Chủ nhật, 19/05/2024, 22:06[GMT+7]

Cặp vợ chồng giữ lửa nghề đúc đồng

Thứ 3, 19/12/2017 | 10:24:27
1,301 lượt xem
Nghề đúc đồng vất vả và đòi hỏi người thợ phải dồn hết tâm huyết cho nghề nhưng nó đến và “thấm vào máu” một cách tự nhiên từ ngày ông Ca còn bé xíu cho đến tận bây giờ.

Ông Ca, bà Thiềm tỉ mỉ trong từng khâu để có một sản phẩm đẹp, chất lượng.

Do tác động của nhiều yếu tố, nghề đúc đồng truyền thống của phường thợ Hội Khê, xã Vũ Hội (Vũ Thư) từng nổi tiếng một thời nay dần mai một, tưởng chừng thất truyền. Nhờ lòng say mê, yêu nghề của ông Đỗ Đức Ca và vợ là bà Tống Thị Thiềm mà lửa lò đúc vẫn sáng, không chỉ tạo nên những sản phẩm tuyệt tác mà còn góp phần lưu giữ nghề truyền thống của cha ông.

Nằm ở ven thị, Vũ Hội đổi thay với những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, những cơ sở sản xuất, kinh doanh sầm uất. Khuất trong ngõ sâu, ngôi nhà nhỏ cũng chính là xưởng đúc đồng truyền thống của gia đình ông Ca vẫn ngày đêm đỏ lửa. Ở tuổi gần 70, sức khỏe ông Ca không được tốt nhưng vì trăn trở với nghề ông chưa cho phép mình nghỉ ngơi. 

Giới thiệu những chiếc chiêng đồng, đỉnh đồng cũ kỹ nhưng tinh xảo do chính tay mình đúc từ thời còn trai trẻ, ánh mắt ông sáng lên niềm tự hào. Ông Ca may mắn sinh ra ở làng quê Vũ Hội, nơi có phường thợ đúc đồng Hội Khê nổi tiếng từ xa xưa. Cả phường thợ xưa kia chỉ có vài ba gia đình làm nghề đúc đồng, trong đó từ đời ông, đời cha của ông Ca đã làm nghề. Nghề đúc đồng vất vả và đòi hỏi người thợ phải dồn hết tâm huyết cho nghề nhưng nó đến và “thấm vào máu” một cách tự nhiên từ ngày ông Ca còn bé xíu cho đến tận bây giờ. Thời ấy, đồ đồng chủ yếu là các sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu của các gia đình quan lại, địa chủ như nồi đồng, mâm đồng; sau đó, đến thời bố ông Ca bắt đầu chuyển sang đúc một số đồ như chiêng, thanh la, não bạt, đỉnh đồng, lư hương và nhiều đồ tế khí khác. Nghề đúc nhôm đã vất vả nhưng đúc đồng còn vất vả hơn, ngoài ra còn đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. 

Khâu đầu tiên là làm cốt khuôn, mỗi thợ đúc đồng có một bí quyết làm cốt khuôn khác nhau. Riêng ông Ca tạo ra cốt khuôn bằng cách giã nhuyễn đất sét với giấy bổi và trấu, chỉ cần sờ tay biết độ nhuyễn của cốt là ông có thể biết khuôn có bị co giãn, nứt nẻ khi nung hay không. Cốt khuôn sau khi nhào được đắp, tạo hình sản phẩm, phơi cho se lại, chỉnh sửa từng chi tiết rồi mới đem vào lò. Ngoài tạo cốt khuôn, khâu tạo vỏ khuôn cũng tỉ mỉ không kém bởi đối với đúc đồng, đắp khuôn chính là tạo hồn cho sản phẩm để sau khi đổ nguyên liệu vào nung từng chi tiết nhỏ như cổ, cánh con hạc, vây, mắt con rồng hay hoa, lá… thể hiện trên sản phẩm chân thực, sinh động. 

