Thứ 7, 18/05/2024, 22:17[GMT+7]

Tự hào ngôi trường mang tên nhà bác học

Thứ 2, 20/11/2017 | 08:11:17
4,458 lượt xem
Ba năm sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1957, Trường Phổ thông cấp 3 Thái Bình ra đời (tiền thân của Trường THPT Lê Quý Đôn ngày nay) đánh dấu mốc lịch sử của nền giáo dục tỉnh nhà đó là ngành học phổ thông đã hoàn chỉnh đủ ở 3 cấp. Trải qua nhiều giai đoạn, các thế hệ thầy trò nhà trường không ngừng phấn đấu giành kết quả cao trong dạy và học, xứng đáng với ngôi trường được mang tên nhà bác học.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cựu học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn cùng lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo với thầy trò Trường THPT Lê Quý Đôn.

Trường cấp III đầu tiên của tỉnh

Thời kỳ đầu mới thành lập cũng là thời điểm đất nước ta vừa trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp, Thái Bình cùng với cả nước đang gồng mình hàn gắn vết thương chiến tranh đồng thời là hậu phương lớn cho miền Nam đánh Mỹ. Trường lúc đó đặt dưới chân két nước gần nhà thờ thị xã Thái Bình (nay là Trường Tiểu học Lê Hồng Phong), chỉ có 6 lớp: 4 lớp 8, 2 lớp 9, chưa có lớp 10 (hệ phổ thông 10 năm). Học sinh lớp 8 là từ các trường cấp II của các huyện trong tỉnh chọn lên còn học sinh lớp 9 từ Hải Dương và Nam Định chuyển về.

Lớp lớp học trò “cơm đùm, cơm nắm” ánh mắt còn trong veo, bỡ ngỡ bước vào trường học với niềm vui, sự hiếu học, chụm đầu ngày đêm thi đua học tập với sự hướng dẫn giảng dạy nhiệt tình của các thầy cô giáo. Năm 1962, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và các ngành, Trường được chuyển về cơ sở mới (địa điểm của Trường THPT Lê Quý Đôn hiện nay). Từ một số phòng học tạm đơn sơ, vừa dạy vừa học vừa lao động, thầy trò nhà trường cùng với các kỹ sư, công nhân xây dựng ngày đêm, sau một thời gian ngắn trên mảnh đất hoang sơ đã mọc lên 2 dãy nhà khang trang, cao đẹp, cơ bản phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập. Thời kỳ này, kết quả dạy và học của giáo viên và học sinh đã đạt chất lượng cao, hàng năm học sinh tốt nghiệp đều đạt 80 - 85%.


Giai đoạn 1966 - 1972, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá dữ dội miền Bắc, trong đó có Thái Bình, Trường có hai lần phải sơ tán về xã Phú Xuân (lúc đó thuộc huyện Vũ Thư). Thực hiện lời Bác Hồ dạy “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”, trong hoàn cảnh bom đạn ngày đêm rình rập nhưng chất lượng giảng dạy và học tập của Trường vẫn bảo đảm tốt. Cũng trong giai đoạn này, nhiều giáo viên, học sinh Trường cấp III thị xã Thái Bình đã “xếp bút nghiên” khép lại những trang sách, những bài học còn dang dở, khoác ba lô lên đường với khí thế cùng cả nước “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Trong cuộc kháng khiến chống Mỹ cứu nước, nhà trường có hơn 1.700 giáo viên, học sinh tham gia lực lượng vũ trang, chiến đấu trên khắp các chiến trường trong đó hàng trăm giáo viên, học sinh đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, riêng khóa 1965 - 1968 có tới 11 liệt sĩ.

Hòa bình lập lại, cùng với nhân dân cả nước hăng hái thi đua xây dựng cuộc đời mới, giáo viên, học sinh cũng hân hoan bước sang chặng đường mới. Năm 1977, Trường được UBND tỉnh quyết định đổi tên thành Trường Phổ thông cấp III Lê Quý Đôn. Đây cũng là dấu ấn lịch sử bởi trên quê hương Thái Bình đã có một ngôi trường mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn, người con ưu tú kiệt xuất của quê hương Thái Bình. Đến năm 1980, theo hệ thống giáo dục mới, Trường có tên gọi như ngày nay là Trường THPT Lê Quý Đôn.

Xứng đáng cánh chim đầu đàn

Trải qua nhiều giai đoạn đổi mới trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, Trường THPT Lê Quý Đôn luôn là một trong những trường THPT dẫn đầu của tỉnh về chất lượng giáo dục, nhiều năm nằm trong nhóm các trường dẫn đầu về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp, đỗ đại học của cả nước. Những năm gần đây, hòa chung với phong trào của toàn ngành, Trường THPT Lê Quý Đôn tích cực đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới phương pháp kiểm tra thi cử, đánh giá xếp loại giáo viên, học sinh. Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, các phong trào thi đua “Hai tốt”, xây dựng “Trường học thân thiện - học sinh tích cực” được Ban Giám hiệu và các đoàn thể phối hợp thực hiện đạt được những kết quả tích cực. Hiện Trường có 95 cán bộ, giáo viên, 6 tổ chuyên môn, 42 lớp với gần 2.000 học sinh. Trường có Chi bộ gồm 39 đảng viên, các đảng viên trong Chi bộ luôn đoàn kết nhất trí lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ của nhà trường. Công đoàn, Đoàn Thanh niên phối hợp với Ban Giám hiệu làm tốt công tác vận động thực hiện kỷ cương, nền nếp, tổ chức các hoạt động nội, ngoại khóa nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh hình thành phong cách “chăm ngoan - lễ phép - học giỏi - thanh lịch”. Hàng năm, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi đạt trên 85%; xếp loại hạnh kiểm khá, tốt đạt trên 90%; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt trên 99%. Kết quả các đội tuyển học sinh giỏi đồng đội và cá nhân hàng năm xếp thứ hạng cao.

Trong 60 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường đã đào tạo được 60 khóa học với gần 30.000 học sinh. Trong đó có hơn 7.000 học sinh đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng; có hơn 600 cựu học sinh nhà trường là giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ… Phát huy truyền thống của nhà trường, nhiều thế hệ học sinh có ý chí và tinh thần phấn đấu trưởng thành. Nhiều cựu học sinh đã trở thành những cán bộ cao cấp trong các cơ quan của Đảng, chính quyền, đoàn thể ở trung ương và địa phương. Điều đó càng minh chứng Trường THPT Lê Quý Đôn là một trong những cái nôi ươm tài năng cho quê hương, đất nước, mang trí tuệ, công sức cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.




Một số hoạt động của Trường THPT Lê Quý Đôn.

Trong chặng đường 60 năm, thầy trò Trường THPT Lê Quý Đôn đã viết nên những trang sử vẻ vang và truyền thống tự hào. Có được thành tựu và kết quả đó trước hết nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ về nhiều mặt của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, của Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan, doanh nghiệp, trường học. Sự đồng tình, giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ của các bậc phụ huynh học sinh, sự phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh.

Kỷ niệm 60 năm thành lập Trường, có những thầy cô giáo đã đi xa nhưng hình ảnh, những kỷ niệm, những tình cảm thân thương của các thầy cô mà cả cuộc đời sống giản dị, mẫu mực, tâm huyết, hết lòng vì học sinh thân yêu, gắn bó với sự nghiệp giáo dục, với mái trường THPT Lê Quý Đôn còn đọng mãi trong ký ức, tâm khảm, trái tim của bao thế hệ học trò càng làm rạng danh cho truyền thống của nhà trường và tình thầy trò cảm động và tự hào. Đây cũng là nền tảng tạo nên sức mạnh tổng hợp để nhà trường vượt qua những khó khăn, thử thách đưa sự nghiệp giáo dục của Trường không ngừng phát triển. Khẳng định vị thế của một trường có bề dày lịch sử, bề dày truyền thống trong sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà. Mái trường mang tên nhà bác học  Lê Quý Đôn, nhân vật lịch sử tiêu biểu cho trí tuệ Việt Nam - là niềm vinh dự, tự hào đối với các thế hệ thầy trò nhà trường. Trong chặng đường đi tới, thầy trò Trường THPT Lê Quý Đôn quyết tâm đưa sự nghiệp “trồng người” của nhà trường lên một tầm cao mới, xứng đáng là ngôi trường được mang tên danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn, góp phần làm rạng rỡ nền giáo dục tỉnh nhà.

Những phần thưởng cao quý của tập thể, cán bộ, giáo viên nhà trường

- Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2007)- Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1996)- Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1987)- Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1968)- Cờ luân lưu của Chính phủ- Cờ thi đua Nguyễn Văn Trỗi- Cờ luân lưu của Trung ương Đoàn- Cờ luân lưu mang tên Bác- Bằng khen đơn vị xuất sắc của Bộ Giáo dục và Đào tạo- Bằng khen của Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Công đoàn Giáo dục Việt Nam- Đơn vị gương mẫu về mọi mặt của tỉnh; nhiều bằng khen, giấy khen danh hiệu xuất sắc của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo...- 35 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba- 17 Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, hạng Nhì- 10 Huy chương Vì thế hệ trẻ- 152 Huy chương và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo
- 3 nhà giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”.


Vũ Trọng Lâm

(Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn)


Thầy giáo Đào Vĩnh, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn


Vào thăm Trường THPT Lê Quý Đôn những ngày này tôi không giấu nổi niềm xúc động bởi những ngôi nhà cấp bốn xen lẫn nhà tầng thấp bé cùng sân trường lầy lội năm nào nay được “thay da đổi thịt” bằng những dãy nhà cao tầng với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, đội ngũ giáo viên tâm huyết, nhiệt tình. Thành quả ngày hôm nay là sự cố gắng, nỗ lực hết mình của các thế hệ thầy trò. Vì vậy, tôi mong muốn các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh hãy kế thừa và phát huy những truyền thống vẻ vang đó, đưa Trường THPT Lê Quý Đôn trở thành ngôi trường dẫn đầu khối THPT về mọi mặt. Trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Trường, tôi rất vui bởi tại nơi đây tôi được gặp lại những tên tuổi và gương mặt thân quen mà nếu không có cuộc hội trường thì đâu dễ dàng gặp nhau. Trong dịp này, nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động, chương trình tôn vinh quá khứ, tôi thấy đây là một phương pháp giáo dục rất hiệu quả đối với học sinh. Hiểu được quá khứ để thế hệ trẻ hôm nay có định hướng đúng đắn về việc rèn luyện, phát huy những thành quả các thế hệ đi trước đã tạo dựng.

Cô giáo Phạm Thị Sâm, giáo viên môn Ngữ văn


Tôi là cựu học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, nay lại được là giáo viên giảng dạy tại Trường, đây là mơ ước cũng là nguyện vọng lớn nhất của tôi. Thời kỳ chúng tôi đi học còn rất khó khăn, hầu như chỉ học buổi sáng, buổi chiều phụ giúp bố mẹ công việc gia đình, muốn học ở nhà thì phải học vào ban đêm. Lúc bấy giờ cơ sở vật chất nghèo nàn, sách vở, dụng cụ học tập vô cùng thiếu thốn song thầy trò chúng tôi luôn cố gắng thi đua dạy tốt, học tốt. Được chứng kiến sự trưởng thành, phát triển của nhà trường ở cả hai vị trí học sinh và giáo viên tôi thấy rất vui và tự hào. Nhân dịp này, tôi trân trọng gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến các thế hệ thầy cô - những con người mà cả cuộc đời giàu niềm tin và nghị lực vượt khó để gắn bó với tuổi trẻ, với trang sách học trò, với giáo trình, giáo án, với phấn trắng, bảng đen, cần mẫn như con tằm nhả kén, vì sự nghiệp trồng người, cả trong quản lý và giảng dạy để khai tâm, khai trí, tạo dựng cốt cách cho lớp lớp học sinh.

Cô giáo Bùi Thị Kim Tuyến, Bí thư Đoàn Thanh niên


Để góp phần vào sự trưởng thành, phát triển của Trường, bên cạnh việc quan tâm nâng cao chất lượng kiến thức, Đoàn Thanh niên cùng Ban Giám hiệu nhà trường ngày càng chú trọng hơn đến giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật, môi trường, an toàn giao thông, tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề, quốc phòng, an ninh, phòng, chống ma túy, HIV/AIDS. Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và kỷ niệm 60 năm thành lập Trường, ngay từ cuối tháng 9, Đoàn Thanh niên nhà trường đã tổ chức nhiều đợt thi đua như: tiết học tốt, ngày học tốt, tuần học tốt; tổ chức thi văn nghệ, thể thao… Thông qua các hoạt động này không chỉ nhằm giúp gắn kết tình thầy trò, tinh thần đoàn kết giữa học sinh mà còn nhằm giáo dục cho các em về truyền thống của nhà trường, nhân lên niềm tự hào để từ đó các em ra sức học tập, rèn luyện, xứng đáng là học sinh của một ngôi trường có bề dày truyền thống như Trường THPT Lê Quý Đôn.

Em Bùi Quang Vũ, học sinh lớp 10D3


Chúng em may mắn được học tập, rèn luyện dưới mái trường THPT Lê Quý Đôn, một mái trường có bề dày truyền thống với biết bao thế hệ thầy cô tận tụy, hết lòng vì học sinh. Em học ở đây mới chỉ được một thời gian rất ngắn so với chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển song em thấy ngôi trường thân quen như ngôi nhà thứ hai của mình, ngôi trường cho chúng em “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Ngôi trường này đã đào tạo biết bao thế hệ học sinh trưởng thành và vẫn đang tiếp tục là điểm tựa giúp chúng em trưởng thành, vững vàng hơn trong cuộc sống. Tự hào về ngôi trường thân yêu của mình, thế hệ học sinh hôm nay tự hứa sẽ kế thừa và phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, học giỏi, chăm ngoan, sống có ích cho gia đình và xã hội, mang về nhiều thành tích vẻ vang cho nhà trường, góp phần làm rạng ngời Trường THPT Lê Quý Đôn.

Nhóm phóng viên