Thứ 7, 11/05/2024, 21:53[GMT+7]

Lê Bính với văn học thiếu nhi

Thứ 2, 22/02/2016 | 10:01:42
2,470 lượt xem
Nhà văn Lê Bính đã ra đi nhưng những gì ông để lại đáng để chúng ta suy nghĩ. Đó trước hết là một người sống trung thực đầy nhiệt huyết, nhiệt huyết đến mức dị khờ và luôn cháy hết mình trong công việc, trong học tập, trong tình bạn và tình yêu. Hơn bốn mươi năm gắn bó với Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, nhà văn Lê Bính đã đóng góp cho văn học của quê hương và đất nước những tác phẩm nóng hổi hơi thở cuộc sống và đậm đà chất nhân văn. Đặc biệt là mảng văn học viết cho thiếu nhi.

Các em thiếu nhi đọc sách tại Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh. Ảnh: Thành Tâm

 

Thời ấy, phong trào văn học thiếu nhi Thái Bình nổi tiếng cả nước, được hơn một trăm giải thưởng quốc gia và quốc tế. Ngoài tài năng của các em, thành tựu đó có sự đóng góp của nhiều người, mà tiêu biểu là nhà văn Lê Bính. Lê Bính yêu nghề và yêu người, dìu dắt, chăm sóc các em như người anh, người thầy. Ông đưa các em đi thực tế các vùng quê, chữa cho các em từng câu từng chữ, đôi khi giảng giải cho các em về lẽ sống, về thiện, ác, tốt xấu. Tình cảm của nhà văn dành cho các em đã nâng đỡ các em cả khi bước vào cuộc đời rộng lớn để lập thân sau này. Ân tình ấy còn sâu nặng trong lòng một thế hệ Búp trên cành. Tháng 8/2015, qua mạng facebook, các em từng được dự các lớp học viết văn ngày ấy đã liên hệ với nhau và tổ chức một cuộc họp mặt tại Thái Bình sau hơn ba mươi năm. Có em từ nước ngoài về, có em từ miền Nam ra, từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh tập hợp lại. Hầu hết các em đều thành đạt, một số em là phó giáo sư, tiến sĩ, là giám đốc doanh nghiệp lớn, là cán bộ lãnh đạo cấp tổng cục, trưởng khoa của trường đại học, cán bộ lãnh đạo cấp huyện. Các em đã tổ chức một đoàn về làng Hà Mi, quê hương nhà văn Lê Bính, nơi ông đang dưỡng bệnh. Thật cảm động khi nhìn những cán bộ, doanh nhân tuổi trung niên, cả nam và nữ quây quần bên nhà văn già nhỏ bé, cúi đầu chào thầy như những trò nhỏ ngày nào. Rồi tất cả trải chiếu ngồi quanh thầy cùng hát, đọc thơ và ôn lại những tháng ngày đói nghèo mà đẹp như cổ tích năm xưa. Từ đấy, các em thường xuyên liên lạc, thăm hỏi và giúp đỡ nhà văn đang chống chọi với trọng bệnh. Trước các em, Lê Bính luôn vui nhộn, hài hước, giấu kín những vất vả, khó khăn của riêng mình. Những ai thật gần gũi và cảm thông mới biết Lê Bính đã phải tự mình vượt lên số phận để làm người, làm nhà văn như thế nào. Ông luôn tránh xa những bon chen danh lợi, những đố kỵ tị hiềm. Cuộc đời ông là cả một quá trình phấn đấu, bươn trải không ngừng. Bươn trải để nuôi con, để viết sách. Từng bị đòn số phận khá khốc liệt, có những thời gian đói nghèo kiệt quệ, khó khăn cùng cực cả tinh thần lẫn vật chất, ông vẫn kiên cường và lạc quan sống. Nếu là người khác, chắc chỉ biết cúi đầu trước số phận mà lo mưu sinh, mấy ai dám mơ đến sáng tác. Lo miếng cơm manh áo cho vợ con đến kiệt sức nhưng ông không bao giờ buông bút. Mà lạ thay, văn thơ ông luôn đầy tin yêu và trong sáng. Chính những năm tháng gian khó ấy, ông viết thiên trường ca “Hát dọc đồng bằng” đầy hào sảng và 9 tập truyện, phần lớn viết cho thiếu nhi như “Chùm hoa nhãn”, “Tuổi ấu thơ”, “Câu chuyện tuổi thơ”, “Người làng ta”, “Tuổi trẻ ông đại tá”, “Vườn cây đong nắng”... Những tác phẩm nồng nàn tình yêu quê hương, yêu cuộc sống của ông đã được tặng 3 giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lê Quý Đôn của UBND tỉnh, 2 giải ba viết cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với tổ chức UNICEF và Báo Tiền Phong.

 

Cuộc tiễn đưa Lê Bính có đông đủ gia đình, dân làng, bạn bè gần xa và đại diện các em thế hệ văn thơ Búp trên cành từ mọi miền đất nước tìm về. Với những gì làm được cho quê hương và gia đình, ông đã có một cuộc đời đầy tự hào. Nhà văn hãy thanh thản cưỡi hạc về trời, an vui nơi cực lạc.

 

Nhà văn Đức Hậu

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày