GMT+7]

Độc đáo bảo vật quốc gia tại chùa Keo

Thứ 6, 10/06/2022 | 09:05:37
12,411 lượt xem
Là bảo vật quốc gia thứ hai tại Thái Bình, hiện đang được lưu giữ tại di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo, xã Duy Nhất (Vũ Thư), hương án (còn gọi là nhang án, bàn thờ) chùa Keo có niên đại từ thế kỷ XVII, chất liệu gỗ sơn son thếp vàng, mang ý nghĩa chuyển tải thông điệp, ước vọng của con người tới thần linh. Đây là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và kỹ thuật chạm khắc trên loại hình đồ thờ thời Lê Trung hưng. Khi đến với chùa Keo, du khách có thể chiêm ngưỡng bảo vật độc đáo này tại tòa ống muống (phụ quốc) tiếp giáp với tòa hậu cung của khu thờ Đức Thánh Dương Không Lộ.

Hiện vật gốc độc bản có hình thức độc đáo

Hương án chùa Keo là đồ dùng thờ cúng, có chức năng đặt bát hương và bày đồ thờ. Hương án được chạm khắc công phu, tinh xảo, có kích thước lớn, được xem là có kích thước lớn nhất cho tới nay trong các hương án sơn son thếp vàng đang được lưu giữ tại các di tích thờ tự và di tích tôn giáo ở nước ta. Sự độc đáo tại hương án chùa Keo là hệ thống hoa văn trang trí phong phú và dày đặc. Trong đó, hình tượng rồng với 68 đồ án được bố cục theo những đề tài như “long ẩn vân”, “lưỡng long chầu nhật”, “long giáng”... Ngoài ra, trên hương án chùa Keo còn chạm khắc nhiều hoa sen, hoa cúc, các loại hoa lá, mây đao mác, được thống kê lên tới 550 hoa sen, 435 hoa cúc, 24 hoa dây, lá, trúc, linh thú, mây lửa, ngọc báu... Đây là những đề tài mang đậm yếu tố nghệ thuật Phật giáo và Nho giáo, phản ánh đặc trưng tôn giáo tín ngưỡng của người Việt trong diễn trình lịch sử nói chung, thời Lê Trung hưng nói riêng. Tổng số 1.032 họa tiết các loại trên hương án chùa Keo đều được chạm khắc bằng kỹ thuật điêu luyện như chạm bong, chạm kênh, chạm lộng, tạo khối nổi, khối chìm, trổ thủng... qua những đường nét sắc sảo, chau chuốt, được bố cục chặt chẽ, vừa mang tính phóng khoáng vừa mang tính đăng đối, vừa thật vừa ảo tạo nên tầng tầng, lớp lớp hoa văn, tôn lên từng chi tiết. Kỹ thuật chạm khắc tinh xảo khi được kếp hợp cùng màu sắc của kỹ thuật sơn thếp khiến cho hương án sang trọng và thêm tôn nghiêm nơi thờ tự.

Ông Đỗ Quốc Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Thái Bình chia sẻ: Hương án chùa Keo được các nhà nghiên cứu đánh giá là một kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc tại Việt Nam nói chung và nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Lê Trung hưng thế kỷ XVII nói riêng. Đây là sản phẩm thủ công, do đó không có phiên bản thứ hai nào giống hệt. Thêm nữa là cấu trúc và các chi tiết hoa văn phong phú, phức tạp khó có sự lặp lại. So sánh với những hương án bằng gỗ sơn son thếp vàng cùng thời và sau đó tại những di tích thờ tự ở Việt Nam như chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Thầy (Hà Nội)..., hương án chùa Keo có sự khác biệt. Đó là hiện vật độc nhất, chỉ có tại chùa Keo.

Cũng theo ông Đỗ Quốc Tuấn, sự độc đáo của hương án chùa Keo còn thể hiện ở hệ thống bánh xe được lắp ở chân, tạo sự tiện dụng cho việc di chuyển, thay đổi vị trí của hương án. Điều này chứng tỏ, đến thời Lê Trung hưng, thế kỷ XVII, vị trí và chức năng của hương án luôn có sự thay đổi, không nhất thiết phải cố định trong bất cứ một không gian thờ tự nào. Việc lắp đặt hệ thống bánh xe cũng cho thấy sự áp dụng khoa học công nghệ của thời đại này. Không chỉ tại hương án chùa Keo mà việc lắp đặt bánh xe cũng đã xuất hiện ở một số tượng gỗ có kích thước lớn, trọng lượng nặng với lực cơ học nâng lên, hạ xuống, không buộc phải cố định, kể cả với tượng thánh, tượng thần. Đây là sự thay đổi lớn về quan niệm kiêng kỵ trong thờ tự của người Việt.

Hương án chùa Keo là bảo vật quốc gia thứ hai tại Thái Bình.

Giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật

Hương án của người Việt đã có từ thời Lý - Trần và Lê sơ - Mạc nhưng tất cả đều được làm bằng chất liệu đá và đất nung. Hương án bằng gỗ sơn son thếp vàng dường như là sản phẩm chỉ bắt đầu có từ thời Lê Trung hưng, trong đó có hương án chùa Keo, đã tạo nên một dấu mốc cho bước chuyển từ chất liệu đá, đất nung sang chất liệu gỗ sơn son thếp vàng với kiểu dáng, hình khối hao hao với giai đoạn trước, nhưng hoa văn trang trí đã có sự thay đổi. Dấu mốc này được xem như bản lề để đến thời Tây Sơn và đặc biệt là triều Nguyễn, hương án trong các quốc miếu, quốc từ, quốc tự chủ yếu làm bằng gỗ sơn son thếp vàng, hiếm gặp chất liệu đá.

Về giá trị nghệ thuật, hương án bằng gỗ sơn son thếp vàng có hoa văn trang trí dày đặc hơn, uyển chuyển hơn và màu sắc tỏa sáng hơn, lung linh hơn so với hương án bằng đá, đất nung. Chạm khắc gỗ và kỹ thuật sơn thếp thời Lê Trung hưng cũng đạt tới đỉnh cao chói sáng với sự xuất hiện của nhiều làng nghề ở vùng châu thổ Bắc Bộ. Bên cạnh đó, tổ hợp hoa văn mang yếu tố Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo hòa quyện, đan xen nhau, tạo nên những giá trị khác biệt trong tôn giáo tín ngưỡng Việt mà lâu nay các nhà nghiên cứu gọi đó là tam giáo đồng hành kết hợp với tín ngưỡng bản địa.

Mang trong mình dấu ấn văn hóa, giá trị thẩm mỹ đặc sắc qua biến thiên của lịch sử, bảo vật quốc gia hương án chùa Keo không chỉ khẳng định sự giàu có về văn hóa mà còn hội tụ những tinh hoa trí tuệ của các bậc tiền nhân. Chính vì vậy, việc bảo tồn, giữ gìn hương án chùa Keo nói riêng, bảo vật quốc gia nói chung là việc rất cần thiết. Ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Bởi chỉ khi được lan tỏa vào đời sống xã hội, được “sống” trong tiềm thức cộng đồng thì giá trị của bảo vật quốc gia mới thật sự phát huy xứng tầm, mới có thể trường tồn và trao truyền đến muôn đời sau.

Tú Anh