Thứ 3, 28/05/2024, 00:58[GMT+7]

Người gửi hồn trong gỗ

Thứ 6, 03/11/2017 | 08:25:43
1,003 lượt xem
Tạo nên những công trình bằng gỗ nổi tiếng, anh Nguyễn Khánh Toàn, người con của xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình) được biết đến là một doanh nhân thành đạt.

Xưởng sản xuất của anh Nguyễn Khánh Toàn.

Đam mê cháy bỏng

Chúng tôi đến xưởng gỗ nổi tiếng của anh Toàn ở xã Vũ Chính đúng thời điểm các công nhân đang hoàn tất các công đoạn cuối cùng cho những cột gỗ của một công trình mới. 

Tiếp chúng tôi trong khu xưởng rộng hơn 100m2, anh Toàn cẩn thận lật giở cho chúng tôi xem những tấm ảnh chụp các công trình với những nét vẽ hoa văn tinh xảo và điêu luyện mà anh đã từng thiết kế và phục dựng trên hầu khắp các tỉnh, thành phía Bắc. 

Câu chuyện về cái “duyên” với nghề bắt đầu từ khi anh Toàn còn là cậu bé 15 tuổi. Vì sẵn có niềm đam mê đặc biệt với những công trình có kiến trúc bằng gỗ cổ nên tủ sách của cậu bé Toàn lúc ấy toàn những tranh ảnh sưu tầm về những ngôi nhà cổ. Sau khi học xong cấp III, anh xin bố mẹ cho đi học nghề mộc. Lúc đầu, bố mẹ anh không ai đồng ý mà muốn anh thi tiếp vào đại học bởi cho rằng để làm được nghề này cần một khoản đầu tư rất lớn. Thế nhưng, vượt lên mọi khó khăn, bằng tình yêu với những công trình kiến trúc nhà gỗ cổ, anh Toàn đã kiên trì  thuyết phục bố mẹ cho mình được thỏa lòng đam mê. 

Trải lòng về quá trình lập nghiệp, anh Toàn cho biết: Ban đầu đi học nghề rất khó khăn, một mình tôi lặn lội đi học cả trong và ngoài tỉnh, may mắn nên tôi đã gặp được người thầy ở làng Đông Hồ, huyện Thái Thụy. Thầy đã hướng dẫn, chỉ bảo tôi rất nhiều. Được như ngày hôm nay, tôi vô cùng biết ơn thầy.

Sau một năm vừa làm vừa học, trau dồi tích lũy kinh nghiệm và “tìm đất” cho sản phẩm của mình, năm 2004, nhận thấy những kiến trúc nhà cổ vùng đồng bằng Bắc Bộ đang có nguy cơ bị mai một trong khi nhu cầu của người dân ngày càng lớn nên anh Toàn mạnh dạn đầu tư mở xưởng sản xuất gỗ với 10 lao động. Cũng từ đây, cuộc đời của chàng trai trẻ đã bước sang trang mới.

Thành công từ hai bàn tay trắng

Ngày đầu mở xưởng, toàn bộ số vốn anh Toàn đều phải đi vay của các ngân hàng cộng thêm sự hỗ trợ của anh em họ hàng. Năm đầu tiên sau khi mở xưởng, số tiền thu được cũng chỉ đủ để nuôi công nhân, tiền lãi gần như không có. Nhưng tình yêu nghề trong anh giống như một mạch ngầm chảy mãi, lấn át tất cả khó khăn, tiếp thêm nghị lực cho anh tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình. 

Theo anh Toàn, để làm được một ngôi nhà cổ cần có những kiến thức am hiểu nhất định về kiến trúc cổ của Việt Nam nói chung và kiến trúc các triều đại nói riêng. Triền mái của kiến trúc cổ Việt Nam thẳng, không cong nhưng hếch lên ở góc mái tạo sự thanh thoát, lấy cảm hứng từ mũi thuyền của nền văn hóa sông nước. Trang trí trên mái cổ thường có các phần đặc trưng như những con giống gắn trên đầu đao, trong đó con giống luôn là hình tượng thể hiện tinh thần ngôi nhà, được làm từ đất nung hay vữa truyền thống. Đỉnh mái gắn con kìm (long nghê, hay cá chép hóa rồng) ở hai đầu bờ nóc, con sô ở chỗ bờ quyết (bờ guột), con náp, hay lạc long thủy quái. Đặc biệt, những nét chạm trổ hoa văn thể hiện tinh thần của công trình và thường không quét sơn mà để mộc màu gỗ…

Khi được hỏi làm thế nào để anh có thể thu hút được lao động trong khi sản phẩm của cơ sở đòi hỏi thợ có tay nghề cao, anh Toàn kể: Mọi người đến với mình cũng như cái duyên vậy. Tôi đi khắp mọi nơi để tìm lao động, vận động mọi người đến làm việc, chủ yếu là những người có hoàn cảnh khó khăn, phần vì mình cũng đang thiếu nhân công phần cũng vì muốn giúp đỡ họ. Những ai chưa có tay nghề tôi sẽ trực tiếp hướng dẫn và chỉ bảo.

Anh Vũ Hào Hiệp, xã Đồng Thanh (Vũ Thư) là một trong hơn 100 lao động làm việc tại xưởng. Năm 2011, anh Toàn khi về xây dựng công trình chùa Đồng Đại tại xã Đồng Thanh, biết hoàn cảnh anh Hiệp không có việc làm, anh Toàn ngỏ ý giúp đỡ. 

Anh Hiệp cho biết: Đối với tôi, anh Toàn như người cha, người anh. Chính nhờ anh Toàn mà cuộc sống gia đình tôi đã khấm khá hơn, có của ăn của để.

Không riêng anh Hiệp mà nhiều lao động trong xưởng cũng được anh Toàn tạo điều kiện giúp đỡ, bảo đảm thu nhập ổn định từ 9 - 10 triệu đồng/người/tháng. Hơn 15 năm gắn bó với nghề, anh Toàn đã có nhiều công trình đóng góp cho quê hương và các tỉnh lân cận. 

Tháng 8/2015, anh được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” và danh hiệu người có công xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Ngoài ra, năm nào anh cũng nhận được giấy khen của UBND thành phố Thái Bình là công dân tiêu biểu có nhiều thành tích đóng góp cho tỉnh và thành phố. Đặc biệt, anh còn là tác giả phục dựng những công trình có giá trị lịch sử và văn hóa nổi tiếng như đền A Sào (Quỳnh Phụ); đền thờ Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung (Hưng Hà); đền thờ Lê Quý Đôn (Hưng Hà); chùa Trà Giang (Kiến Xương); chùa Đồng Đại (Vũ Thư)…

Nhận xét về anh Nguyễn Khánh Toàn, ông Nguyễn Xuân Biên, Chủ tịch UBND xã Vũ Chính cho biết: Anh Toàn là công dân tiêu biểu của thành phố đã có công lớn đóng góp phục dựng nhiều công trình có giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời. Tấm gương về quyết tâm theo đuổi đam mê của anh Toàn xứng đáng được nhiều người học tập.

 Thu Trang