Thứ 3, 25/06/2024, 13:16[GMT+7]

Hướng tới Olimpic Luân Đôn 2012

Thứ 6, 29/06/2012 | 14:14:30
3,125 lượt xem
Những người hâm mộ thể thao trên toàn thế giới đang dõi theo các hoạt động chuẩn bị cho sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh - Ðại hội thể thao thế giới hay Thế vận hội hiện đại lần thứ 30 - Olimpic Luân Ðôn.

Lịch sử Olimpic phân thành hai thời kỳ, cổ đại và hiện đại. Olimpic cổ đại lần thứ nhất diễn ra tại vùng núi Olempi (Hy Lạp) “Núi của các vị thần vào năm 776 trước công nguyên với 1 nội dung thi đấu duy nhất là chạy 192 mét, phụ nữ không được tham dự kể cả với tư cách là khán giả. Các kỳ Ðại hội sau số môn tăng dần lên, thời gian thi đấu cũng nhiều lên. Có thể nói Olimpic cổ đại phát triển cùng với chế độ chiếm hữu nô lệ, nó có mang tính giai cấp song với mục đích vì sức khỏe, nhất là rèn luyện thể lực các binh sĩ và vì hòa bình vì trong thời gian diễn ra Ðại hội các cuộc chiến đều tạm dừng. Olimpic cổ đại đã tồn tại và phát triển trong thời gian dài, khá hưng thịnh và rồi đến năm 393 khi hệ thống nô lệ ở Hy Lạp bị tan rã thì nó cũng chấm dứt.

Olimpic cổ đại đã để lại nhiều ấn tượng và ký ức đẹp song phải mất 1503 năm sau nó mới được phục hồi nhờ vào sự vận động nhiệt tình của các nhà hoạt động văn hóa. Sau nhiều năm tuyên truyền, vận động, ngày 23/6/1894 tại Pari, Hội nghị thế giới bàn về việc phục hồi phong trào Olimpic đã được tổ chức với đại diện của 34 nước tham dự. Hội nghị đã quyết định phục hồi, tổ chức lại Olimpic với chu kỳ 4 năm 1 lần, hội nghị đã bầu Ủy ban Olimpic quốc tế đầu tiên (IOC) và ấn định tổ chức Olimpic hiện đại lần thứ nhất vào năm 1896. Ngày 5 tháng 4 năm 1896, Ðại hội Olimpic hiện đại lần thứ nhất được tổ chức tại Aten, thủ đô Hy Lạp, chính nơi mà nó đã sinh ra. Ða phần các môn thi đấu được diễn ra tại sân vận động cổ xưa được tu bổ, hiện đại hóa với 285 vận động viên, trên 80.000 khán giả đã hát vang bài ca Samara, súng đại bác chào mừng và hàng nghìn chim bồ câu được thả bay rợp trời thể hiện mục tiêu, khát vọng của phong trào Olimpic là hòa bình, hữu nghị.

Thể dục thể thao phản ảnh và phụ thuộc vào hai yếu tố kinh tế và xã hội nên các kỳ Olimpic ngày càng phát triển hiện đại; số nước tham dự, số VÐV, số môn thi đấu ngày càng nhiều. Với nước ta, do thời gian dài tập trung vào cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc nên mãi đến năm 1980, Olimpic lần thứ 22 tổ chức ở Matxcơva, với sự giúp đỡ nhiệt tình của Liên Xô chúng ta mới tham gia ở 1 số môn: Bóng bàn, Bắn súng, Bơi, Vật... song thành tích rất khiêm tốn.

Mùa hè năm 1980 tại Liên Xô diễn ra 2 sự kiện lớn, Nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam, Anh hùng Phạm Tuân bay vào vũ trụ; Dưới sân Vận động Matxcơva, đoàn Thể thao Việt Nam diễu hành tại lễ khai mạc Olimpic, người cầm cờ là vận động viên bơi lặn Nguyễn Mạnh Tuấn, cả 2 đều là người con của quê lúa Thái Bình. Sau sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh mà chúng ta lần đầu tiên dự, các nhà nghiên cứu chiến lược thể thao Việt Namon> đã có câu so sánh “Ðào tạo một nhà du hành vũ trụ đã khó, đào tạo một nhà vô địch thế giới về thể thao còn khó hơn nhiều”. Thật vậy, sau hơn 30 năm kể từ khi thể thao nước ta tham gia đấu trường lớn nhất thế giới đến nay cũng chỉ có được đến tấm huy chương bạc mà thôi.

Hướng tới Olimpic Luân Ðôn, mặc dù điều kiện nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn song sự chuẩn bị của nước chủ nhà và các nước thành viên dự Olimpic kỳ này vẫn rất chu đáo. IOC đã phải khống chế số lượng VÐV đến dự là 10.500 nên phải qua các kỳ thi đấu tuyển chọn theo quy định cho từng môn. Ðến thời điểm này Việt Nam chính thức có 16 VÐV của 11 môn được đến Luân Ðôn là: Hà Thanh, Phước Hưng, Ngân Thương (TDDC); Nguyễn Thị Lụa (Vật); Xuân Vinh, Hoàng Ngọc (Bắn súng); Huỳnh Châu, Diệu Linh (Taekwondo); Ngọc Tú Judo, Hoàng Quý Phước (Bơi); Nguyễn Thị Thanh Phúc (Ðiền kinh); Trần Lê Quốc Toàn (Cử tạ); Nguyễn Tiến Nhật (Kiếm); Nguyễn Tiến Minh (Cầu lông) và Phạm Thị Hải, Phạm Thị Thảo (môn Rowing). Số lượng này có thể còn tăng thêm song cũng còn khá khiêm tốn mặc dù nó đã tăng gấp đôi so với Olimpic Bắc Kinh 2008 và số VÐV này cũng chỉ tập trung ở 1 số ít tỉnh, thành, ngành như: Quân đội, Hà Nội, TP HCM, Ðà Nẵng, Hải Phòng vv...

Với thể thao Việt Namon> hiện tại, VÐV đạt chuẩn Olimpic là hết sức vinh dự và không hề dễ dàng, trong đó Thái Bình cũng là trong số rất ít tỉnh, thành có lực lượng được đến Luân Ðôn. Phạm Thị Thảo, VÐV môn Rowing của Trung tâm huấn luyện TDTT Thái Bình, xuất thân từ một gia đình bố mẹ đều làm nông nghiệp tại vùng quê biển Nam Hải (Tiền Hải). Vào Trung tâm năm 2007 đến năm 2009 Thảo đã được tập trung đội tuyển quốc gia và luôn có sự tiến bộ vượt bậc do có thể hình, thể lực tốt và sự nỗ lực quyết tâm cao. Trong đội hình tuyển quốc gia, Thảo liên tục gặt hái những thành tích xuất sắc. Năm 2010, Thảo đã đạt HCB Asiat 16, năm 2011 đạt 2 HCV giải vô địch Châu Á, 2 HCV Seagames và điều đáng mừng là tại cuộc thi tuyển chọn hồi tháng 4 vừa qua tại Singapore, Thảo đã là 1 trong 2 VÐV đua thuyền của Việt Nam đạt chuẩn Olimpic. Có thể tại đấu trường lớn này việc giành thành tích với Thảo là khó khăn, nhưng ai cũng thấy phấn khởi vì sau 32 năm thể thao Thái Bình lại mới có đại diện tại đấu trường lớn nhất hành tinh.

Nguyễn Văn Nật

(Giám đốc Trung tâm HL-TDTT Thái Bình)

  • Từ khóa