Thứ 6, 29/03/2024, 01:13[GMT+7]

Kỷ niệm 290 năm ngày sinh danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn (2/8/1726-2/8/2016) Sao sáng trời Nam

Thứ 4, 20/07/2016 | 09:33:44
2,424 lượt xem
Trong dân gian vẫn lưu truyền câu: “Hổ phụ sinh hổ tử” hay “Cha nào con nấy”, ý muốn nói: “Cha giỏi thì sinh con cũng giỏi”. Chuyện một gia đình có hai cha con cùng đỗ đạt, hiển vinh vốn xưa nay hiếm nhưng đỗ đạt mà làm đến chức quan lớn trong triều thì có lẽ chỉ có gia đình nhà họ Lê ở làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam, nay là thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Đó là gia đình Tiến sĩ Lê Trọng Thứ, hai cha con cùng làm đại quan tro

Bức đại tự “Văn hiến truyền gia” tại từ đường họ Lê ở thôn Đồng Phú.

 

Bảng nhãn Lê Quý Đôn, con trai Tiến sĩ Lê Trọng Thứ, Đông các Đại học sĩ, thuở niên thiếu tên là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, sinh ngày 2/8/1726. Ngay từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, chăm học. Năm 14 tuổi, Lê Quý Đôn theo cha lên học ở kinh đô Thăng Long khi đã học xong toàn bộ sách kinh, sử của nho gia. Ông đỗ đầu cả ba kỳ thi: thi Hương, thi Hội, thi Đình, khoa thi năm ấy triều đình không chọn tiến sĩ và ông là Tam nguyên Bảng nhãn.

Từ đường họ Lê ở thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà vẫn treo trang trọng bức đại tự "Văn hiến truyền gia" do triều đình hậu Lê ban tặng. Bức đại tự không chỉ là sự hiện hữu lời ban khen của một bậc đế vương mà còn là tấm gương phản chiếu đức hạnh và tiết tháo của trí sĩ Lê Trọng Thứ, người cha có công giáo dưỡng danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn, đồng thời cũng thêm cơ sở để lý giải hiện tượng Lê Quý Đôn trong lịch sử văn hiến Việt Nam.

BÀI 1: ĐẤT NGHÈO SINH NHÂN KIỆT

Một học giả quốc tế đã đặt câu hỏi: UNESCO đã công nhận Nguyễn Trãi và Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới, tại sao đối với Lê Quý Đôn, Việt Nam không đề nghị UNESCO công nhận? Đó là một câu hỏi chưa có câu trả lời mà thế hệ đương thời cần suy xét.

Sinh thời, Lê Quý Đôn là người tài trí vẹn toàn, tâm hồn ông thấm đẫm triết lý sống của người xưa: "Tri túc tâm thường lạc. Vô cầu tự phẩm cao", nghĩa là: "Luôn luôn nghĩ mình như thế là đủ thì tâm được yên vui. Không cầu cạnh ai điều gì thì phẩm giá được cao trọng". Vì thế, ông chán cảnh quan trường, bỏ về quê dạy học và viết sách. Nhưng chính phẩm giá cao trọng ấy lại mang đến cho ông nhiều thiệt thòi trong chốn quan trường và với những trước tác quá đồ sộ, đồ sộ đến nỗi con cháu ông, các thế hệ tiếp nối đã dồn hết tinh lực mà vẫn chưa đủ sức để tiếp nhận những giá trị tri thức ông để lại, vì thế chưa hoàn thiện được chân dung ông để đề nghị UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới. Gần ba trăm năm trôi qua, dẫu rằng bia đá cũng mòn, bụi phủ thăng trầm, đến bây giờ người đời cũng không xác định được đầy đủ số bia đá có khắc ghi công trạng của ông. Nhưng chí ít thì bia tiến sĩ năm Nhâm Thân niên hiệu Cảnh Hưng 13 (1752) hiện còn ở Văn Miếu, Hà Nội đã khẳng định ông đã từng được bầu làm Thị thư ở Viện Hàn lâm rồi xung làm Toản tu Quốc sử Hàn lâm viện thị giảng và được thăng đến chức Hàn lâm viện thị giảng. Rồi sau này là bức đại tự "Văn hiến truyền gia" do triều đình hậu Lê ban tặng - một minh chứng rõ nét về thân thế, sự nghiệp của nhà bác học vĩ đại.

Lê Quý Đôn, thuở nhỏ tên là Lê Danh Phương, tự là Doãn Hậu, hiệu là Quế Đường, sinh ngày 5 tháng 7 năm Bính Ngọ (tức ngày 2/8/1726) niên hiệu Bảo Thái thứ 7 ở làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam, nay là thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Lê Quý Đôn là con trai đầu của Trung hiếu công Lê Trọng Thứ, đậu tiến sĩ năm Bảo Thái thứ 5 (1724) làm quan đến Hình bộ thượng thư, được phong tước hầu. Lịch sử Việt Nam đã có những Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Vũ Công Duệ... nổi tiếng về giai thoại thần đồng đất Việt nhưng với Lê Quý Đôn, những giai thoại, truyền thuyết lại có tính cường ký về sức mạnh đặc biệt, được coi là hiện tượng có một không hai trong lịch sử. Các sách chép về Lê Quý Đôn đều viết: Lên năm tuổi đã học được nhiều bài trong Kinh Thi; mười một tuổi học sử, mỗi ngày thuộc được tám chín mười chương; học Kinh Dịch mỗi ngày được một phần Cương lĩnh và Đồ thuyết; mười bốn tuổi học hết Ngũ kinh, Tứ thư, sử, truyện và đọc đến cả Chư tử; trong một ngày làm đến mười bài phú không phải viết nháp. Những giai thoại: chữ Đại hay chữ Thái; Rắn đầu biếng học; Tam xuyên - Tứ mục; Sổ nợ bị cháy… vẫn chưa có giai thoại nào khác thay thế.

"Hà quận công bia ký" do chắt ngoại Lê Trọng Thứ là My Xuyên Phạm Chi Hương dựng tại từ đường họ Lê.

Dã sử ghi: Có lần Lê Danh Phương nghịch ngợm trêu đùa một người bạn của cha, Lê Trọng Thứ biết chuyện quyết không tha tội, ông lăm lăm chiếc roi mây quát Lê Danh Phương nằm xuống:

- Đồ cứng đầu rắn cổ! Sao ta đã nói mà con không vâng lời?

Lê Danh Phương ngập ngừng, ông khách liền xin cho nhưng ra điều kiện phải làm bài thơ ứng đối. Danh Phương mừng quá, chắp tay lạy ông khách xin ra đầu đề. Ông khách cười, bảo Danh Phương hãy lấy lời trách của cha mà làm. Danh Phương liền ứng khẩu bằng bài thơ Đường luật, mỗi câu đều có tên một loại rắn:

"Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà

Rắn đầu biếng học lẽ không tha

Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ

Nay thét mai gầm rát cổ cha.

Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo

Lằn lưng cam chịu vọt năm ba

Từ nay Trâu Lỗ siêng học

Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia!".

Nhắc đến nhà bác học Lê Quý Đôn, người đời không thể không nhắc đến Tiến sĩ Lê Trọng Thứ, người cha có tầm ảnh hưởng quan trọng đến sự thành danh của ông. Không dễ dàng để có nhiều tư liệu về vị quan mẫu mực triều Lê, đồng thời là người thầy nghiêm khắc và ân cần của Lê Quý Đôn. Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập I cũng ghi chép rất sơ sài. Bài văn bia Hà quận công Lê Trung Hiến tướng công có ghi: "Lê Trọng Thứ sinh năm Giáp Tuất (1694), ngày 30 tháng Giêng, giờ Thìn, mất tại nhà năm Nhâm Dần, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 43 (1782) ngày 26 tháng Giêng, hưởng thọ 89 tuổi". Hiện hữu trong khuôn viên từ đường họ Lê ở thôn Đồng Phú là tấm bia đá khắc bài văn nói về Lê Trọng Thứ có tên "Hà quận công bia ký". Bia do chắt ngoại Lê Trọng Thứ là My Xuyên Phạm Chi Hương giữ chức Công bộ hữu tham tri kiêm Sung sử quán toản tu soạn năm Tự Đức thứ 12 (1859). Bài văn cho biết thêm một số tình tiết về dòng họ Lê, về thân thế và sự nghiệp của Lê Trọng Thứ mà ở các sách vở khác có đề cập hoặc đề cập chưa đầy đủ: Lê Trọng Thứ, hiệu Trúc Am tiên sinh, lúc nhỏ học hành rất sáng dụ, nổi tiếng là thần đồng, lớn lên theo học cụ Thám hoa họ Vũ ở Hào Nam. Năm 27 tuổi đỗ Hương tiến, năm 31 tuổi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Giáp Thìn niên hiệu Bảo Thái (1724), làm quan thanh liêm nổi tiếng trong ngoài. Năm 65 tuổi về hưu với chức Hộ bộ hữu thị lang. Ít lâu sau cụ lại được vời ra thăng đến chức Thượng thư bộ hình rồi về nghỉ. Tổ tiên cụ người huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc, họ Lý, từ cụ tổ đời thứ ba là Phúc Thiện Công, dời đến Diên Hà đổi ra họ Lê, được tặng Thượng thư bộ công. Bố của cụ là Phúc Lý Công bắt đầu giỏi nho, được tặng Thượng thư bộ binh.

Với những tài liệu còn quá khiêm tốn về dòng họ Lê, thật khó để có đủ lời ca tụng. Trong Diên Hà phả ký cũng miêu tả: Tổ tiên dòng họ Lê ở thôn Đồng Phú, xã Độc Lập vốn xuất thân từ nhà họ Lý ở huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc (nay là Bắc Ninh) vốn dòng dõi danh gia vọng tộc. Tổ bốn đời họ Lê làm tới chức Binh bộ thượng thư. Ông nội Lê Trọng Thứ là Phúc Thiện Công được tặng chức Thượng thư bộ công và được hưởng tập ấm về Diên Hà làm quan. Gia đình nhà Lê vì chạy loạn mà phải dạt về làng Vị Dương (Thái Thụy ngày nay) dạy học. Gia cảnh ngày một nghèo nàn nhưng Lê Trọng Thứ vẫn quyết tâm học hành đến nơi đến chốn. Thuở còn nhỏ, ông có tên là Lê Phú Thứ, khi lớn lên vào triều được chúa Trịnh yêu mến mà đổi thành Lê Trọng Thứ. Lê Trọng Thứ lớn lên trong gia đình khoa bảng, ông cũng là người thông tuệ, nổi tiếng thông minh và có hiếu với cha mẹ. Năm 27 tuổi, Lê Trọng Thứ thi đỗ cử nhân. Phúc bất trùng lai, đỗ đạt với riêng ông cũng là lúc gia đình lâm cảnh bần hàn. Cha ông mất, mẹ ông đau yếu nhưng bà vẫn động viên con trai cố gắng học hành. Bà động viên Lê Trọng Thứ sang nhà Tiến sĩ Hoàng Công Bảo theo học. Ở nhà thầy, Lê Trọng Thứ nổi danh là học trò giỏi văn chương và đức hạnh, được giới thiệu về kinh thành Thăng Long theo học tại Quốc Tử Giám. Năm Giáp Thìn 1724, tân khoa tiến sĩ Lê Trọng Thứ đăng quang. Ông ra làm quan trong lúc triều đình đầy biến động, "ngả bóng xế chiều", vai trò của vua Lê - chúa Trịnh không còn, quyền lực tập trung trong tay cận thần. Lê Dụ Tông chỉ ngồi bù nhìn, Trịnh Giang bất tài lên ngôi chúa làm vì... Thật đúng là đất nghèo sinh nhân kiệt!

(Còn nữa)

Quang Viện

  • Từ khóa