Cái khó thứ hai của đúc đồng chính là bí quyết pha trộn nguyên liệu để đúc đồng bởi nếu để đồng nguyên chất thì chất đồng dẻo, nước đồng xấu, không thể làm ra các sản phẩm bóng đẹp, âm thanh giòn giã, vang mà trong trẻo của quả chuông hay âm thanh trầm bổng cần có của bộ chũm chọe. Để có được sản phẩm ưng ý, tùy thuộc vào mỗi sản phẩm ông Ca pha chế đồng với nhiều chất liệu, tỷ lệ khác nhau tạo thành hợp kim để đúc sản phẩm. Khâu đúc cũng đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ những thợ đúc đồng có kinh nghiệm lâu năm mới được đảm nhiệm khâu này vì trong quá trình đúc nếu thợ đúc chỉ cần để lọt không khí vào sản phẩm lập tức bị lỗi. Sau khi sản phẩm thô ra lò, người thợ tiến hành đục, chạm, đánh bóng, mài dũa hoàn thiện để sản phẩm bóng, mịn màng và sắc nét các chi tiết. 

Ông Ca chia sẻ: Trước kia, 100% công đoạn đúc đồng đều làm thủ công, đến nay, một số khâu như chà bóng, mài dũa sản phẩm đã có thể áp dụng máy móc kỹ thuật để giảm bớt công lao động cho người thợ. Các khâu còn lại như đúc, làm cốt khuôn… gia đình tôi đều giữ nguyên cách làm thủ công từ thời cha ông truyền lại. Khác với đồ đồng của Đài Loan, Trung Quốc thường có vẻ ngoài bóng đẹp nhưng lại sản xuất rời và bắt ốc vít ở các chi tiết, đồ đồng truyền thống của Hội Khê đòi hỏi phải đúc liền, vì thế các sản phẩm ở đây luôn đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, tinh xảo và bền đẹp hơn, là niềm tự hào của người Hội Khê.

Điều may mắn đối với ông Đỗ Đức Ca đó là ông có người bạn đời, bà Tống Thị Thiềm cùng chung niềm đam mê, gắn bó với nghề đúc đồng. 

Bà Thiềm cho biết: Là người làng Hội Khê nhưng chỉ khi lập gia đình tôi mới biết và học rồi làm nghề đúc đồng truyền thống của gia đình chồng. Nhờ say mê và ham học hỏi, mặc dù là phụ nữ nhưng bà Thiềm có thể đảm nhận được tất cả các khâu, kể cả công đoạn khó như đắp cốt khuôn, nung nguyên liệu… 

Với sự động viên, góp sức của vợ, ông Ca đã vượt qua nhiều khó khăn để duy trì nghề truyền thống. Đến nay, gia đình ông Ca, bà Thiềm đúc được khoảng 15 - 16 sản phẩm mỗi tháng. Dịp cao điểm, ông bà thuê thêm 3 - 5 lao động giúp việc, thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng trở lên/người/tháng. Sản phẩm làm ra thường được thương lái đến tận gia đình nhập hàng để mang đi khắp nơi tiêu thụ, tùy thuộc từng mặt hàng, thông thường 1 - 3 triệu đồng/sản phẩm, có chiếc lư, đỉnh trị giá 5 - 7 triệu đồng/chiếc.

Hàng chục năm trước, phường thợ đúc đồng Hội Khê còn có cụ Bùi Văn Nham làm nghề, nhưng 20 năm qua sức khỏe cụ Nham yếu không thể làm nghề. Đến nay cụ Nham đã mất, ông Ca, bà Thiềm trở thành 2 người cuối cùng còn sót lại của làng biết và duy trì nghề đúc đồng truyền thống. 

Trăn trở với nghề tổ tiên để lại, ông bà mong mỏi và thường vận động con cháu học nghề đúc đồng để nghề có cơ hội được duy trì. Nhưng nghề đúc đồng vất vả, đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng thu nhập lại không cao, vì thế con cháu, thanh niên địa phương không ai chịu làm nghề. Ông Ca, bà Thiềm sức khỏe đã giảm sút nhưng vẫn động viên nhau cố gắng duy trì sản xuất để cố kéo dài thêm những ngày tháng ít ỏi cuối cùng của làng nghề đúc đồng Hội Khê nức tiếng một thời.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày