Thứ 7, 18/05/2024, 19:14[GMT+7]

Phối hợp ngăn chặn hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp

Thứ 3, 25/09/2018 | 08:22:40
4,199 lượt xem
Thời gian qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng tham mưu cho UBND tỉnh nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng ngư dân vi phạm các quy định trong khai thác hải sản. Nhờ thế, không có tình trạng ngư dân Thái Bình đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài.

Thành quả trở về sau chuyến vươn khơi của ngư dân huyện Thái Thụy.

Trước mỗi chuyến ra khơi, ông Tạ Đình Hùng, khu 9, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) đều đến Trạm Kiểm soát biên phòng cửa khẩu cảng Diêm Điền (Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Diêm Điền) đăng ký kiểm chứng. Ngoài ra, cuốn nhật ký đánh bắt hải sản cũng là vật dụng đồng hành cùng ông trong suốt quá trình đi biển. 

Ông Hùng cho biết: Được cán bộ biên phòng tuyên truyền về các quy định bắt buộc khi hoạt động đánh bắt hải sản trên biển, tôi luôn chuẩn bị đầy đủ các thủ tục cần thiết, bảo đảm cho chuyến biển an toàn và thắng lợi. Việc đăng ký ra vào bến, địa điểm ngư trường hoạt động của phương tiện để các ngành chức năng quản lý đối với ngư dân và giúp cơ quan chức năng theo dõi nguồn gốc khai thác hải sản, vùng biển, nhật ký đánh bắt, sản lượng đánh bắt và phân loại hải sản. Cùng với đó, việc làm này còn giúp việc cứu hộ, cứu nạn khi ngư dân gặp nạn trên biển được kịp thời, nhanh chóng. Việc ghi nhật ký, chứng minh nguồn gốc hải sản, ngư trường đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngư dân phát triển nghề khai thác hải sản theo hướng bền vững.

Không chỉ có ông Tạ Đình Hùng mà hầu hết các chủ phương tiện khai thác trên địa bàn tỉnh, nhất là các chủ phương tiện đánh bắt xa bờ đều tuân thủ quy định đăng ký kiểm chứng và ghi nhật ký khai thác hải sản. Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc tích cực của các đơn vị BĐBP trên địa bàn hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Thực hiện Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của ủy ban châu âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, các đơn vị đã phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền tại các xã, thị trấn ven biển để thông tin cụ thể những nội dung, quy định về hành nghề trên biển đối với các ngư dân và các hộ gia đình có người thân tham gia hành nghề trên biển, qua đó từng bước nâng cao vai trò, trách nhiệm trong hoạt động khai thác hải sản trên biển.

Đại tá Nguyễn Văn Thúy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 1.239  tàu thuyền/3.608 ngư dân làm ăn trên biển, trong đó có 262 tàu cá công suất trên 90CV đánh bắt xa bờ. Cùng với tuyên truyền để ngư dân trong tỉnh chấp hành các quy định khi đánh bắt hải sản trên biển, không vi phạm vùng biển nước ngoài, không đánh bắt, khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi hải sản, BĐBP tỉnh còn thường xuyên theo dõi, nắm tình hình và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm các quy định trong khai thác nguồn lợi hải sản trên biển; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt tàu cá, đặc biệt đối với tàu đánh bắt xa bờ.

Cán bộ Trạm Kiểm soát biên phòng cửa khẩu cảng Diêm Điền kiểm tra giấy tờ của chủ phương tiện trước khi xuất cảng.

Đến nay, BĐBP tỉnh đã phối hợp tổ chức trên 20 lớp tập huấn, tuyên truyền những quy định của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp; hướng dẫn ghi nhật ký khai thác, công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm khai thác cho hơn 1.000 lượt chủ tàu và ngư dân ba huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương. Ngoài ra, các đơn vị còn cấp phát tờ rơi, 300 sổ nhật ký khai thác hải sản và tổ chức cho 519 chủ tàu ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản.

Để thực hiện mục tiêu sớm đưa thủy sản Việt Nam thoát khỏi “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu cần có sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương duyên hải trong cả nước. 

Trung tá Phạm Tiến Luật, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Lân cho rằng: Cùng với tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản trên biển thì cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực khai thác hải sản nói chung, khai thác trái phép trên vùng biển nước ngoài nói riêng. Đối với địa bàn đơn vị quản lý, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với Chi cục Thủy sản tổ chức tuần tra, kiểm tra trên tuyến, qua đó đã bắt, xử lý nhiều vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về khai thác nguồn lợi hải sản. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không có sổ nhật ký khai thác hải sản, không trang bị đầy đủ thiết bị cứu sinh, không ghi nhật ký khai thác hải sản, sử dụng lưới cá có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, không có văn bằng hoặc chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên... 

Điển hình trong tháng 8/2018, trong quá trình tuần tra, kiểm tra liên ngành giữa Đồn Biên phòng Cửa Lân, Đồn Biên phòng Trà Lý và Chi cục Thủy sản, các đơn vị đã phát hiện, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với các chủ phương tiện gồm: Nguyễn Văn Dũng, Phạm Văn Tình, Đoàn Xuân Định và Nguyễn Văn Điều, đều trú quán tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Các chủ phương tiện đã vi phạm việc sử dụng tàu cá khai thác hải sản không trang bị thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát, cứu sinh trên tàu cá theo quy định. Tổ công tác đã buộc dừng khai thác, phạt 9 triệu đồng đối với chủ phương tiện.

Đại tá Nguyễn Văn Thúy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết thêm: Đơn vị đã quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 5076 của Bộ Tư lệnh BĐBP về triển khai thực hiện Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ đến 100% đơn vị, cơ quan trực thuộc BĐBP tỉnh. BĐBP tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tiếp tục siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát phương tiện tàu cá tại các cảng cá, bến cá trước khi tàu thuyền xuất bến; đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ tàu thuyền tự quản trong việc gắn kết, nhắc nhở nhau khi đánh bắt hải sản.

Tất Đạt 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày