Chủ nhật, 19/05/2024, 01:41[GMT+7]

Bệnh binh Nguyễn Văn Trọng sản xuất, kinh doanh giỏi

Thứ 2, 28/08/2017 | 10:17:25
4,008 lượt xem
Với bản tính năng động, dám nghĩ dám làm cộng với nỗ lực, sự kiên trì của bản thân, ông Nguyễn Văn Trọng, sinh năm 1954, bệnh binh, hội viên Chi hội Nông dân thôn Thượng Lãng, xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà đã xây dựng mô hình trang trại tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Văn Trọng.

Năm 2011, thực hiện chủ trương của địa phương chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang làm trang trại, gia trại và nuôi trồng thủy sản, ông Trọng đã mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng cùng với số vốn gia đình tích lũy bao năm đấu thầu 1ha đất để làm trang trại VAC. Những ngày đầu khó khăn vất vả, ông cùng gia đình lăn lộn đào ao, thả cá, trồng cây, làm cỏ, chăn nuôi lợn, gà, vịt. Trong tư tưởng, ông luôn xác định phải ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, vì thế bên cạnh sự cần cù, chịu khó của các thành viên trong gia đình, sự hỗ trợ về chuyên ngành trồng trọt của vợ, ông đã đầu tư cho con trai đi học chuyên ngành chăn nuôi - thú y tại Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình. Cùng với đó, ông tích cực học hỏi kiến thức trên sách, báo, mạng internet, tham quan các mô hình hiệu quả để tích lũy kinh nghiệm. 

Sau gần 2 năm đầu tư công sức và trí tuệ, 1,2 mẫu ao đã cho thu hoạch 8 tấn cá, trừ chi phí lãi 80 triệu đồng; 30 đầu lợn nái ngoại, 300 lợn thịt cộng với 200 con gà, vịt đem lại lợi nhuận hơn 200 triệu đồng; ngoài ra còn hơn 200 gốc cây ăn quả gồm mít, ổi, bưởi, nhãn... hứa hẹn bội thu. Bên cạnh đó, nhận thấy nhu cầu chăn nuôi của bà con tăng cao, ông tiếp tục đầu tư và phát triển đại lý bán thức ăn chăn nuôi, bình quân mỗi năm cung cấp cho bà con hơn 500 tấn cám, trừ chi phí lãi hơn 100 triệu đồng. 

5 năm liên tục, bình quân mỗi năm trừ chi phí các loại, trang trại của gia đình ông lãi từ 500 - 600 triệu đồng. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình, với  quy mô trang trại này ông đã giải quyết việc làm thường xuyên cho  9 - 10 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/ người/tháng.

Từ đầu năm 2017 đến nay, giá thịt lợn hơi giảm sâu, ảnh hưởng lớn đến sản xuất chăn nuôi, gia đình ông cũng chịu thiệt hại rất lớn. Tổng số lợn thịt đến kỳ xuất chuồng là 350 con, ông phải xuất với giá 20.000 đồng/kg thịt hơi, cùng với 30 đầu lợn nái đang trong kỳ phát triển gia đình ông thiệt hại hơn 800 triệu đồng. Nhưng ông vẫn quyết tâm giữ đàn lợn nái và đàn lợn thịt đang phát triển, áp dụng nhiều phương pháp nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng cường phòng trừ dịch bệnh để bảo đảm đàn lợn phát triển tốt, đẩy mạnh đầu tư và phát triển nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn quả để giảm rủi ro. Bên cạnh đó ông động viên bà con chăn nuôi trong vùng, trong thôn kiên trì vượt qua khó khăn, đồng thời hỗ trợ bán thức ăn chăn nuôi giảm giá, bán trả chậm cho các hộ chăn nuôi thiệt hại nhiều trong đợt vừa qua.

Ông Trọng cho biết sắp tới ông vẫn tiếp tục duy trì đàn lợn theo quy mô chuồng trại đã xây dựng, trồng thêm một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, tiếp tục đầu tư trồng một số loại cỏ có giá trị dinh dưỡng cao để nuôi cá trắm cỏ và thử nghiệm trồng nấm ở khu vực nhà kho còn trống.

Không chỉ chú tâm phát triển kinh tế, ông Trọng và gia đình còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, các hoạt động do tổ chức hội và địa phương phát động cũng như tích cực ủng hộ các quỹ, giúp đỡ các hộ khó khăn trong sản xuất và đời sống. Đồng thời, ông cũng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức giúp đỡ những hội viên nông dân khác, nhất là kiến thức, kinh nghiệm trong phát triển kinh tế VAC. 

Ông đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, UBND huyện, gia đình ông nhiều năm liền đạt gia đình văn hóa. Đặc biệt, ông là 1 trong 95 hội viên nông dân tiêu biểu của tỉnh được công nhận danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương giai đoạn 2012 - 2016. Những phần thưởng đó là nguồn động viên giúp ông tiếp tục vươn lên vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế.

Lại Thị Phượng
(Hội Nông dân tỉnh)