Thứ 7, 20/04/2024, 23:06[GMT+7]

Kỷ niệm 290 năm ngày sinh danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn (2/8/1726 - 2/8/2016) Sao sáng trời Nam

Thứ 5, 21/07/2016 | 08:39:17
566 lượt xem
Rũ bỏ áo quan, rời xa chốn triều đình nghiêng ngả bóng chiều hôm, cuộc đời công danh dang dở, Lê Trọng Thứ về làng trong nỗi thất vọng ghê gớm về thời cuộc và chán ngán cảnh quan trường. Lúc đó, Lê Quý Đôn mới 5 tuổi, đang nức tiếng gần xa về trí thông minh, được thiên hạ tôn vinh là “thần đồng”. Thất vọng chốn quan trường bao nhiêu, ông kỳ vọng vào cậu con trai bấy nhiêu. Do vậy, ông rèn con rất khắt khe. Bao nhiêu hoài bão và dự định của mình, ông trông chờ vào Lê Quý Đôn, đứa c

Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn đang được xây dựng tại xã Độc Lập, huyện Hưng Hà.

BÀI 2: QUAN ÐỒNG TRIỀU, SAO MỌC SỚM

Quả nhiên, Lê Quý Đôn lớn lên và trưởng thành đã thỏa ước vọng của người cha thân yêu, mẫu mực của mình. Nhưng cũng giống như cha mình, Lê Quý Đôn cũng không thoát khỏi triết lý sống thanh cao: "Tri túc tâm thường lạc. Vô cầu tự phẩm cao". Theo tài liệu nghiên cứu của các sử gia thì thời ấy, xã hội phong kiến suy tàn chất chứa đầy mâu thuẫn nhưng chính trong sự suy tàn quyền lực, dòng đời lại nảy sinh những mầm mống tích cực. Nước Việt ta xuất hiện nhiều tên tuổi rực rỡ như Đoàn Thị Điểm, Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn, Lê Hữu Trác... Nền tri thức văn hóa, khoa học của dân tộc được tích lũy trong dân gian từ hàng nghìn năm đã ở vào giai đoạn rực rỡ nhưng chưa được ghi chép, phân loại. May mắn thay, Lê Quý Đôn với học vấn uyên thâm của mình đã trở thành người "tập đại thành" mọi tri thức của thời đại. Những tri thức cao nhất của thời đại đến thời điểm này đồng thời được bao quát và tổng hợp trong các tác phẩm nổi tiếng của Lê Quý Đôn. Giá trị của các trước tác mà ông là người ghi chép, phân loại như cái mốc lớn đánh dấu thành tựu vĩ đại trong lịch sử văn hóa, văn hiến Việt Nam, của cả một thời đại với tất cả những ưu điểm cùng nhược điểm của những triều đại phong kiến.

Những trước tác tiêu biểu của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn đã được dịch và xuất bản.

Lê Trọng Thứ bước chân vào chốn quan trường với chức vụ Cấp sự trung bộ hộ, tuy nhỏ nhưng lối sống thanh đạm và cương trực nên ông không được lòng bề trên và luôn bị ganh ghét. Ở trong triều không lâu, ông bị đổi ra làm quan ngự sử ở Hải Dương. Tính cách trung thực và thông tuệ của Lê Trọng Thứ tác động rất lớn đến Lê Quý Đôn. Sau khi lui khỏi chốn quan trường, Lê Trọng Thứ vẫn ngày đêm trăn trở không yên phận "kẻ bề tôi" với thời vận đất nước. Đầu năm Tân Hợi 1731, sau bao đêm trăn trở nghĩ suy, ông dâng lên chúa Trịnh Giang tờ khải điều trần 6 điểm về công việc triều chính của đất nước với tình cảm và trách nhiệm cao nhất, chỉ với mong muốn chúa dẹp bớt những thú ăn chơi xa xỉ và đặc biệt cảnh tỉnh với bọn xu nịnh để trọng dụng những bậc hiền tài... Trong lúc triều chính ngả nghiêng, bọn nịnh thần xúc xiểm thì việc dâng sớ tâu vua là chuyện hiểm nguy đến tính mạng không chỉ của riêng bản thân mà đôi khi cả gia đình, dòng tộc cũng phải gánh chịu. Nhưng Lê Trọng Thứ với cốt cách kiên trung, ngay thẳng và tiết tháo đã không nản lòng né tránh. Điều tâm nguyện với giang sơn, đất nước của ông không được chúa Trịnh Giang đếm xỉa. Trịnh Giang là người nhu nhược, ông ta nhận khải của Lê Trọng Thứ mà không mảy may xúc động, rút bút phê: "Dâng khải thì được nhưng cấm không được nhắc đến công việc của người trên". Trịnh Giang cũng không thể hiểu rằng, cốt cách của Lê Trọng Thứ không làm ông nản lòng, tâm huyết của ông với giang sơn, đất nước không hề thay đổi, ông lại tiếp tục dâng tờ khải khác khuyên can chúa nên lắng nghe lời tấu của kẻ dưới. Ngay từ thời ấy, mọi "lời ăn, tiếng nói" đều phải "trông trước, nhìn sau", khúm núm vì sợ họa từ... miệng! Nhưng Lê Trọng Thứ không sợ, ông khuyên chúa nên mở rộng đường cho ngôn luận, để dân được nói, nghe dân nói thì mới thu hút hiền tài và ngõ hầu giải quyết được tình trạng suy thoái trầm trọng đến mức hiểm nghèo của đất nước. Đó mới là giải pháp tháo gỡ khó khăn, nguy khốn của giang sơn. Những lời tấu tha thiết ấy chẳng đem lại cho Lê Trọng Thứ chút gì may mắn mà ngược lại, ông nhận đủ những gì bọn xiểm nịnh mong đợi. Ông bị tước hết áo mũ và bị đuổi về quê. Mảnh đất Diên Hà chốn quê nghèo trấn Sơn Nam nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng ông lớn khôn, đỗ đạt hiển vinh giờ lại đón ông về với cảnh quê bình dị, thanh đạm sau lũy tre làng.

Lê Trọng Thứ dồn tâm sức chăm sóc và dạy dỗ Lê Quý Đôn, do vậy, năng lực cùng nhân cách của Lê Quý Đôn sau này có được cũng chính là do có sự giáo dưỡng của người cha thân yêu. Sử cũ ghi: Năm Kỷ Mùi 1739, chúa Trịnh Giang ốm liệt, triều chính hỗn độn, quan quân, đại thần bàn mưu đưa Trịnh Doanh lên ngôi và thi hành một số biện pháp để dẹp bớt sự lộng hành của các thái giám. Trịnh Doanh hăng hái quan tâm đến chính sự và tìm cách minh oan cho những trung thần bị bãi chức, trong đó có Lê Trọng Thứ. Đầu năm Canh Thân 1740, Lê Trọng Thứ được triệu về kinh và được bổ nhiệm chức Thiêm đô ngự sử, nhập thị bồi tụng, tả chính ngôn và được phong tước bá, không lâu sau đó được phong chức Đông Các hiệu thư. Trong một lần dâng sớ, Lê Trọng Thứ vô tình làm phật ý tham tụng Trần Cảnh, người này không từ thủ đoạn tâu lên chúa Trịnh Doanh bãi chức Lê Trọng Thứ, đày ông ra giữ chức giám sát miền Đông, nơi đương thời là một điểm nóng. Không lâu sau, thân mẫu của Lê Trọng Thứ qua đời, ông cáo quan về quê chịu tang mẹ. Mãn tang, ông được gọi quay trở lại triều chúa giữ chức Giám sát ngự sử đài. Chuyện kể lại rằng, có lần một toán kiêu binh nổi loạn chốn đô thành đòi đốt phá nhà riêng tham tụng Nguyễn Quý Cảnh. Tin vào tới phủ chúa, Trịnh Doanh lúng túng, đám quan quân hỗn độn, đùn đẩy nhau, Lê Trọng Thứ xuất hiện đúng lúc, ông một mình xin lãnh trọng trách đương đầu giải tán kiêu binh. Với đức hạnh thanh cao, thái độ mềm mỏng, đám kiêu binh nghe ra mà nể sợ đã tự động giải tán. Chiến công đó đưa ông đến vinh quang mới, được chúa ban thưởng hai mươi lạng bạc và một tấm lụa. Năm Nhâm Thân 1752, Lê Quý Đôn thi đỗ bảng nhãn và được bổ nhiệm chức Thị thư ở Hàn lâm viện. Cũng lúc ấy, Lê Trọng Thứ được thăng chức Đông Các đại học sĩ. Hai cha con cùng làm quan trong triều. Năm Kỷ Mão 1759, Lê Quý Đôn được cử đi sứ nhà Thanh. Lê Trọng Thứ thương con, lấy cớ tuổi già đã viết đơn dâng chúa xin từ quan về quê. Trịnh Doanh không đồng ý nhưng Lê Trọng Thứ cứ khẩn khoản mãi, sau đó chúa buộc phải đồng ý, đồng thời thăng chức Tả thị lang bộ hộ tước Diên phương bá. Cảm phục đức hạnh, tiết tháo của ông, chính tay Trịnh Doanh đã viết bốn chữ "chất trực cảm ngôn" vào một tấm lụa lớn ban tặng cho Lê Trọng Thứ.

Cảnh quan làng Diên Hà xưa vẫn được lưu giữ trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Được đi nhiều, thấy nhiều, nghe nhiều, biết nhiều việc đời cộng với sự giáo dưỡng của người cha làm quan ngự sử khắt khe, ân tình, kiến thức của Lê Quý Đôn trở nên phong phú. Lê Quý Đôn viết trong lời tựa sách Kiến văn tiểu lục: "Tôi vốn là người nông cạn, lúc còn bé thích chứa sách, lúc trưởng thành ra làm quan, xem lại sách đã chứa trong tủ, vâng theo lời cha dạy, lại được giao du nhiều với các bậc hiền sĩ đại phu. Thêm vào đấy phụng mệnh làm việc công, bốn phương rong ruổi: mặt Bắc sang sứ Trung Quốc, mặt Tây bình định Trấn Ninh, mặt Nam trấn thủ Thuận Quảng (Thuận Hóa, Quảng Nam). Đi tới đâu cũng để ý tìm tòi, làm việc gì mắt thấy tai nghe đều dùng bút ghi chép, lại phụ thêm lời bình luận sơ qua, giao cho tiểu đồng đựng vào túi sách". Theo các nhà sử học, tác phẩm của Lê Quý Đôn thống kê có tới 40 bộ, bao gồm hàng trăm quyển nhưng một số bị thất lạc. Những tác phẩm tiêu biểu của Lê Quý Đôn còn giữ được có thể kể ra như: Quần thư khảo biện, tác phẩm chứa đựng nhiều quan điểm triết học, lịch sử, chính trị được viết trước năm ông 30 tuổi; Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn làm xong lúc ông 30 tuổi, đây là một loại "bách khoa thư", trong đó tập hợp các tri thức về triết học, khoa học, văn học... sắp xếp theo thứ tự: vũ trụ luận, địa lý, điển lệ, chế độ, văn nghệ, ngôn ngữ, văn tự, sản vật tự nhiên, xã hội... Vân đài loại ngữ là bộ sách đạt tới trình độ phân loại, hệ thống hóa, khái quát hóa khá cao, đánh dấu bước tiến bộ vượt bậc của nền khoa học Việt Nam thời phong kiến; Đại Việt thông sử, còn gọi Lê triều thông sử, là bộ sử được viết theo thể ký truyện, chép sự việc theo từng loại, từng điều một cách hệ thống, bắt đầu từ Lê Thái Tổ đến Cung Hoàng, bao quát một thời gian hơn 100 năm của triều Lê, trong đó chứa đựng nhiều tài liệu mới mà các bộ sử khác không có, đặc biệt là về cuộc kháng chiến chống Minh; Kiến văn tiểu lục là tập bút ký nói về lịch sử và văn hóa Việt Nam từ thời Trần đến thời Lê. Ông còn đề cập tới nhiều lĩnh vực thuộc chế độ các vương triều Lý, Trần, từ thành quách, núi sông, đường sá, thuế má, phong tục tập quán, sản vật, mỏ đồng, mỏ bạc và cách khai thác cho tới các lĩnh vực thơ văn, sách vở... Toàn Việt thi lục 6 quyển là công trình biên soạn lớn nhất của Lê Quý Đôn, tuyển chọn 897 bài thơ của 73 tác giả từ thời Lý đến đời Lê Tương Dực (1509 - 1516), được ông hoàn thành năm 1768, dâng lên vua được thưởng hai mươi lạng bạc. Quan đồng triều, sao mọc sớm là như thế!

(Còn nữa)
Quang Viện

 

  • Từ khóa