Thứ 5, 23/05/2024, 05:05[GMT+7]

An Ninh: Địa chỉ đỏ cho giáo dục truyền thống

Thứ 7, 13/10/2018 | 10:34:02
5,461 lượt xem
Năm 2001, xã An Ninh (Tiền Hải) là một trong những xã đầu tiên của tỉnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Trong thời kỳ đổi mới, xã nhanh chóng vươn lên trở thành điển hình mới về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, đây là xã có nhiều dòng họ sản sinh ra những người con lỗi lạc, trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục cho các thế hệ về những truyền thống tốt đẹp.

Nhà thờ họ Trần (Trình Trung, xã An Ninh) luôn là chỗ dựa vững chắc về tinh thần, tạo thêm nguồn sức mạnh đoàn kết cho con cháu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Mảnh đất địa linh

Làng Trình Phố (nay là xã An Ninh, Tiền Hải) còn có tên là làng Trình Phả, Trình Giang, đến thời Pháp thuộc, do đông vui như phố xá nên đổi tên là Trình Phố. Trình Phố không phải là một làng cổ nhưng nơi đây ghi đậm dấu ấn của một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ. Đặc trưng của Trình Phố là không có cư dân bản địa, họ từ nhiều địa phương, gồm nhiều nguồn gốc di cư, quần tụ đến nơi đây, lập nên xóm làng. Làng Trình Phố hiện có ba thôn: Trình Trung, Trình Nhất và Trình Nhì. Cùng với quá trình bồi đắp của phù sa, Trình Phố ngày nay cách xa biển hàng chục ki-lô-mét nhưng thời xưa kia, làng chính là vùng cửa biển. Dấu tích của một thời làng từng là nơi đầu sóng ngọn gió vẫn còn đến ngày nay với các địa danh: cây đa bến Chài (nơi ban đêm ngư dân về đây neo thuyền, phơi lưới); gò Hến (ngao, sò, ốc, hến tấp thành gò, đống)… 

Về dân cư, gia phả các dòng họ trong làng đều ghi lại rằng: năm Bính Ngọ đời Hồng Đức 17 (1480), vua Lê Thánh Tông sai Trấn Lộ tướng quân Lê Đình Ngạn (Chu Ngạn) ra trấn giữ cửa bể Đông, đóng đồn tại Kỳ Bố hải khẩu (thành phố Thái Bình bây giờ). Trong một lần tuần du, Chu Ngạn phát hiện ra vùng đất phù sa màu mỡ nhô lên giữa trời nước, không có dân cư sinh sống. Ông tâu với vua, xin đứng ra chiêu dân lập ấp. Được chỉ dụ, Lê Đình Ngạn về quê (vùng Hậu Lộc, Thanh Hóa) chiêu tập các dòng họ mà người đứng đầu là các quan võ từng đánh Nam, dẹp Bắc vừa hồi hưu, đi khai phá vùng đất mới. Cùng lúc đó có các cuộc di dân khi lẻ tẻ, khi ồ ạt từ vùng thượng du và trung du phía Bắc, từ Thanh Nghệ - Tĩnh, từ Nam Định, Hải Dương và từ vùng Đông Triều (Quảng Ninh) về Thái Bình. Luồng dân cư lớn cuối cùng đến sinh sống trên đất Thái Bình diễn ra vào những năm hai mươi của thế kỷ XIX. Như vậy, có thể nhận thấy một đặc điểm nổi bật của cư dân Trình Phố phân chia thành hai tầng lớp khá rõ rệt: một bộ phận xuất thân là những người nghèo khó đi tìm mảnh đất mới để kiếm kế sinh nhai; bộ phận khác là những người có gốc gác từ dòng dõi thế gia lệnh tộc, tổ tiên là những người được phong thực ấp, thái ấp ở địa phương. Nhưng dù xuất thân từ nguồn gốc nào, trong cuộc sống, họ vẫn luôn đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau và quần tụ thành các xóm làng trù phú với các dòng họ lớn như Chu, Trần, Bùi, Phạm, Ngô, Đỗ…

Trình Phố còn là làng nổi tiếng với nhiều người đỗ đạt. Đến triều Nguyễn, tuy mới được lập nhưng làng đã có 1 trong số 2 tiến sĩ (Ngô Quang Bích và Trần Xuân Sắc); 3 người (Bùi Bổng, Bùi Viện, Nguyễn Đức Trạch) trong 13 cử nhân của huyện. Từ thời xưa đã lưu truyền trong dân gian miền Sơn Nam hạ câu ca: “Trình Phả có mả làm quan” như minh chứng cho tinh thần hiếu học của người dân Trình Phố, khẳng định đây là mảnh đất địa linh.

Sản sinh nhân kiệt

Người xã An Ninh, dù sinh sống tại bản địa hay lập nghiệp nơi xa luôn đau đáu nỗi niềm về nơi chôn rau cắt rốn và luôn tự hào về mảnh đất quê hương là chiếc nôi sản sinh ra các danh nhân, sĩ phu yêu nước, chiến sĩ cộng sản nổi tiếng, trong đó phải kể tới Bùi Viện và Vũ Trọng.

Bùi Viện (1839 - 1878), hiệu là Mạnh Dực, sinh ra ở làng Trình Phố, tổng An Bồi, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay là xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Bùi Viện đỗ tú tài năm Giáp Tý (1864), đỗ cử nhân năm Mậu Thìn (1868) nhưng không đỗ tiến sĩ. Bùi Viện được đánh giá là một nhà canh tân lỗi lạc kiêm nhà kinh tế, ngoại giao của Việt Nam cuối thế kỷ XIX. Ông là nhà ngoại giao đầu tiên trong lịch sử nước ta sang Mỹ và đã hai lần gặp Tổng thống Mỹ. Lần thứ nhất vào năm 1874, Bùi Viện đã gặp Tổng thống Ulysse Simpson Grant nhưng vì ông không mang theo quốc thư nên hai bên không thể có một cam kết chính thức. Năm sau (1875), Bùi Viện cầm đầu đoàn sứ bộ mang quốc thư trở lại Mỹ. Nhưng lần đi này, tình hình thế giới đã biến chuyển bất lợi cho nước ta, Mỹ thay đổi chính sách nên Tổng thống Grant từ chối viện trợ cho Việt Nam chống Pháp. Bùi Viện đành tay không trở về Tổ quốc. Sau khi về nước, Bùi Viện đề xuất với vua Tự Đức một tư tưởng canh tân đất nước táo bạo. Cùng thời với ông, trào lưu đòi canh tân của nhiều chính khách có tên tuổi như Trần Tiễn Thành, Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch đều không được thực thi. Riêng các đề nghị canh tân của Bùi Viện ít lý luận, giàu thực tiễn, hiệu quả nhanh, nên tuy không có bề rộng như các ông trên lại được vua Tự Đức cho thực hành. Chỉ với 200 binh phu trung thành, ông tổ chức khơi sông, vượt thổ, đặt nhà thương điếm, xây công sở… đặt nền móng cho việc mở thương cảng Hải Phòng. Bằng tài trí hơn người, chỉ trong vài tháng ông đã xây dựng được 2.000 quân Tuần dương, 200 thuyền lớn trang bị đầy đủ vũ khí, giải tán được bọn hải phỉ người Thanh, bảo đảm an ninh trên biển, bảo hộ cho các thuyền buôn. Bùi Viện còn lập ra “Chiêu dương thương cục”. Đây là công ty buôn lớn tổ chức việc buôn bán giữa Việt Nam và Trung Quốc, sản phẩm trao đổi chủ yếu là bán nông thổ sản và mua về hàng gốm sứ, tơ lụa,… Tuy nhiên, những ý tưởng canh tân táo bạo của Bùi Viện mới thực hiện được chưa đầy 10 năm thì ông đột ngột từ trần ở tuổi 40 tràn đầy nhiệt huyết.

Trình Phố còn tự hào là nơi chi bộ Thanh niên đầu tiên của Thái Bình được thành lập vào đầu năm 1927 với 7 hội viên do đồng chí Vũ Trọng (Trình Phố) làm Bí thư. Việc vận động, xây dựng, thành lập tổ chức này gắn liền với công sức, tài trí của người cộng sản Vũ Trọng, sau khi ông tham dự lớp huấn luyện của Tổng bộ Thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc). Dưới sự lãnh đạo của ông, tổ chức Thanh niên đã phát triển nhanh chóng, năm 1928 có 27 hội viên, cuối tháng 6/1929, tổ chức Thanh niên đã có 13 cơ sở ở 12 làng với 120 hội viên. Tháng 3/1928, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ phụ trách phong trào Kiến Xương - Tiền Hải. Sự ra đời và hoạt động của tổ chức Thanh niên và các tổ chức quần chúng đã tạo nên sự chuyển biến quan trọng trong phong trào cách mạng ở Tiền Hải mà điển hình là cuộc biểu tình ngày 14/10/1930. Ngày đó, xã Trình Phố - chiếc nôi của phong trào cách mạng Kiến Xương và Tiền Hải được giao nhiệm vụ vận động quần chúng tham gia; tổ chức treo cờ diễn thuyết tại chợ huyện; phá cống để cản xe địch; bắt giữ bọn địa chủ, cường hào địa phương… Mặc dù bị kẻ thù khủng bố, đàn áp dữ dội, nhưng Chi bộ Trình Phố vẫn lãnh đạo quần chúng duy trì, phát triển phong trào đấu tranh cách mạng. Ngày 21/8/1945, nhân dân Trình Phố tay cầm búa, cuốc xẻng... tập hợp về An Bồi (phủ Kiến Xương) mít tinh, biểu tình, treo cờ, đánh đổ bọn địa chủ cường hào gian ác địa phương, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Những tháng ngày đấu tranh cách mạng, những tấm gương của các bậc tiền nhân đã tôi luyện cho Đảng bộ và nhân dân xã An Ninh bản lĩnh chính trị vững vàng để bước vào thời kỳ đổi mới. Là xã đầu tiên của Tiền Hải hoàn thành xây dựng nông thôn mới, vùng quê cách mạng Trình Phố - An Ninh ấy đã và đang chuyển mình vươn lên với sự nỗ lực, đoàn kết của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo nên gạch nối sống động giữa quá khứ và hiện tại về một miền quê anh hùng.

" Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân xã An Ninh đã tiễn đưa hơn 1.250 con em lên đường nhập ngũ; 268 người anh dũng hy sinh; 69 người là thương binh; 32 người là bệnh binh và bị nhiễm chất độc hóa học. Toàn xã có 101 lão thành cách mạng; 36 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 165 cựu thanh niên xung phong; hàng nghìn quân nhân đã hoàn thành nhiệm vụ.

Từ năm 1965 đến năm 1975, An Ninh đã thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước và gửi ra tiền tuyến hơn 5.000 tấn lương thực, 450 tấn thực phẩm, trên 10.000 tấn gia cầm."

Phan Lợi 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày