Thứ 7, 18/05/2024, 18:01[GMT+7]

Chuyển biến tích cực trong tổ chức hội xuân

Thứ 5, 22/03/2018 | 09:16:12
964 lượt xem
Du xuân, trảy hội đầu năm là truyền thống của người Việt. Được tham dự các lễ hội văn minh, lành mạnh, vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh vừa trải nghiệm văn hóa đặc sắc của lễ hội là điều ai cũng mong muốn.

Lễ rước nước tại lễ hội đền Trần Thái Bình.

Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các lễ hội trọng điểm đầu xuân trên địa bàn tỉnh đã kết thúc. Có thể nói, lễ hội đầu xuân năm nay cơ bản diễn ra tốt đẹp, an toàn và tiết kiệm.

Bước vào mùa lễ hội, lượng khách du xuân, trảy hội khá đông nên từ khi các lễ hội chuẩn bị diễn ra các cơ quan chức năng đã có phương án chuẩn bị, bảo đảm cho lễ hội diễn ra an toàn, thông suốt. Các lễ hội khi tổ chức đều thành lập ban tổ chức, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, có phương án quản lý, bảo vệ di tích, có kế hoạch bố trí khu dịch vụ, kinh doanh và các điểm trông giữ phương tiện. Nhờ đó, các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy, nổ, nạn ăn xin, đốt vàng mã, nâng giá các mặt hàng được hạn chế đáng kể.

Là một lễ hội lớn của tỉnh, mở đầu cho mùa lễ hội đầu năm, lễ hội chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư diễn ra vào ngày mùng 4 tháng Giêng năm nay thu hút hàng nghìn lượt du khách tới tham quan. Dù chỉ diễn ra trong một ngày nhưng công tác tổ chức lễ hội được địa phương hết sức chú trọng. Ông Bùi Văn Thương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Vũ Thư, Trưởng ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo cho biết: Lễ hội đầu xuân phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Ngay từ trước tết Nguyên đán, mọi công tác chuẩn bị đã được thực hiện. Ngoài việc sắp xếp khu vực bán hàng, ổn định trật tự các khu vui chơi, giải trí, nơi gửi xe, tại chùa Keo đã xây dựng thêm một số công trình phụ trợ như đường kiệu, sân tam quan ngoại, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh. Năm nay, công tác an ninh được tăng cường nhằm bảo đảm an toàn cho lễ hội.

Cũng là lễ hội quy mô lớn, lễ hội chùa Thiên Quý, xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng nổi tiếng với lễ rước sắc và anh linh thành hoàng 5 làng trong quần thể di tích lịch sử. Đây là hoạt động cộng đồng gắn kết nhân dân 5 làng thuộc 2 xã Đông Xuân, Đông Quang được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Tuy nhiên, việc nhiều làng cùng tham gia tổ chức rước sắc rất dễ xảy ra tình trạng lộn xộn, mất trật tự trong quá trình thực hiện nghi lễ. Lường trước tình hình, trước mùa lễ hội, ban tổ chức đã họp với đại diện 5 làng, thông báo về chương trình tổ chức lễ hội, thống nhất trình tự hành lễ giữa các làng. Nhờ phát huy tính dân chủ, quyền lợi của các bên tham gia đều được bảo đảm, lễ rước diễn ra an toàn, trang trọng, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

Ngoài việc bảo đảm an toàn, lành mạnh cho lễ hội, việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể gắn liền với lễ hội cũng được các địa phương hết sức chú trọng. Lễ hội bơi trải truyền thống trên sông Diêm Hộ được UBND thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) duy trì; hoạt động rước nước trên sông Hồng, cuộc thi làm cỗ cá, gói bánh chưng, thi kéo lửa nấu cơm cần... tại lễ hội đền Trần Thái Bình (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà), hát văn, kéo co, cờ tướng tại lễ hội đền Đồng Bằng (Quỳnh Phụ), múa chèo trải cạn, nấu cơm tại lễ hội chùa Keo (Vũ Thư)... chính là những nét văn hóa riêng biệt thu hút người dân hào hứng tham gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, mùa hội xuân năm nay vẫn còn một số điểm chưa đẹp, ảnh hưởng đến nét văn minh của lễ hội. Ở một số điểm tham quan, ý thức của người phục vụ và tham gia lễ hội còn hạn chế. Việc đốt nhiều vàng mã, đặt tiền không đúng nơi quy định, hiện tượng bói toán, cờ bạc, thương mại hóa dịch vụ phục vụ lễ hội, chèo kéo khách, bán sách tử vi, tướng số, đặt nhiều hòm công đức, tiền giọt dầu, đổi tiền lẻ... vẫn còn diễn ra, điều đó phần nào làm giảm đi tính tôn nghiêm của lễ hội. Hiện tượng xả rác tùy tiện làm mất vệ sinh môi trường vẫn chưa được khắc phục triệt để, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến hình ảnh nơi thờ tự.

Du xuân, trảy hội đầu năm là truyền thống của người Việt. Được tham dự các lễ hội văn minh, lành mạnh, vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh vừa trải nghiệm văn hóa đặc sắc của lễ hội là điều ai cũng mong muốn. Những chuyển biến tích cực của mùa hội xuân năm nay chính là tiền đề cho những năm tiếp theo việc tổ chức lễ hội ngày càng đi vào nền nếp, phát huy giá trị truyền thống, thu hút đông đảo người dân đến tham quan, thúc đẩy hoạt động du lịch tâm linh của tỉnh ngày càng phát triển.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Công tác tổ chức lễ hội đầu xuân năm nay ghi nhận những chuyển biến tích cực, phần lớn các lễ hội đều được tổ chức an toàn, bảo đảm trật tự, phát huy được giá trị đích thực. Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi sai phạm trong tổ chức, quản lý lễ hội. Tăng cường hoạt động quảng bá lễ hội, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi người dân nâng cao ý thức khi tham gia lễ hội để các lễ hội trên địa bàn tỉnh luôn lành mạnh, văn minh, để lại ấn tượng tốt trong lòng du khách.
Em Phùng Thị Xuân, học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định)

Đây là lần thứ hai em đến với lễ hội chùa Keo, em rất ấn tượng với các hoạt động văn hóa dân gian tại đây. Qua việc tiếp cận các hoạt động này chúng em có cơ hội hiểu nhiều hơn về văn hóa, tín ngưỡng của người xưa, trân trọng và nâng cao ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc.
Bà Tô Thị Luyến, xã Cộng Hòa, huyện Hưng Hà

Đầu năm tôi thường cùng gia đình đi dự hội xuân, theo cảm nhận của tôi, các lễ hội trên địa bàn tỉnh những năm gần đây tương đối văn minh, lịch sự, không có nhiều hiện tượng biến tướng hay phản cảm, ý thức tham gia lễ hội của người dân cũng được nâng cao. Theo tôi, nếu khắc phục được một số hạn chế nhỏ thì các lễ hội trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng thu hút du khách thập phương.

Thảo Tiên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày