Thứ 7, 21/12/2024, 19:14[GMT+7]

Hành trình đưa đồng chí Nguyễn Đức Cảnh về đất mẹ

Thứ 6, 02/02/2018 | 09:30:52
10,672 lượt xem
Hành trình đi tìm hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Chủ tịch Tổng Công hội đỏ (tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày nay), Bí thư đầu tiên của Thành ủy Hải Phòng đã khép lại với thành công ngoài mong đợi. Sau 65 năm xa xứ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã trở về đất mẹ. Câu chuyện đi tìm hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là kỷ niệm không bao giờ quên với những người tâm huyết, trách nhiệm và vinh dự tham gia hành trình tri ân ấy.

Tin lễ dâng hương và tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được đăng tải trên Báo Thái Bình năm 2007.

Những ngày này, cả nước nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908 - 2/2/2018). 

Tôi tìm gặp ông Nguyễn Ngọc Đoán, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, người “tổng chỉ huy” cuộc tìm kiếm hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Đã thành lệ, cứ vào ngày 30/7 hàng năm, vợ chồng ông Đoán lại sắp lễ giỗ tưởng nhớ, tri ân đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Hồ Ngọc Lân - hai người con ưu tú của Đảng đã hiên ngang bước lên máy chém, làm cho kẻ thù khiếp sợ. Ông Đoán còn nhớ như in những ngày đi về Thái Bình - Hải Phòng cùng cán bộ cơ quan công đoàn tỉnh và thành phố Hải Phòng chắp mối từng tư liệu liên quan đến nơi thực dân Pháp xử chém và nơi an táng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Khi mọi thông tin đã trùng khớp, cuộc tìm kiếm bắt đầu.

Ông Đoán chia sẻ: Trước khi cuộc tìm kiếm diễn ra, thành phố Hải Phòng đã tổ chức tìm kiếm hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh nhưng không thành công. Ở Thái Bình, các thế hệ lãnh đạo địa phương và lãnh đạo LĐLĐ tỉnh trước đó đã có nguyện vọng tìm hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh để thỏa nỗi niềm của công đoàn các cấp, nhân dân và người thân của đồng chí nhưng chưa thực hiện được. Đến khi tôi làm Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, tôi và các đồng chí trong Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã đề xuất nguyện vọng với lãnh đạo tỉnh, quyết tâm tìm hài cốt đồng chí. Cấp ủy, chính quyền, LĐLĐ thành phố Hải Phòng cũng thể hiện quyết tâm phối hợp tìm kiếm.

Theo các tài liệu, hành trình tìm mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bắt đầu từ ngày 4/3/2007 và có kết quả vào ngày 19/9/2007. Để tìm được nơi an táng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, LĐLĐ tỉnh Thái Bình và thành phố Hải Phòng đã tổ chức 5 cuộc hội thảo khoa học. Qua hội thảo mới “soi” lại quãng đường sau khi hai cụ bị chém rồi đem xác đi như thế nào cũng như tìm ra các địa điểm, địa danh ở Hải Phòng trong thời kỳ đó. Từ đó, xác định được nơi an nghỉ của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại khu vực Công ty Giày da Thống Nhất, huyện An Dương (thành phố Hải Phòng). 

Theo ông Đoán, trong các nguồn tư liệu lịch sử ghi chép lại, sau ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh thành lập Đảng bộ thành phố Hải Phòng và trực tiếp làm Bí thư Thành ủy, sau đó được Trung ương phân công giữ cương vị Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 10/1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương điều vào tham gia Xứ ủy Trung Kỳ. Tháng 4/1931, đồng chí bị địch bắt khi đang trên đường đi công tác, sau đó bị địch kết án tử hình. Ngày 31/7/1932, thực dân Pháp vội vã và hèn hạ thực thi bản án tử hình đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại thành phố Hải Phòng cùng với đồng chí Hồ Ngọc Lân. Khi đó, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh mới 24 tuổi.

Nơi tìm thấy thi hài đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Hồ Ngọc Lân.

Sau bao năm vật đổi sao dời, cảnh cũ người xưa không còn đặt ra những thách thức lớn trong công tác tìm kiếm. Ông Đoán nhớ lại: Chúng tôi không còn nhớ bao lần ra Hải Phòng để làm việc với LĐLĐ thành phố. Bất cứ khi nào có thông tin mới phía bạn cung cấp là chúng tôi lên đường. Thời gian đó, đồng chí Chánh văn phòng và đồng chí Phó Chánh văn phòng LĐLĐ tỉnh được Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh phân công ở lại Hải Phòng trực tiếp điều hành việc tìm kiếm. Ai cũng mong muốn sớm tìm thấy và đưa đồng chí Nguyễn Đức Cảnh về quê hương.

Trong căn nhà nhỏ ở thôn Phú Lạc, xã Phú Xuân (thành phố Thái Bình), ông Trần Chất Vấn, nguyên Chánh văn phòng LĐLĐ tỉnh say sưa kể cho tôi nghe những kỷ niệm về hành trình tìm kiếm hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Khi ấy, mỗi địa danh, con đường ở huyện An Dương ông đều thuộc như lòng bàn tay. 

Ông Vấn tâm sự: Giai đoạn tìm kiếm hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cũng là khoảng thời gian LĐLĐ tỉnh nhiều việc như xây dựng 130 căn hộ cho công nhân và nhà để xe 300 chỗ, các công việc chuyên trách như bảo vệ quyền lợi người lao động, tổ chức các phong trào thi đua... vẫn phải thực hiện. Mặc dù vậy, anh em trong LĐLĐ tỉnh vẫn thể hiện quyết tâm vừa hoàn thành tốt các nhiệm vụ thường xuyên vừa tích cực tìm kiếm hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Tất cả công việc trong cơ quan được phân công cụ thể. Với tôi, được Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh giao trực tiếp tham gia đoàn tìm kiếm vừa thấy mình thật vinh dự nhưng cũng cảm thấy trách nhiệm nặng nề, quyết tâm phải hoàn thành tốt.

Mỗi cuộc hội thảo, mỗi lần gặp gỡ nhân chứng, người dân hay khảo sát ở các nơi có thể là khu vực an táng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, ông Vấn lại ghi chép tỉ mỉ vào cuốn sổ tay để tiện báo cáo cấp trên. Với ông, cảm xúc khi tìm thấy hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Hồ Ngọc Lân là kỷ niệm đáng nhớ nhất. Khi ấy, tất cả mọi người trong đoàn tìm kiếm đều khóc òa vì sung sướng. Vậy là sau bao năm vùi trong lòng đất lạnh lẽo, cuối cùng, ý nguyện của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình, các thế hệ cán bộ, nhân viên cơ quan công đoàn các cấp đã trở thành hiện thực. 

Ông Vấn nhớ lại: Khi xác định được khu vực an táng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, chúng tôi tổ chức họp với lãnh đạo Công ty Giày da Thống Nhất để chọn ngày, giờ tìm, đưa đồng chí về quê. Khu vực ấy cây cỏ rậm rạp phải cho người phát quang sạch sẽ. Ngày 19/9/2007, đoàn tìm kiếm bắt đầu tìm kiếm nhưng mọi người đào rất sâu mà không thấy tiểu, dùng cả thuốn xuống lòng đất nhưng vẫn bặt vô âm tín. Nhưng cuối cùng thì đoàn đã tìm thấy được hai cái tiểu nằm úp ngược, lật lên là hai bộ hài cốt không có đầu..., có thể đây chính là hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Hồ Ngọc Lân. Sau đó, hài cốt được xử lý, chuyển đến nhà tang lễ Quân khu 3 để bảo quản theo quy định.

Theo ông Đoán và ông Vấn, mặc dù hành trình tìm kiếm khép lại với kết quả tốt nhưng chuỗi ngày chờ đợi kết quả giám định ADN để khẳng định chắc chắn đó là hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Hồ Ngọc Lân lại là thời gian áp lực nhất. Ông Đoán kể: Trung ương đã quyết định cho giám định ADN ở Viện Khoa học pháp y quân đội. 56 ngày đêm hồi hộp canh giữ di hài là chuỗi thời gian chúng tôi được đón tiếp, chứng kiến tình cảm của mọi người ở khắp mọi miền Tổ quốc khi biết tin đến viếng. Và rồi, việc giám định cho kết quả đúng như mong đợi của tất cả mọi người.

Hành trình tìm kiếm hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh khép lại với cái kết có hậu. Người con ưu tú của quê hương đã yên nghỉ vĩnh hằng trong lòng đất mẹ. Ở nơi đây vẫn còn lưu lại nếp nhà quê, vẫn vấn vương vị mặn mòi của biển, mãi ru giấc ngủ ngàn thu người chiến sĩ cộng sản kiên trung. 

Chứng kiến sự đổi thay của quê hương, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện dự án mở rộng, tu bổ, tôn tạo Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí, cựu chiến binh Hoàng Ngọc Thành, sinh năm 1936 ở khu 3, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) không khỏi bồi hồi xúc động: Chúng tôi luôn tự hào về đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, người con ưu tú của quê hương Diêm Điền. Việc tìm kiếm hài cốt đồng chí cũng như việc trùng tu, tôn tạo, mở rộng Khu lưu niệm là việc làm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, xứng tầm với công lao to lớn của đồng chí. Chúng tôi là thế hệ hậu bối, nguyện hứa tiếp tục phát huy truyền thống quê hương, giáo dục con cháu hiểu về những giá trị lịch sử của dân tộc, quyết tâm xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Tổ quốc mãi mãi trường tồn.

Tất Đạt  


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày