Chủ nhật, 19/05/2024, 11:57[GMT+7]

Dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người khuyết tật

Thứ 2, 04/12/2017 | 09:56:18
2,009 lượt xem
Sau hoạt động trợ giúp thường xuyên cho người khuyết tật (NKT), công tác dạy nghề, tạo việc làm được coi là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi trong tỉnh. Thông qua việc phát triển các mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm, những năm qua, hàng nghìn NKT đã có việc làm, thu nhập.

Anh Đặng Văn Tuyến, xã Đông Xuân (Đông Hưng) giúp nhiều lao động có việc làm, thu nhập.

Cơ sở thu mua phế liệu và sản xuất tăm cắm hoa Ánh Tuyến của anh Đặng Văn Tuyến, xã Đông Xuân (Đông Hưng) hoạt động được gần 7 năm. Là NKT song với sự nỗ lực của bản thân, anh đã giúp 20 người có việc làm, thu nhập. Không chỉ người dân địa phương, nhiều NKT cũng đã tìm đến anh để học nghề và làm việc. Theo anh Tuyến, việc sản xuất tăm cắm hoa không khó, NKT chỉ cần tập trung học hỏi là có thể làm được ngay. Với mức thù lao gần 100.000 đồng/người/ngày, NKT có thể tự lo cho cuộc sống của mình, không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Cơ sở của anh Tuyến là một trong những cơ sở hoạt động theo mô hình dạy nghề xen kép dựa vào cộng đồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hai dạng mô hình dạy nghề cho NKT là xen kép dựa vào cộng đồng và dạy nghề tập trung. Nếu mô hình xen kép dựa vào cộng động tạo điều kiện để NKT học nghề truyền thống ngay tại địa phương, vừa tiết kiệm thời gian đi lại, có sự trợ giúp của gia đình thì việc dạy nghề tập trung lại giúp NKT học nghề chuyên sâu hơn. Với đa dạng ngành nghề như may, thêu, mỹ nghệ, đan lát và các mô hình dạy nghề, NKT có thể lựa chọn tùy vào tình trạng sức khỏe, khả năng vận động của mình.

Ông Mai Xuân Trường, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh cho biết: Thái Bình hiện có khoảng 10 vạn NKT, trong đó số người ở độ tuổi lao động chiếm khoảng 60%. Tỷ lệ NKT có khả năng lao động là trên 30% tổng số người trong độ tuổi lao động. Con số NKT có khả năng lao động là khá lớn. Vì thế, để NKT có cơ hội học nghề và làm việc, cùng với chính sách hỗ trợ tài chính và các ưu đãi khác của nhà nước cho các cơ sở dạy nghề cho NKT, với vai trò của mình, Hội đã giới thiệu những người có khả năng lao động tới các tổ chức, cá nhân có cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh. Hàng năm, vào dịp lễ, tết, Hội còn tổ chức gặp mặt các cơ sở dạy nghề, tạo việc làm cho NKT nhằm mở rộng giao lưu và động viên, khích lệ các đơn vị sử dụng lao động là NKT. Bên cạnh đó, cứ 5 năm/lần, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh lại tổ chức biểu dương những tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi, đồng thời mở hội thi tay nghề, tạo sân chơi cho NKT.

Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình dạy nghề, tạo việc làm cho NKT hiện nay còn một số khó khăn. Theo ông Mai Xuân Trường, ở tỉnh ta hiện nay chưa thành lập được hiệp hội sản xuất, kinh doanh của NKT. Nếu thành lập được, đây sẽ là cơ sở điều tiết sản phẩm, phân bổ việc làm cho NKT, tránh tình trạng thiếu, thừa người lao động. Một số doanh nghiệp lớn cũng muốn nhận NKT vào làm việc song do hạn chế trong việc đi lại và điều kiện sức khỏe, NKT không đáp ứng được yêu cầu làm theo ca. Nhiều NKT còn tự ti, mặc cảm, chưa mạnh dạn nắm lấy cơ hội việc làm. Song thực tế cho thấy, với khoảng 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh của NKT được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động và hơn 50 tổ chức, cá nhân tham gia hội viên tập thể Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh, NKT hoàn toàn có cơ hội để học nghề, tạo việc làm, quan trọng là họ có muốn gắn bó lâu dài với cơ sở hay không.

Dạy nghề, tạo việc làm cho NKT là nhiệm vụ xuyên suốt trong hoạt động của các cấp hội nhằm giúp NKT ổn định cuộc sống và góp phần phát triển kinh tế địa phương. Với nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ngành và Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh, nhiều năm qua, Thái Bình luôn được Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu của cả nước về công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày