Thứ 6, 10/05/2024, 00:32[GMT+7]

Huyền thoại 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị

Thứ 2, 18/09/2017 | 08:12:45
4,009 lượt xem
Cuộc chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972 được xem là khốc liệt nhất trong lịch sử kháng chiến cứu nước của quân và dân ta bởi sự chiến đấu không cân sức và kẻ thù trút bom đạn xuống chiến trường này tầm tã như mưa. Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm đó đã diễn ra như một huyền thoại về ý chí quật cường, gan góc của những người lính Cụ Hồ và của cả dân tộc đã làm nên trang sử oanh liệt, chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam.

Cựu chiến binh Lê Xuân Chinh gặp lại những đồng đội cùng chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

45 năm đã trôi qua, những chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị huyện Kiến Xương mới có dịp trở lại vùng đất của đạn bom tàn khốc năm xưa. Tất cả đều rưng rưng xúc động bởi trong từng tấc đất, cành cây, ngọn cỏ nơi này vẫn còn chất chứa máu xương của những đồng đội đã anh dũng hy sinh để hôm nay xanh màu sự sống ngời lên và nơi đây đã trở thành di tích lịch sử quốc gia, nơi ghi dấu một thời máu lửa của dân tộc.

Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Thiện Thái ở thị trấn Thanh Nê xúc động chia sẻ: Trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, ông tham gia chiến đấu trong đơn vị Đại đội 15 DKZ, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B. Như bao người lính khi vượt sông Thạch Hãn vào Thành cổ chiến đấu, ông đã xác định chuyến đi không biết có ngày về bởi đây là mục tiêu quân đội Mỹ quyết tâm dùng hỏa lực mạnh hòng cướp lại để giành lợi thế trên bàn đàm phán tại Pa-ri với chúng ta. Trong mưa bom, bão đạn, giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết ở nơi chiến trường, tất cả những người lính vẫn sắt son niềm tin mãnh liệt vào ngày đất nước toàn thắng, sẵn sàng đón nhận hy sinh.

Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị được bắt đầu từ ngày 28/6 đến ngày 16/9 năm 1972. Mảnh đất Thành cổ chưa đầy 2km2 đã phải hứng chịu hơn 328.000 tấn bom đạn với sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản năm 1945 đã cày nát từng mét đất và tàn phá tan hoang Thành cổ. 

CCB Lê Xuân Chinh ở xã Thái Phương (Hưng Hà) chia sẻ: Phải chiến đấu trong vòng vây của quân thù và giữa bom đạn của địch xối xả trút xuống nhưng tất cả những người lính vẫn không hề run sợ, kiên trì bám trụ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Mỗi ngày qua đi lại có hàng chục chiến sĩ hy sinh. Nhưng chúng tôi không những không hề bi lụy, run sợ mà càng nung nấu ý chí, lòng căm thù giặc và chiến đấu ngoan cường, quyết đánh bại quân xâm lược. Khi được nhà nhiếp ảnh chiến trường Đoàn Công Tính vào trận địa chụp ảnh anh em chiến đấu, chúng tôi vẫn nở nụ cười chiến thắng, tinh thần thảnh thơi, lạc quan giữa ngổn ngang gạch, đá, bê tông đổ nát, khói bụi mịt mù.

Trong những câu chuyện về cuộc chiến đấu 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972, nhiều chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị quê huyện Kiến Xương may mắn sống sót trở về luôn tự hào kể cho thế hệ trẻ hôm nay sự hy sinh của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, xã Lê Lợi. Ở tuổi 18, dù biết trước hiểm nguy, biết trước cái chết nhưng người lính ấy vẫn dấn thân vào cuộc kháng chiến với tâm niệm: Hy sinh cho Tổ quốc là sự hy sinh cao cả nhất. Trong bức thư gửi về gia đình trước khi hy sinh ông đã viết: “Thư này tới tay mẹ, chắc mẹ buồn lắm. Con của mẹ đã đi xa để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời. Con rất hiểu mẹ khổ đã nhiều, nay bao hy vọng nuôi con khôn lớn, song do đất nước có chiến tranh thì mẹ ơi, hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu, sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”. 

Bà Đặng Thị Xơ, vợ liệt sĩ Lê Văn Huỳnh 45 năm ở vậy thờ chồng chia sẻ: Trong bức thư cuối cùng gửi về cho gia đình, ngoài sự động viên, chia sẻ những lời yêu thương, trìu mến với mẹ, anh, chị, em và vợ, anh Huỳnh còn căn dặn: “Thì em cứ làm tốt những điều anh dặn ở trên là tốt lắm rồi…”. Sự ra đi của anh nhẹ nhàng, thanh thản và vì nghĩa lớn đó chính là cốt cách, tinh thần của người lính Cụ Hồ, thế hệ thanh niên thế kỷ XX đã khiến bà Xơ dù chỉ được 6 ngày làm vợ đã dành cả đời thủy chung thờ chồng.

Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh và hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, nhiều người vẫn còn nằm đâu đó trong lòng đất, trong lòng sông Thạch Hãn, có những ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên đã làm nên bản anh hùng ca bất tử của dân tộc. 45 năm đã qua và mãi mãi mai sau, người Việt Nam, dân Việt Nam, nước Việt Nam đời đời biết ơn và ghi nhớ huyền thoại 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972 tại Thành cổ Quảng Trị.

Khắc Duẩn