Thứ 6, 17/05/2024, 10:14[GMT+7]

Xe tự chế vẫn ngang nhiên hoạt động

Thứ 2, 26/03/2018 | 08:40:52
1,799 lượt xem
Mặc dù lực lượng chức năng nhiều lần ra quân xử lý nhưng các phương tiện tự chế, xe lôi, xích lô máy không biển số, không nhãn hiệu, không qua kiểm định an toàn, bị cấm lưu hành hàng ngày vẫn ngang nhiên hoạt động trên nhiều tuyến đường từ thành thị đến nông thôn.

Xe xích lô máy chở hàng đi ngược chiều trên quốc lộ 10, đoạn qua địa phận thị trấn Vũ Thư.

Ông Nguyễn Văn Nam ở phường Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) cho biết: Tình trạng xe tự chế chở vật liệu xây dựng đã tồn tại nhiều năm nay, chúng tôi đã nhiều lần phản ánh, chính quyền có xử lý nhưng rồi đâu lại vào đấy. Điều đáng nói là xe tự chế thường chở hàng nặng, cồng kềnh nhưng độ an toàn lại không cao, xe thường lưu thông cùng với dòng người trên đường nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Một trong những nguyên nhân khiến xe tự chế, xe lôi, xích lô máy hoành hành như hiện nay chính là do nhu cầu thuê phương tiện này trong việc vận chuyển hàng hóa, vật dụng gia đình của một bộ phận không nhỏ người dân. Thay vì thuê người mang vác như trước, giờ đây người dân ở trong ngõ, ngách thường tìm đến chủ nhân của các phương tiện xe tự chế, xe lôi, xích lô máy để vận chuyển vật liệu xây dựng như cát sỏi, sắt thép và đồ dùng sinh hoạt như bàn, ghế... Không chỉ được người dân sử dụng vận chuyển vật liệu xây dựng, tại một số địa phương, các phương tiện tự chế còn được sử dụng làm phương tiện để đưa, đón học sinh, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông... Trước nhu cầu của người dân, xe tự chế, xe lôi, xích lô máy nghiễm nhiên trở thành phương tiện có tính năng hoạt động hữu dụng trong các con ngõ, ngách nhỏ và trên các tuyến đường giao thông nông thôn. Ông Nguyễn Đình Vận ở thôn Kiến Xá, xã Nguyên Xá (Vũ Thư) cho biết: Gia đình tôi đầu tư chiếc xe ba bánh tự chế này từ tháng 9/2016 với số tiền 65 triệu đồng để chở vật liệu xây dựng cho người dân. Mỗi chuyến như vậy chở được khoảng 160 viên gạch ba banh hoặc 0,5m3 cát với khoảng cách 500m thì tôi nhận được 40.000 đồng. Ngoài việc sử dụng để chở vật liệu xây dựng tôi còn dùng để thu gom rác thải cho người dân trong thôn.

Xe tự chế dùng để đưa đón học sinh tại xã An Ninh (Tiền Hải).

Trao đổi với phóng viên, Đại úy Nguyễn Hồng Cường, Đội phó phụ trách Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Tiền Hải cho biết: Những chiếc xe tự chế, xe lôi, xích lô máy là phương tiện do người dân tự lắp ráp, bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật. Việc người dân tự ý đưa loại phương tiện này vào lưu hành, vận chuyển hàng hóa dễ gây nguy hiểm cho người và phương tiện khác khi tham gia giao thông. Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông Công an huyện đã ra quân tuyên truyền, vận động để chủ phương tiện tự giác tháo dỡ phương tiện, đồng thời chuyển đổi sang công việc khác. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm, trong thời gian tới lực lượng chức năng buộc phải tiến hành lập biên bản thu giữ, tổ chức tiêu hủy phương tiện theo quy định của pháp luật.

Xe tự chế hoạt động trên địa bàn huyện Tiền Hải.

Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ quy định: “Từ ngày 1/1/2008, đình chỉ lưu hành toàn bộ xe ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3 - 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu, xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ”. Việc ban hành Nghị quyết số 32 đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ nhằm hướng đến một xã hội bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Để thực hiện nghiêm chủ trương trên, đề nghị chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng cần có biện pháp kiên quyết thực hiện việc đình chỉ lưu hành xe tự chế theo quy định và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng và các địa phương cũng cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động chủ phương tiện và nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ.

Phạm Hưng