Chủ nhật, 19/05/2024, 21:50[GMT+7]

Phát triển công nghiệp ở Nguyên Xá

Chủ nhật, 09/12/2018 | 16:39:36
1,154 lượt xem
Xã Nguyên Xá (Vũ Thư) là một trong những địa phương phát triển mạnh nhất của huyện Vũ Thư về lĩnh vực công nghiệp, làng nghề. Nhờ đó đời sống thu nhập của người dân ngày càng nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Lãnh đạo Công ty TNHH Hương Liên kiểm tra sản phẩm.

Ông Hoàng Văn Khảng, Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá cho biết: Trước đây Nguyên Xá có nghề mây tre đan truyền thống, song do xu thế phát triển nên nghề mây tre đan ngày càng bị thu hẹp, thay vào đó nhiều nghề mới phát triển. Trước tình hình đó, năm 2008 Đảng ủy, chính quyền xã quy hoạch xây dựng điểm công nghiệp làng nghề với mục đích đưa các cơ sở sản xuất trong khu dân cư ra ngoài, kích thích, tạo điều kiện cho các cơ sở phát triển. Ngoài ra, xã còn đầu tư hạ tầng, điện, đường tạo điều kiện phát triển nhất cho các cơ sở sản xuất trong xã đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, tham quan các mô hình phát triển kinh tế ở trong và ngoài tỉnh. Từ đó nghề mộc, nghề may ở Nguyên Xá đã phát triển mạnh góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Hiện nay, toàn xã có 365 hộ làm tiểu thủ công nghiệp với trên 2.000 lao động tham gia làm nghề, có 3 công ty may thu hút 1.000 lao động, 2 công ty, 5 cơ sở sản xuất kinh doanh đồ gỗ và hàng trăm gia đình có quy mô sản xuất từ 3 - 7 công nhân. Việc phát triển cụm công nghiệp ở địa phương đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, đưa những ngành nghề sử dụng nhiều lao động về nông thôn, giảm nhẹ gánh nặng cho người lao động trên thành phố. Đặc biệt, đối với địa phương có doanh nghiệp dệt may đứng chân, sẽ giải quyết hiệu quả vấn đề việc làm cho lao động nông thôn, là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Với chủ trương đó, kết quả tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp những năm qua của Nguyên Xá chiếm 65% tổng giá trị sản xuất của xã, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 62%, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,23%, thu nhập bình quân đạt 42 triệu đồng/người/năm.

Ông Bùi Đình Trọng, Giám đốc Công ty TNHH Hương Liên cho biết: Năm 2014, Công ty chính thức đầu tư về cụm công nghiệp xã Nguyên Xá trên diện tích 7.000m2 với tổng nguồn vốn trên 50 tỷ đồng. Hiện tại, Công ty tạo việc làm cho trên 400 lao động với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Công ty luôn duy trì thực hiện các chế độ cho công nhân đầy đủ như lương cơ bản, chuyên cần, xăng xe, nuôi con nhỏ, nhà ở, thời tiết. Do đó Công ty đã không phải đào tạo mới cho quá nhiều công nhân mà hầu hết đã thu hút được lực lượng lao động trên thành phố về làm. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay vẫn là nguồn lao động, bởi quy mô nhà máy cần tới 1.000 công nhân nhưng tới nay mới chỉ đáp ứng được 40%, nhà máy xây dựng 14 chuyền may nhưng mới chỉ có 7 chuyền đi vào hoạt động. Công ty phấn đấu năm 2018 đạt doanh thu 80 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái.

Công nhân Trần Thanh Hiền, xã Minh Khai tâm sự: Sau khi không thi đỗ đại học em xác định xin ngay vào công ty ở quê để làm. Với điều kiện môi trường làm việc như ở Hương Liên em thấy rất phù hợp vừa được làm ở gần nhà, gần bố mẹ mà vẫn có thu nhập ổn định. Dù không thi đỗ đại học nhưng nhờ có công ty em đã có thể tự nuôi được bản thân mình, không sống dựa vào bố mẹ, tự lập về kinh tế ngay từ năm 18 tuổi. Công nhân Phạm Thị Hoài cũng cho biết: Sau nhiều năm làm công ty dệt sợi trên thành phố tôi đã quay về quê làm ở công ty may. Cùng là doanh nghiệp nhưng làm ở thành phố phải xa nhà, không có nhiều điều kiện thuận lợi bằng làm trong các doanh nghiệp ở quê vì chúng tôi cũng được hưởng đầy đủ chế độ cho người lao động, được hỗ trợ tiền xăng xe, nuôi con nhỏ, chuyên cần... Mặc dù làm ở quê nhưng đến nay tôi đã hoàn toàn thoát ly đồng ruộng, không còn cấy lúa vì thu nhập của cả gia đình đều rất ổn định từ ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nhất là nghề may.

Hầu hết người lao động trong độ tuổi lao động ở Nguyên Xá đều có việc làm ổn định trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh

Không chỉ các lao động trẻ mà với những người tuổi đã cao nhưng cũng tìm được việc làm ổn định ở ngay tại quê, cô Bùi Thị Thuyên cho biết: Đã 53 tuổi nhưng chưa bao giờ tôi thấy an tâm, thỏa mãn và vui vẻ như bây giờ vì có việc làm ổn định ngay tại địa phương. Ở tuổi này tưởng chừng như rất khó kiếm được một việc làm tử tế và ổn định nhưng may mắn giờ lại có nhiều doanh nghiệp về làng để người lao động lựa chọn. Tôi đã làm cho Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Khởi Tiếp trong cụm công nghiệp của xã từ 3 năm nay, so với trước đây chỉ làm quanh quẩn ở nhà chăn nuôi mấy con lợn, con gà thì nay hàng ngày chỉ cần đánh giấy ráp vệ sinh hàng hóa ở doanh nghiệp đã cho thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/tháng.

Để công nghiệp, làng nghề ở Nguyên Xá phát triển bền vững, thời gian tới xã tiếp tục thu hút đầu tư, nâng cấp các hộ sản xuất kinh doanh thành lập doanh nghiệp đồng thời phối hợp với huyện, sở, ngành đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp ở địa phương.

Thu Thủy


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày