Thứ 7, 18/05/2024, 08:45[GMT+7]

Ðẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Thứ 2, 27/11/2017 | 09:00:05
574 lượt xem
Từ đầu năm đến nay, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng, lãng phí nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tòa án nhân dân tỉnh báo cáo công tác xét xử án tham nhũng, kinh tế với Ban Pháp chế, HĐND tỉnh.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. 

Ban Nội chính Tỉnh ủy và tổ giúp việc các huyện, thành phố đã thực hiện tốt công tác phối hợp, chủ động tham mưu có hiệu quả với cấp ủy tỉnh, huyện về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; trong đó, đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 18 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. 

Báo Thái Bình, Đài PTTH tỉnh xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đăng tải nhiều tin, bài về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tham gia phát hiện, giám sát việc xử lý và thông tin kịp thời kết quả xử lý các vụ việc, vụ án; phê phán, lên án những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương... Ngoài ra, trên trang thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương, mạng lưới phát thanh, truyền thanh cơ sở cũng tăng cường việc cung cấp thông tin, phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giúp người dân tiếp cận các thông tin về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, từ đó phát huy vai trò giám sát, tố giác các trường hợp tham nhũng. Trong đó, Sở Tư pháp đã tập huấn kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí cho các ngành, các đoàn thể của tỉnh và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở các huyện, thành phố; biên soạn và cấp phát tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Thanh tra tỉnh phổ biến Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng...

Song song với công tác tuyên truyền, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng cũng được triển khai thực hiện tích cực: xây dựng quy định về công tác cán bộ và thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch trong công tác cán bộ ở các địa phương, đơn vị; cấp ủy, chính quyền tăng cường chỉ đạo xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi xảy ra tham nhũng; trao quyền tự chủ về tài chính, biên chế và giao khoán kinh phí hoạt động cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có đủ điều kiện; kê khai minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức; thanh toán tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức qua thẻ ATM...

Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp trong tỉnh đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chi trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức của ngành qua tài khoản đạt tỷ lệ 100%, góp phần minh bạch hóa các khoản thu nhập của cán bộ, công chức và phòng ngừa tham nhũng. Các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ và quan hệ xã hội.

Với việc triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có chuyển biến tích cực. Qua kết quả tự kiểm tra, rà soát và các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội cho thấy không có tình trạng lộng quyền trong quá trình thực thi công vụ. Hoạt động chi tiêu trong các cơ quan, đơn vị đã thực hiện đúng quy chế, chế độ, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lãng phí... 

Từ đầu năm đến nay, qua nguồn tin báo tố giác tội phạm, cơ quan điều tra đã phát hiện 3 vụ, 3 bị can có dấu hiệu tham nhũng (giảm 1 vụ, 2 bị can so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, đã khởi tố vụ Đoàn Thị Dịu, kế toán Trường Mầm non Thái Thủy (Thái Thụy) giả mạo trong công tác; vụ Nguyễn Thị Mận, sinh năm 1957, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng tiểu ban xây dựng nông thôn mới thôn Điềm (xã Hồng An, huyện Hưng Hà) có hành vi gian dối trong việc kê khai, báo cáo diện tích đất, tiền chuyển nhượng đất chiếm đoạt số tiền 40 triệu đồng; vụ Trần Đình Dinh, nguyên Chủ tịch xã Thụy Phong (Thái Thụy) về hành vi làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. Tòa án nhân dân tỉnh đã đưa ra xét xử 4 vụ, 7 bị cáo phạm tội tham nhũng: vụ Phạm Minh Đức, nguyên cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Tiền Hải phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; vụ Bùi Thanh Huyền, nguyên cán bộ văn phòng kiêm thủ quỹ UBND xã An Ninh (Tiền Hải) phạm tội tham ô tài sản; vụ Nguyễn Văn Cột, nguyên Trưởng thôn Bùi Xá (xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản; vụ Trần Bá Hỏi, nguyên cán bộ địa chính và Hà Khắc Kết, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Lễ (Hưng Hà) phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ.

Nguyễn Tùng 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày