Thứ 7, 18/05/2024, 11:18[GMT+7]

Hoạt động hiệu quả, an toàn, chất lượng

Thứ 7, 29/12/2018 | 09:52:17
877 lượt xem
Năm 2018, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, ngành Ngân hàng Thái Bình vẫn hoạt động hiệu quả, an toàn, chất lượng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh kiểm tra công tác quyết toán ở Phòng Kế toán - Thanh toán.

Năm 2018 ghi dấu thành công của ngành Ngân hàng với nhiều kết quả nổi bật: tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn đạt gần 64.000 tỷ đồng, tăng 20% so với thời điểm 31/12/2017; tổng dư nợ cho vay đạt hơn 51.000 tỷ đồng, tăng 16% so với thời điểm 31/12/2017; doanh số thanh toán qua ngân hàng đạt 758.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2017; doanh số mua bán ngoại tệ tăng 32,5%, doanh số thanh toán xuất nhập khẩu qua ngân hàng tăng 20,9% so với năm 2017. Nét nổi bật trong hoạt động ngân hàng năm 2018 đó là mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh không ngừng mở rộng, góp phần phục vụ kịp thời nhu cầu của nhân dân trong việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng. Trong năm, trên địa bàn tỉnh có 3 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần thành lập mới, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh thực hiện chia tách thành 2 chi nhánh cấp tỉnh, từ đó nâng tổng số ngân hàng đang hoạt động lên 23 ngân hàng. Các TCTD đã thành lập 8 chi nhánh cấp huyện và khu vực I, 90 phòng giao dịch, 1 quỹ tiết kiệm, 48 quỹ tín dụng nhân dân mở rộng địa bàn sang 72 xã liền kề với trên 542 điểm giao dịch của TCTD, Ngân hàng Chính sách xã hội hoạt động tại trung tâm tỉnh, các huyện, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nơi tập trung dân cư, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh; mạng lưới các TCTD đã cơ bản phủ kín đến các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, đáp ứng tương đối nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế và nhân dân.


Công tác đầu tư tín dụng nền kinh tế tăng trưởng khá ngay từ những tháng đầu năm cũng tạo nên điểm nhấn quan trọng cho hoạt động của ngành Ngân hàng trong năm 2018. Cùng với việc thực hiện các giải pháp mở rộng đầu tư tín dụng đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng, toàn ngành tập trung ưu tiên vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, dự án nước sạch nông thôn, cho vay xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều chương trình cho vay trọng điểm được quyết liệt triển khai thực hiện như: cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 của Chính phủ với tổng dư nợ cho vay đến cuối năm 2018 đạt 18.150 tỷ đồng, tăng 18% so với thời điểm 31/12/2017, chiếm 35,5% tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn với gần 127.000 khách hàng còn dư nợ; cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên đạt gần 7.000 tỷ đồng với 62.000 khách hàng đang vay vốn; cho vay thu mua thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước đạt 580 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ mua máy móc phục vụ sản xuất, giảm tổn thất trong nông nghiệp đạt gần 50 tỷ đồng với khoảng 180 khách hàng đang vay vốn. Với mục tiêu 100% hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sạch, ngành Ngân hàng đã tích cực vào cuộc, chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh cho vay chương trình nước sạch nông thôn theo Quyết định số 19 của UBND tỉnh. Đến cuối năm 2018, các TCTD đã cho vay 24 dự án kinh doanh nước sạch nông thôn với tổng số tiền đã giải ngân khoảng 380 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 280 tỷ đồng. Nếu tính cả dư nợ cho vay chương trình nước sạch nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội và các dự án nước sạch nông thôn trước khi có Quyết định số 12 của UBND tỉnh thì dư nợ cho vay chương trình nước sạch nông thôn đạt 1.130 tỷ đồng. Ngoài ra, ngành Ngân hàng còn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ, cho vay hơn 2.750 tỷ đồng thực hiện 9 chương trình tín dụng ưu đãi, từ đó giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Công ty Cổ phần Hoa Phượng phát triển sản xuất nhờ nguồn vốn tín dụng ngân hàng.


Không chỉ tăng cường đầu tư vốn, ngay từ đầu năm, ngành Ngân hàng còn chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn như: tiếp tục giảm lãi suất cho vay, gia hạn nợ cho trên 1.200 khách hàng; miễn, giảm gần 17 tỷ đồng lãi tiền vay cho khách hàng vay vốn… Đến cuối tháng 12/2018, dư nợ cho vay có mức lãi suất dưới 10%/năm chiếm tỷ trọng khoảng 84,4%, tăng 11,4% so với cuối năm 2017. Bên cạnh đó, toàn ngành còn tích cực thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đồng thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh, từ đó không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng. Đến nay, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD trên địa bàn chỉ chiếm khoảng 1% tổng dư nợ cho vay (không bao gồm dư nợ, nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Thái Bình).


Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2019, bám sát mục tiêu, định hướng của ngành, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành Ngân hàng Thái Bình phấn đấu đạt mục tiêu: tổng nguồn vốn huy động tăng từ 20 - 22%, tổng dư nợ cho vay tăng từ 16 - 18%, nợ xấu <1,5% tổng dư nợ, doanh số thanh toán tăng 20%, thu tiền mặt đáp ứng đủ nhu cầu chi tiền mặt. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, toàn ngành tiếp tục củng cố, phát triển mạng lưới hoạt động; tăng cường huy động vốn từ nội bộ nền kinh tế thông qua việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng; tập trung cho vay nền kinh tế đi đôi với an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế của trung ương và của tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa, phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại; chú trọng thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 và Nghị quyết số 42 của Quốc hội; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh ngành Ngân hàng trên địa bàn; đồng thời, tích cực phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phan Thị Tuyết Trinh
(Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh)