Thứ 2, 20/05/2024, 14:19[GMT+7]

Đông Hưng chuyển hướng đột phá

Thứ 2, 31/12/2018 | 14:41:30
798 lượt xem
Là huyện trọng điểm lúa, nhiều năm dẫn đầu tỉnh về năng suất song những năm gần đây khi năng suất lúa đã kịch trần, Đông Hưng chuyển hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Công ty May mặc Đông Thọ (xã Phú Châu, huyện Đông Hưng) giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.

“Để tiếp tục tạo đà phát triển kinh tế, Đông Hưng đang tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư và xác định công nghiệp là một thế mạnh để huyện tập trung đột phá” - ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng cho biết. Chính vì thế, thời gian qua, Đông Hưng không chỉ làm tốt việc quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp (CCN) mà còn có nhiều giải pháp kêu gọi đầu tư vào địa bàn. Điều thuận lợi là tất cả các CCN trên địa bàn huyện đều được quy hoạch ở các vị trí tương đối thuận lợi, nằm ven các trục đường giao thông quan trọng của tỉnh, của huyện. Các dự án đầu tư vào huyện đều được tham mưu, hướng dẫn và có ý kiến kịp thời với từng dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tìm hiểu thị trường, quyết định đầu tư. Khi có chấp thuận chủ trương đầu tư của tỉnh, huyện tiến hành giải phóng mặt bằng (GPMB) kịp thời, đúng tiến độ và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Khâu giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp chính quyền từ huyện đến xã đều nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. UBND huyện thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Ngọc Khanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đô Lương (CCN Đô Lương) cho biết: Mọi thủ tục cấp phép đầu tư, xây dựng nhà xưởng của Công ty đều được tỉnh, huyện hướng dẫn, tạo thuận lợi; giải quyết thủ tục hồ sơ nhanh chóng nên chỉ trong thời gian ngắn Công ty đã đi vào hoạt động. Năm 2018, Công ty mở thêm các dây chuyền sản xuất, xuất khẩu khoảng 2 triệu áo sơ mi, 300.000 bộ veston, tạo việc làm cho hàng trăm lao động với mức lương ổn định.

Sản xuất màn tại Công ty TNHH Dệt may Hùng Lực (xã Lô Giang, huyện Đông Hưng).

Với những giải pháp cụ thể, thiết thực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển công nghiệp, năm 2018, Đông Hưng thu hút 20 dự án đăng ký đầu tư vào huyện, trong đó 12 dự án được tỉnh chấp thuận đầu tư như: dự án kinh doanh thương mại tổng hợp tại xã Đông Xuân của Công ty TNHH Phú Hưng Đường, dự án mở rộng sản xuất bằng thạch cao của Công ty Cổ phần Sông Diêm, dự án đầu tư nhà máy sản xuất đồ chơi của Công ty Infoflow… và 3 dự án chuyển tiếp năm 2017 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Vũ Đăng tại CCN Đông Phong, Công ty TNHH Thiết bị điện G8 tại CCN Nguyên Xá, Công ty TNHH Sông Đà tại CCN Đông Phong. 

Theo ông Bùi Văn Duyệt, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, đến nay, trên địa bàn huyện có 108 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư. Trong đó 85 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, 11 dự án đang xây dựng, 12 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn ước thực hiện trên 3.100 tỷ đồng. Doanh thu từ các dự án đang hoạt động đạt trên 2.800 tỷ đồng, tăng 109% so với năm 2017, giải quyết việc làm cho trên 10.000 lao động với thu nhập từ 3,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. 

Ông Phạm Bá Huy, Giám đốc Công ty TNHH May Đạt Đăng (xã Đông Phương) cho biết: Công ty chuyên sản xuất các mặt hàng thể thao xuất sang các nước châu Âu, Mỹ, Nhật. Hiện Công ty đang giải quyết việc làm ổn định cho trên 300 công nhân với mức lương bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Sự lớn mạnh của Công ty đã thúc đẩy công nghiệp của địa phương phát triển và góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đưa Đông Phương sớm về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu. Điều đáng nói là công nghiệp phát triển đã góp phần nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, giúp hàng nghìn người không phải đi làm ăn xa quê. 

Chị Nguyễn Thị Mơ (xã Mê Linh) cho biết: Nhờ có cơ sở may của anh Bùi Văn Giáp ở xã An Châu đi vào hoạt động tôi không phải đi làm xa nhà, đỡ tốn tiền xăng xe và thuê nhà, lại có thể chăm sóc con cái, tranh thủ làm ruộng tăng thu nhập.

Nhiều doanh nghiệp không chỉ đầu tư phát triển mở rộng sản xuất, tăng doanh thu mà còn đầu tư các hệ thống xử lý chất thải hiện đại như Công ty MXP, Công ty May Đại Đồng, Công ty May Bình Minh, Công ty May mặc Đông Thọ…

Dù còn nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh song năm 2018 giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Đông Hưng vẫn đạt gần 3.400 tỷ đồng, đạt 103,2% kế hoạch, tăng 14% so với năm 2017. Công nghiệp phát triển đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa rộng khắp đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Đỗ Hiền