Thứ 5, 09/05/2024, 04:27[GMT+7]

Công nghiệp về làng (Kỳ 4)

Thứ 6, 26/05/2017 | 08:52:38
949 lượt xem
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa công nghiệp về làng nếu không tính toán kỹ lưỡng rất có thể để lại hậu quả nhiều hơn hiệu quả. Vì thế, vấn đề không chỉ dừng lại ở câu chuyện đem nghề về cho dân mà điều quan trọng hơn là làm thế nào để vừa phát triển nghề vừa không ảnh hưởng đến môi trường, phát triển nghề một cách bền vững.

Năm 2016, nghề dệt khăn ở Hưng Hà đạt 616,495 tỷ đồng.

Kỳ 4: Hóa giải bài toán khó

Ông Trần Văn Quân, Giám đốc Công ty Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Tuấn Lộc (xã Thái Phương, huyện Hưng Hà) cho biết: Công ty đã đầu tư 70 tỷ đồng vào 18 máy dệt kiếm và có hơn 200 máy dệt trong dân, tạo việc làm cho 250 lao động tại chỗ với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, Công ty xuất trên 1.000 tấn hàng với hàng trăm loại khăn cao cấp sang thị trường Nhật Bản. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nhưng điều trăn trở nhất của Công ty hiện nay không phải là thị trường, nguồn lao động mà chính là công đoạn tẩy nhuộm sản phẩm. Theo tính toán, bình quân mỗi tháng Công ty phải chi phí hơn 1 tỷ đồng cho việc thuê tẩy nhuộm. Trong khi làng nghề có từ hàng trăm năm nay nhưng không được đầu tư khu xử lý nước thải tập trung, đến nay đã có đầu tư nhưng tiến độ rất chậm, doanh nghiệp muốn xây dựng nhưng lại chưa được chấp thuận nên vẫn phải đi thuê với giá cao. Đó chính là nút thắt cần sự hóa giải để cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân không phải nhức nhối về vấn nạn ô nhiễm môi trường. 

Ông Phạm Ngọc Kế, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: Việc ô nhiễm ở làng nghề Phương La vốn đã không có phương án xử lý song mặc dù có dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung nhưng thực hiện từ năm 2014 đến nay vẫn chưa hoàn thành. Thực tế hiện nay, tất cả các làng nghề trên địa bàn tỉnh có nguy cơ gây ô nhiễm đều được quy hoạch các cụm công nghiệp đi kèm nhưng nhiều nơi vẫn chỉ là quy hoạch trên giấy còn thực tế chưa có doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề ra đầu tư. Vấn đề cốt lõi là chưa có nhà đầu tư hạ tầng, ngân sách hạn chế nên không có kinh phí để đầu tư nhà máy xử lý chất thải và nước thải tập trung hoặc có nhà đầu tư nhưng tiến độ xây dựng rất chậm. Mặt khác, nhiều hộ sản xuất trong các làng nghề có quy mô quá nhỏ, hoạt động mang tính chất gia đình nên năng lực tài chính hạn chế, khó có thể đầu tư ra cụm công nghiệp.

Dự án hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La đã xây dựng xong trên 80% các hạng mục công trình.

Cũng theo ông Kế, quy hoạch cụm công nghiệp chính là tạo cho các doanh nghiệp phát triển từ doanh nghiệp nhỏ đến doanh nghiệp lớn, thúc đẩy các cơ sở sản xuất thành lập doanh nghiệp và xử lý được vấn đề môi trường. Tuy nhiên, trong tổng số 37 cụm công nghiệp được thành lập thì tất cả đều chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải tập trung ngoại trừ 2 đơn vị đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ ở cụm công nghiệp Thái Phương. Các cụm công nghiệp đều do ngân sách huyện, thành phố đầu tư nhưng do kinh phí hạn hẹp nên đến nay mới chỉ xây dựng được một số tuyến đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa, một số trạm biến áp, còn lại các hạng mục thiết yếu khác do nhà đầu tư thứ cấp tự bỏ vốn xây dựng nên không đáp ứng được yêu cầu công tác quy hoạch. Chính vì thế, thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cụm công nghiệp và tập trung kêu gọi thu hút nhà đầu tư hạ tầng để giải quyết những tồn tại, hạn chế của làng nghề và vấn đề ô nhiễm môi trường. Kết quả, đến nay, 12 cụm công nghiệp có nhà đầu tư xin đầu tư kinh doanh hạ tầng, trong đó 6 cụm công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư. Một số cụm công nghiệp mặc dù mới được phê duyệt chủ trương đầu tư song tiến độ xây dựng rất nhanh và có nhiều triển vọng. 

Ông Nguyễn Mạnh Quý, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Vinaspace, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp Minh Lãng (Vũ Thư) cho biết: Công ty đã thực hiện xong việc xin điều chỉnh chủ trương đầu tư, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập đồ án quy hoạch chi tiết và triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng phần đã san lấp mặt bằng. Hiện tại đã có 2 nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà xưởng, lắp đặt thiết bị trong cụm công nghiệp. Dự kiến, sau khi cụm công nghiệp hoàn thành sẽ tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động. Công ty sẽ chỉ thu hút những nhà đầu tư thứ cấp có quy mô lớn, công nghệ cao, những dự án thân thiện với môi trường theo đúng chủ trương, định hướng của tỉnh.

Cơ sở sản xuất bún Mai Huy Đức (thôn Bình An, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư) sản xuất trên 3 tạ bún/ngày.

Ông Phạm Ngọc Kế, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết thêm: Chủ trương của tỉnh sẽ quy hoạch các cụm công nghiệp cách nhau không quá 7km và gần hơn 5km để chuyển lao động nông thôn ra các cụm công nghiệp. Tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng về vốn, mặt bằng, thủ tục hành chính, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp.


Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Trước mắt, các làng nghề chưa xây dựng được nhà máy xử lý nước thải tập trung cần xử lý bằng các ao hồ sinh học để phù hợp với điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ nhất là những công đoạn gây ô nhiễm phải đưa ra sản xuất, xử lý tập trung. Muốn làm được điều này, các địa phương phải kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng và thu phí dịch vụ xử lý môi trường của các hộ dân, đồng thời người dân phải có trách nhiệm thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Chỉ khi nào người dân đồng lòng vào cuộc thực hiện cộng với giải pháp quyết liệt của các cấp chính quyền thì bài toán về môi trường mới có thể được hóa giải. Cùng với đó, nhà nước cần quan tâm đến vấn đề đầu tư, dành ngân sách thỏa đáng cho đầu tư hạ tầng.

Ông Nguyễn Bá Phong, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hưng Hà

Huyện sẽ tiếp tục kêu gọi thu hút các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng vào các cụm công nghiệp, tuy nhiên, trước mắt sẽ bám sát dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung ở cụm công nghiệp Phương La để sớm hoàn thành đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu sản xuất của làng nghề. Huyện có hướng ưu tiên cho các doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn, công nghệ hiện đại, có tiềm lực tài chính, làm ăn uy tín được xây dựng nhà xưởng trong khu xử lý nước thải tập trung để hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường.

Ông Trần Văn Sơn, chỉ huy trưởng công trường dự án hệ thống xử lý nước thải  tập trung làng nghề Phương La

Đến nay, nhà máy đã xây dựng xong trên 80% các hạng mục công trình như hồ điều hòa, khu xử lý nước thải, nhà bảo vệ, nhà kho, nhà điều hành. Hiện dự án đang hoàn thiện sân, đường nội bộ, khuôn viên cây xanh. Chúng tôi sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công để bảo đảm đến ngày 30/6/2017 dự án xử lý nước thải tập trung sẽ hoàn thành và dự kiến đến ngày 31/12/2017 nhà máy sẽ bắt đầu vận hành.

Ông Mai Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Vũ Hội (Vũ Thư)

Khi người dân có kiến nghị về vấn đề ô nhiễm môi trường, từ năm 2015 đến nay xã đã thực hiện thu 500.000 đồng/tháng đối với các hộ sản xuất bún, bánh để thả bèo tây ra sông nhằm giảm bớt mùi hôi thối bốc lên và thau rửa nguồn nước trên sông bằng cách sử dụng chế phẩm xử lý sinh học. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp bền vững, do đó nhất định phải yêu cầu các hộ xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi xả thải ra môi trường hoặc vận động các hộ ra cụm công nghiệp Vũ Hội sản xuất tập trung.

Thu Thủy