Chủ nhật, 19/05/2024, 22:10[GMT+7]

Đẹp tươi đảo ngọc

Thứ 3, 12/12/2017 | 08:51:56
728 lượt xem
Từ một hoang đảo trong vịnh Thái Lan, nhờ bàn tay những người lưu vong khẩn hoang đã thành vùng đất giàu có với tên gọi Phú Quốc.

Vẻ đẹp hoang sơ của bãi Sao trên đảo Phú Quốc.

Từ mảnh đất mang nặng đau thương gắn với những cái tên nhà lao Cây Dừa, trại giam Phú Quốc của ngày hôm qua, nay đảo ngọc đẹp tươi đang vươn mình trỗi dậy đón vận hội mới khi được Chính phủ lựa chọn xây dựng đặc khu kinh tế hành chính Phú Quốc (Kiên Giang).

Chúng tôi đến dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Phú Quốc trong một chiều ngập nắng và gió biển. Tọa lạc trên đỉnh đồi của thị trấn Dương Đông, với diện tích hơn 25ha, được bao bọc bởi rừng dương xanh biếc, Nghĩa trang Liệt sĩ Phú Quốc được chia thành 8 khu với 3.305 mộ cá nhân, 3 mộ tập thể, trong đó 1.517 mộ liệt sĩ có tên, rõ quê và không rõ quê, 1.788 mộ thiếu thông tin. Đây là nơi yên nghỉ của những người con hy sinh vì Tổ quốc trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ cùng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Phần lớn các liệt sĩ đang yên nghỉ nơi đây là tù binh cộng sản Việt Nam bị địch bắt, tù đày và hy sinh tại nhà tù Phú Quốc. 

Men theo những lối nhỏ cùng người quản trang, chúng tôi đến thăm nơi yên nghỉ của 102 liệt sĩ quê Thái Bình. Trong làn khói hương mờ ảo, những địa danh quê nhà như Tiền Hải, Vũ Thư, Thái Thụy… tưởng như đã thành thân quen, nay khắc trên bia đá cùng tên những người con quê lúa mãi yên nghỉ trên vùng đất Tây Nam của Tổ quốc sao bỗng trào dâng niềm xúc cảm. 

Quản trang Bùi Văn Cường, quê Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã hơn 20 năm gắn bó với nơi này, ông thuộc từng dòng tên, từng ngôi mộ liệt sĩ chậm rãi chia sẻ: Thái Bình là quê hương giàu truyền thống cách mạng, trong các cuộc kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc đã có hàng chục vạn người tham gia quân đội và có hàng vạn người đã anh dũng hy sinh, công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân người có công, gia đình chính sách được tỉnh thực hiện rất tốt. 

Hơn 100 liệt sĩ quê Thái Bình đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Phú Quốc, tuy xa quê nhưng phần mộ thường ấm khói hương, không hề cô quạnh, ngoài việc chỉnh trang, chăm sóc thường nhật các phần mộ của tổ quản trang và nhân dân địa phương, hàng năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình tổ chức nhiều đoàn vào thăm viếng. 

Cùng di tích quốc gia đặc biệt trại giam Phú Quốc, Nghĩa trang Liệt sĩ Phú Quốc là nơi mãi ghi dấu son chói lọi, minh chứng sinh động về tinh thần yêu nước nồng nàn, tinh thần kiên trung, bất khuất, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Du khách tham quan mũi Dinh Cậu, Phú Quốc.

Sau ngày đất nước thống nhất, người dân nhiều miền quê tìm ra Phú Quốc để khẩn hoang, lập nghiệp, đặc biệt, dưới ánh sáng của công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, những tiềm năng của Phú Quốc từng bước được đánh thức và tỏa sáng. 

Đảo Phú Quốc với diện tích tự nhiên khoảng 56.700ha, là đảo lớn nhất trong quần thể 27 đảo lớn nhỏ trong vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, nằm trong vịnh Thái Lan, thuộc huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Phú Quốc có đường bờ biển dài 150km, 99 ngọn núi, 62% diện tích là rừng nguyên sinh cùng nhiều bãi tắm tự nhiên đẹp nhất Việt Nam như bãi Sao, bãi Dài, bãi Khem… Thời tiết ấm áp, hàng năm, Phú Quốc hầu như không có bão và không chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc. 

Nằm ở vị trí trung tâm giữa các thành phố lớn của ASEAN, với cảnh quan thiên nhiên, vị trí địa lý và chuỗi đảo vệ tinh, đảo ngọc Phú Quốc hội tụ đầy đủ những ưu thế để phát triển thành thị trường du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn đầy tiềm năng trong khu vực và quốc tế, Phú Quốc đang là điểm đến của các nhà đầu tư.

Đến nay, Phú Quốc đã thu hút được 265 dự án đầu tư còn hiệu lực với sự tham gia của nhiều tập đoàn kinh tế lớn như Sun Group, Vingroup, BIM Group, Thaigroup… Trong đó, 197 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 218.000 tỷ đồng, 31 dự án đã đi vào hoạt động, 24 dự án đang triển khai xây dựng, 26 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn 290 triệu USD. Trên địa bàn có 2.310 doanh nghiệp với vốn đăng ký hơn 62.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2005 - 2016, với nguồn ngân sách nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng giao thông Phú Quốc lên tới 25.460 tỷ đồng đã tạo thêm nhiều điều kiện để đảo ngọc kết nối với khu vực và quốc tế. Nhiều công trình quan trọng đã được nâng cấp, xây dựng như cảng biển quốc tế An Thới, cảng hàng không quốc tế Phú Quốc giai đoạn 1, hệ thống đường bộ trục chính Nam - Bắc đảo dài 51,5km, đường quanh đảo dài gần 100km…

Ngày 22/5/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; đặc biệt, ngày 17/3/2017, Bộ Chính trị đã có kết luận đồng ý cho thành lập 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong đó có Phú Quốc đã tạo thêm nhiều điều kiện để viên ngọc quý thêm tỏa sáng. 

Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết: Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển thành khu hành chính - kinh tế đặc biệt, Phú Quốc đang đón nhận vận hội mới, phấn đấu trở thành ngọn cờ đầu về mô hình phát triển mới ở Việt Nam. Tận dụng những lợi thế sẵn có và nguồn lực đầu tư, thời gian tới, Phú Quốc tập trung quy hoạch, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, phát triển thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí đẳng cấp khu vực và quốc tế. Song song với mục tiêu phát triển kinh tế, thu hút từ 2,5 - 3 triệu lượt khách du lịch vào năm 2020, trong đó khách quốc tế chiếm 35%, Phú Quốc cũng đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức người dân, xây dựng Phú Quốc thành huyện đảo xanh - sạch - đẹp. Sự phát triển của đảo ngọc hôm nay có bàn tay của những người con quê lúa Thái Bình đang lặng thầm đóng góp. 

Anh Nguyễn Văn Lượng, quê xã Bình Nguyên (Kiến Xương), hơn 30 năm định cư và kinh doanh ở Ucraina, một lần cùng bạn từ Nga về chơi, mến cảnh mến người nơi đảo ngọc đã quyết định bỏ xứ người xa xôi quay về Phú Quốc lập nghiệp. Gắn bó với mảnh đất Tây Nam đầy nắng gió trên cương vị quản lý khách sạn Gold Hotel và 1 khu vui chơi, anh Lượng chia sẻ: Tuy xa quê nhưng lòng tôi luôn hướng về Thái Bình và luôn tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa để khẳng định những đóng góp của người quê lúa trên đảo ngọc.

Dù tản bộ trên những con phố nhộn nhịp sầm uất luôn tấp nập khách du lịch từ dinh Cậu sang chợ đêm, ngược lên phía Bắc cảm nhận sự yên bình khi đắm mình trong mũi Gành Dầu hay xuôi về phía Nam thăm làng chài cổ Hàm Ninh còn ban sơ mộc mạc ta vẫn gặp vẹn nguyên những nụ cười trên mỗi khuôn mặt người dân mến khách. Trong gió biển thoảng vị cay nồng của hồ tiêu, thơm đậm đà nước mắm, câu ca vọng cổ cất lên ngọt ngào như hẹn khách phương xa một ngày trở lại thăm đảo ngọc:

Phú Quốc bây giờ đang phát triển rất nhanh

Đến đảo ngọc nơi thiên đường đáng sống

Cánh rừng già đang cựa mình sôi động

Việt Nam ơi đất nước đẹp vô cùng.

Trịnh Cường