Thứ 6, 27/12/2024, 10:24[GMT+7]

Đất và nghề làng Phương La

Thứ 7, 03/05/2014 | 15:44:00
5,755 lượt xem
Làng Phương La (xã Thái Phương, huyện Hưng Hà), hay còn gọi là làng “Mẹo”, sở dĩ có tên gọi làng Mẹo là vì gọi chệch tên làng Ứng Mão tên cổ của làng từ khi mới thành lập, cũng còn một lý do nữa để nhiều người, nhiều nơi gọi làng Mẹo vì người dân của làng có nhiều “mưu mẹo” trong nghề buôn bán tơ lụa từ xa xưa.

Người dân Phương La với nghề dệt truyền thống. Ảnh: Ngọc Linh

 

Như bao làng quê khác ở vùng đồng bằng Bắc bộ, ngoài nghề làm ruộng trồng lúa nước, người dân Phương La còn có nghề dệt lụa, dệt vải. Theo các cụ cao niên trong làng truyền kể lại, thì nghề dệt của Phương La đã có cách đây gần 700 năm.

Ngày xưa người làng Phương La dệt lụa trên khung cửi rất đơn giản, ngoài khung dệt để mắc sợi dọc, còn bao gồm con phượng được treo trên xà nhà, nối với hai bàn đạp, là dụng cụ để mở hai lá go, cho con thoi đưa sợi tơ ngang lao qua lao lại, một ba tăng (cổ truyền gọi là khổ), mỗi khi thoi lao qua, khổ dập vào để đan chặt sợi ngang với sợi dọc.

 

Mỗi ngày một người chỉ dệt được 5 - 6m lụa. Tấm lụa dệt bằng tơ tằm có màu vàng óng, mềm mại, chiều ngang chỉ rộng 30 - 40cm. Lụa dệt xong, người ta đem chuội, để chuội lụa phải dùng mỡ cơm xôi (là loại mỡ lấy từ các mạc treo dính bên cạnh lòng già của con lợn). Ngâm cho mỡ ngấu, lên mùi, sau đó cho tấm lụa vào ngâm, thấu đều, để chừng nửa ngày cho mỡ bám, ngấm vào từng sợi tơ. Vớt tấm lụa ra căng thẳng trên hai đầu néo để phơi. Người ta dùng hai bàn tay, tay trên, tay dưới kẹp tấm lụa vào giữa, rồi xoa đi xoa lại để chất mỡ dính chặt vào mặt lụa, xoa đến khi nào cả tấm lụa nổi màu vàng, bóng lên là được. Chuội lụa là khâu rất quan trọng cho chất lượng tấm lụa. Chuội xong dùng các văng căng đều hai mép tấm lụa (để định hình khổ lụa).

 

Khi lụa đã khô, người ta gấp lại và mang ép qua một đêm để mặt lụa được phẳng, khâu cuối cùng, tấm lụa được cuốn tròn, bọc kín, rồi dùng vồ con hoặc chày đập đều vào, đập đến khi nào thấy tấm lụa mềm, giở ra vẫn giữ được màu vàng nhạt như lông gà con mới nở, đặt bàn tay vào thấy mềm, mát lạnh là được. Bao thế hệ người làng Phương La còn nhớ những năm trước đây cụ Phần Cọc, cụ Hãnh, cụ Triện, cụ Ngành… là những người có tay nghề tài hoa đã dệt nên những tấm lụa tơ tằm đẹp nõn nà, được khách thập phương ưa chuộng.

 

Ngày nay, khung cửi dệt lụa, dệt vải đã được cải tiến, người làng Phương La dệt lụa tơ tằm, dệt đũi, dệt lụa sa tanh bằng máy dệt đạp chân, máy dệt chạy bằng mô tơ điện, một ngày mỗi máy dệt được vài chục mét. Khổ tấm lụa, tấm vải cũng rộng tới 80cm, thậm chí đến 1,2m để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Ðầu thập niên 80 mặt hàng lụa sa tanh, lụa hoa kẻ ô vuông của làng Phương La đã có mặt trên thị trường khắp cả nước, được chị em phụ nữ rất yêu thích, dùng để may quần, may váy và bộ đồ bà ba.

 

Qua năm tháng, nguyên liệu tơ tằm để dệt lụa ngày một hiếm, thị hiếu của người tiêu dùng cũng ngày một thay đổi. Những người mặc quần áo may bằng lụa tơ tằm, bằng đũi bây giờ không nhiều, phần vì nó quá bền, may bộ quần áo bằng lụa tơ tằm, hoặc đũi, phải mặc vài ba năm mới hỏng; phần vì giá thành rất cao, nên người ta chuyển sang mặc hàng vải dệt bằng sợi bông. Kinh tế - xã hội phát triển, nhu cầu sử dụng khăn mặt, khăn ăn, khăn tắm, khăn dùng trong thể thao… ở trong nước và xuất khẩu ngày một nhiều, cả làng Phương La lại chuyển đổi sang dệt các loại khăn bằng sợi bông.

 

Nghề dệt của làng chưa bao giờ phát triển nhanh, mạnh, rộng khắp như hiện nay. Theo ông Ðinh Văn Quang, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn cho biết: Hiện nay làng Phương La có 1.500 hộ gia đình với trên 6.000 nhân khẩu, nhưng làng có tới 2.000 máy dệt công nghiệp và bán công nghiệp. Bình quân mỗi hộ gia đình có một máy dệt, có gia đình có tới hai, ba máy dệt. Ðể đầu tư một máy dệt phải có 4 - 6 triệu đồng, chỉ tính riêng lượng vốn đầu tư cho máy dệt, người dân Phương La đã có số vốn từ 8 - 12 tỷ đồng.

 

Ðể có nguồn sợi bông cung cấp cho máy dệt vải, dệt khăn các loại, mỗi năm làng Phương La tiêu thụ khoảng 2.000 tấn sợi bông. Một máy dệt có nguyên liệu chạy đều, mỗi tháng chủ máy thu lãi từ 3 - 4 triệu đồng, người dệt thuê mỗi tháng cũng kiếm được từ triệu rưỡi đến hai triệu đồng tiền công.

 

Ở làng Phương La, bây giờ ngoài chợ phiên cổ truyền để mua bán, trao đổi nông sản, thực phẩm, còn có phiên chợ bán sản phẩm dệt, đặc biệt chợ lao động. Mỗi ngày có hàng trăm người ở các làng lân cận về nhận việc làm thuê cho dân làng Phương La từ cày, cấy, thu hoạch đến vận hành máy dệt, nhuộm tẩy sợi hoặc máy đầu khăn…

 

Vào những năm từ 1980 đến 1990 của thế kỷ trước, sản phẩm khăn tắm, khăn dùng trong thể thao của làng, được xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Ðông Âu. Nhiều người Việt Namon> đi học tập, lao động, công tác ở Liên Xô khi về nước đã từng mang theo những tấm khăn tắm làm quà kỷ niệm, cứ  tưởng hàng ngoại, đến khi tặng cho bạn bè mới biết hàng được sản xuất từ làng

Phương La.

 

Làng Phương La hiện có hàng chục công ty, tổ hợp chuyên sản xuất các mặt hàng dệt, như công ty Hồng Quân, công ty Thành Công, Hưng Thịnh, Minh Ngọc, Tân Phương và Bình Minh... Mỗi năm các công ty sản xuất, bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu hàng trăm triệu sản phẩm khăn mặt, khăn ăn, khăn tắm và khăn thể thao.

 

Phương La có tổ hợp chuyên sản xuất khăn ăn để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ðể dệt được một chiếc khăn ăn mỗi chiều chỉ dài từ 22 - 25cm, cả chiếc khăn có trọng lượng từ 12 - 15 gam, người ta phải chọn sợi bông nhỏ đều, mang tẩy trắng nõn rồi mới dệt thành khăn, dệt xong, cắt rời từng chiếc, máy các cạnh của khăn lại, dùng bàn là là phẳng đóng gói thành từng chục để xuất khẩu. Giá mỗi khăn ăn từ 15 - 20 cent (một trăm cent bằng một đô la Mỹ) người ta chỉ dùng một lần cho bữa ăn xong là vứt bỏ. Thế mới biết để phục vụ cho ẩm thực cũng rất cầu kỳ, tốn kém.

 

Từ nghề dệt đi lên, tổ hợp Bình Minh của làng dệt Phương La nay đã đổi tên thành Công ty cổ phần có tên khác nhau như Bitexco, công ty cổ phần Bitexco Nam Long, mở hướng kinh doanh nhiều ngành nghề khác như xây dựng, bất động sản, giao thông, thủy điện… với công trình tòa tháp đôi Bitexco tại Mỹ Ðình, Từ Liêm, Hà Nội, và tòa tháp Bitexco có cả sân đỗ máy bay trực thăng, cao nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh như là biểu tượng cho sự ăn nên làm ra của chủ nhân nghề dệt làng Phương La giữa Thủ đô và Sài Gòn hoa lệ.

 

Về làng Phương La hôm nay không còn được nghe tiếng lách cách thoi đưa dệt lụa, dệt vải như ngày xưa, không còn được tắm ở bến sông Cầu Du mỗi trưa hè, không còn được ngồi nghỉ ở văn quán cạnh sân đình ngắm hoa sen, hoa súng nở trong ao Ðình. Muốn vào Ðình làng, vào Ðền nhà Ông thắp nén hương vái Tổ nghề, Tổ đất cũng không còn. Thay vào đó là tiếng rào rào của hàng trăm, hàng ngàn máy dệt công nghiệp, từ đó phát sinh ra tiếng ồn, bụi bông, rác thải của nghề dệt, làm ô nhiễm môi trường của làng. 

 

Diện mạo của làng đang dần được thay đổi, sự giàu có, sung túc cứ hiển hiện ngay trước mắt. Những ngôi nhà xây kiểu biệt thự ngày một nhiều, đường làng, ngõ xóm đã được đổ bê tông, chứ không lát gạch nghiêng như xưa, những xe máy đời mới, ô tô du lịch đắt tiền mà nhiều gia đình đã có, nhưng ta vẫn bâng khuâng như thiếu một thứ gì đó nó đã gắn bó từ thuở ấu thơ. Ước gì tái hiện những địa danh Ðình làng, văn quán, bến nước sân đình, lễ hội rước Thành Hoàng từ  Ðình làng sang Ðền nhà Ông như ngày xưa!

 

Văng vẳng bên tai tôi câu hát “xa xôi trong đời người lã chã hoa gạo, xa thật rồi lã chã hoa gạo”. Giá mà người dân và các đại gia của làng dệt Phương La cùng chung tay góp sức để xử lý môi trường, phục dựng lại các công trình lịch sử, văn hóa của làng; để hội làng lại được mở mỗi năm thì vui biết mấy.  

                   Lê Minh Hoàn

(Quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội)

        

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày