Thứ 6, 17/05/2024, 11:23[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới ở Cần Giờ

Thứ 5, 27/09/2018 | 08:59:48
701 lượt xem
Cách trung tâm thành phố khoảng 70 km về hướng đông nam, Cần Giờ là huyện ven biển duy nhất của thành phố Hồ Chí Minh. Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Cần Giờ đã tận dụng những lợi thế về du lịch, nuôi trồng thủy sản cùng với các nguồn lực khác để hôm nay, vùng đất này đã có những khởi sắc, từng bước nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Học sinh xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ có điều kiện học tập tốt hơn khi các điểm trường được xây dựng ngay trên đảo.

Những đổi thay

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về việc chung tay hỗ trợ các huyện ngoại thành còn khó khăn trong Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn
2017 - 2019, những năm qua, nhiều quận, huyện, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều chương trình, hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho Cần Giờ trong nhiều lĩnh vực như: đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ vật tư xây dựng giao thông nông thôn, hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện phục vụ cho các hộ sản xuất. Ðáng chú ý là hỗ trợ thi công hệ thống đèn chiếu sáng khu vực Công viên Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn; thực hiện sáu tuyến đường giao thông nông thôn; xây dựng và sửa chữa hơn 100 nhà tình nghĩa, nhà tình thương; hỗ trợ vốn để trang bị chăn nuôi, phương tiện sản xuất; thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo;... Chủ tịch UBND xã An Thới Ðông Nguyễn Văn Nam cho biết: "Bên cạnh sự nỗ lực của huyện Cần Giờ, sự chung tay của các đơn vị, doanh nghiệp đã tạo thêm động lực để cán bộ, nhân dân phấn đấu hoàn thành sớm các chỉ tiêu đề ra, qua đó nâng cao hơn nữa chất lượng sống của người dân trên địa bàn huyện".

Trở lại xã Thạnh An vào những ngày gần đây, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay ở xã đảo duy nhất của TP Hồ Chí Minh. Trong vài năm, cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự chung tay hỗ trợ của các doanh nghiệp, đơn vị, Thạnh An đã xây dựng được mô hình du lịch "phượt" thu hút du khách, nhất là giới trẻ. Theo UBND xã Thạnh An, mỗi tuần có khoảng 600 đến 700 khách đến du lịch ở xã đảo này. Ðiều đó đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trên đảo. Từ tháng 4-2016, nhờ có hệ thống điện lưới quốc gia kéo về, đời sống của người dân ở đây cũng đã có rất nhiều đổi khác. Bên cạnh việc mua sắm trang thiết bị phục vụ sinh hoạt, nguồn điện ổn định còn giúp người dân đầu tư mở rộng diện tích nuôi hải sản cho thu nhập ổn định. Ðứng trong ngôi nhà mới do ngành điện thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ xây dựng, bà Trần Thị Kim Liên, ngụ ấp Thiềng Liềng xúc động cho biết: "Hôm cán bộ xã cùng đoàn xuống khảo sát tôi mừng muốn khóc. Bao năm sống trong căn nhà cũ nát, thương mấy đứa nhỏ lắm. Giờ có nhà mới các con tôi sẽ có điều kiện tốt hơn để học hành đàng hoàng". Theo thống kê của UBND xã Thạnh An, toàn xã hiện còn hơn 250 hộ nghèo. "Với đà này, chúng tôi phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn khoảng 12% trong vài năm tới (hiện nay gần 20,78%)", Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An Ðặng Hoàng Sơn khẳng định.

Với xã Lý Nhơn, sự quyết tâm, ủng hộ của chính quyền địa phương đã giúp vùng đất vốn được biết đến là "không điện, không nước sạch" khoác lên mình mầu áo đầy sức sống. Qua giai đoạn một thực hiện, Lý Nhơn được công nhận là xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Cần Giờ. Ðáng chú ý, người dân đã hiến đất với tổng diện tích khoảng 250.000 m2 để xây dựng hạ tầng. Nhiều hộ dân hiến đất để làm công trình giao thông mà không nhận tiền đền bù. Ðến nay, hơn 90% số dân có nhà cửa khang trang...

Nỗ lực vượt khó

Có thể nói, qua hai năm triển khai xây dựng nông thôn mới (2015 - 2017), đời sống người dân Cần Giờ đã có nhiều thay đổi tích cực. Thu nhập bình quân năm 2017 đạt 43,78 triệu đồng, tăng 1,14 lần so với năm 2015. Con số này so với mặt bằng chung của thành phố là thấp nhưng với một địa bàn còn khó khăn, đó là một bước tiến đáng ghi nhận. Theo Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, với quyết tâm của mình, huyện sẽ duy trì và nâng cao chất lượng những tiêu chí chính về điện, an ninh trật tự xã hội, giáo dục,… để làm tiền đề xây dựng thành công các tiêu chí khác.

Trong quá trình thực hiện nông thôn mới, Cần Giờ đang nỗ lực vượt qua những khó khăn như: hạ tầng giao thông xuống cấp nhanh do nền đất của huyện yếu; các mô hình sản xuất vẫn chủ yếu là hộ gia đình nhỏ lẻ, cơ sở sản xuất nhỏ, tính liên kết giữa các mô hình chưa có, nhất là việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến không đáng kể. Ðiều này khiến các địa phương của huyện chưa thể "bứt tốc" trong phát triển kinh doanh, sản xuất. Trong khi đó, với thế mạnh là nuôi trồng thủy, hải sản nhưng hiện Cần Giờ vẫn chưa có những mô hình nuôi trồng, sản xuất quy mô lớn để kết nối với các địa phương khác; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất tuy đã được chú trọng đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho sự phát triển.

Ðể nâng cao chất lượng Chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Ðề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giờ giai đoạn 2016 - 2020. Ðề án nêu rõ, Cần Giờ cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016 - 2020. Huyện cần khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch sinh thái, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, bền vững; ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập của nhân dân, giảm nghèo bền vững; phát huy các giá trị văn hóa tinh thần, bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng huyện Cần Giờ văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Huyện phấn đấu đến năm 2020 có 6/6 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí đặc thù vùng nông thôn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020; đến năm 2020, huyện Cần Giờ được Trung ương công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

Theo: nhandan.com.vn