Thứ 4, 22/05/2024, 12:26[GMT+7]

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến Siem Reap tham dự Hội nghị APPF-27

Thứ 3, 15/01/2019 | 08:27:13
1,477 lượt xem
Đúng 15 giờ 45 phút chiều 14-1, chuyên cơ chở Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam hạ cánh tại sân bay Siem Reap (Campuchia) tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 27 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF 27).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu đón đoàn Việt Nam tại sân bay.

Một số hoạt động trong ngày đầu tiên

Chuyến công tác lần này nằm trong chương trình hoạt động đối ngoại đa phương năm 2019 của Quốc hội. Nhận lời mời của Ngài Heng Samrin, Chủ tịch Quốc hội Campuchia, Chủ tịch APPF-27, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu, tham dự APPF-27 từ ngày 14 đến 16-1.

Đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại Sân bay quốc tế Siem Reap có Tổng Thư ký Quốc hội Campuchia Leng Peng Long, Vụ trưởng Vụ Lễ tân Ban Thư ký Hạ viện, một số cán bộ Ban tổ chức APPF- 27 và cán bộ lễ tân Campuchia.

Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Vũ Quang Minh và Tổng Lãnh sự Lê Tuấn Khanh. Cùng tham gia đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại sân bay có đại diện các tầng lớp nhân dân Campuchia; đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Campuchia.

Chiều cùng ngày, trong khuôn khổ APPF- 27, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh và một số cán bộ của đoàn Việt Nam dự Phiên họp Nữ nghị sĩ APPF. Kể từ sau APPF 26 tại Việt Nam, các phiên họp Nữ nghị sĩ APPF được tổ chức thường niên cùng hội nghị APPF.

Tại đây, các đại biểu nghe Samdech Akka Moha Ponhea Chakrei Heng Samrin, Chủ tịch Quốc hội Campuchia, Chủ tịch APPF- 27, phát biểu khai mạc. Sau đó, phiên họp diễn ra với sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thứ hai Quốc hội Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Nhóm Nữ nghị sĩ Campuchia (CWPC) Khuon Sudary.

Nội dung phiên họp tập trung thảo luận nhằm tăng cường đối tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương về bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái vì hòa bình và phát triển bền vững; bảo đảm bình đẳng nam nữ tiếp cận giáo dục, đào tạo kỹ thuật và công nghệ thông tin vì hòa bình bền vững và đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs); thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong việc ra quyết định ở tất cả các cấp.

Tại phiên họp, đoàn Việt Nam đã có báo cáo tiến độ về Thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững, chia sẻ sự phồn thịnh trong khu vực được thông qua tại Hà Nội.

* Ngay sau khi xuống sân bay, trong khuôn khổ APPF 27, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc có cuộc gặp Tổng Thư ký Quốc hội Vương quốc Campuchia Leng Peng Long.

Bày tỏ vui mừng được gặp lại Tổng Thư ký Quốc hội Campuchia Leng Peng Long, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trân trọng cảm ơn Quốc hội và Thượng viện Campuchia đã dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, chu đáo; tin tưởng Hội nghị APPF-27 do Quốc hội và Thượng viện Campuchia đăng cai tổ chức sẽ thành công tốt đẹp, khẳng định vị thế, vai trò của Campuchia ngày càng được tăng cường trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Chân thành cảm ơn những lời chúc và tình cảm tốt đẹp mà Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội Campuchia Leng Peng Long cho biết, Đảng Nhân dân Campuchia và nhân dân Campuchia luôn ghi nhớ công lao và sự giúp đỡ to lớn mà Việt Nam đã dành cho Campuchia trong cuộc đấu tranh chống nạn diệt chủng trước đây; khẳng định, sẽ luôn nỗ lực làm việc, gìn giữ và thúc đẩy mối quan hệ với Việt Nam, người bạn đặc biệt, người anh em gần gũi với Campuchia, không chỉ cho thế hệ hiện tại mà còn cho các thế hệ tương lai.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước đang diễn ra rất tốt đẹp. Hai bên đã thực hiện tốt các nội dung trong Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội được ký kết năm 2012, thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, các cơ quan chuyên môn và nhóm nghị sĩ hữu nghị của Quốc hội hai nước.

Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Quốc hội Campuchia cũng đã ký Thỏa thuận hợp tác từ năm 2009. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai các hoạt động hợp tác giữa cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội hai nước. Trong thời gian qua, nhiều hoạt động hợp tác thiết thực đã được triển khai hiệu quả. Đặc biệt, trong giai đoạn 2011-2015 đã hoàn thiện Dự án hỗ trợ hệ thống máy tính cho Ban Thư ký Quốc hội và Thượng viện Campuchia. Hằng năm, Kế hoạch hỗ trợ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ Ban Thư ký Quốc hội và Thượng viện Campuchia cũng được thực hiện hết sức tích cực.

Với vai trò là Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, sẽ thúc đẩy triển khai thực hiện các thỏa thuận đã ký giữa Quốc hội hai nước cũng như giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Quốc hội Campuchia đạt hiệu quả cao nhất.

Trao đổi về dự án xây dựng Nhà làm việc Quốc hội Campuchia, Tổng Thư ký Quốc hội Leng Peng Long trân trọng cảm ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã dành cho Quốc hội Campuchia quà tặng ý nghĩa này; cho biết, hiện nay, Campuchia đang tích cực triển khai dự án.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tham mưu phục vụ Quốc hội hai nước và góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác giữa nghị viện hai nước, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị, hai bên thúc đẩy tiến hành trao đổi các đoàn nghiên cứu, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau; xem xét tổ chức hội nghị, hội thảo hoặc giao lưu công tác với các chuyên đề và hình thức và quy mô phù hợp để trao đổi thông tin và kinh nghiệm chuyên môn.

Bên cạnh đó, phối hợp trong việc phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội mỗi nước hoạt động tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế; thúc đẩy việc trao đổi tư liệu, văn bản pháp luật và thông tin liên quan đến hoạt động của Quốc hội mỗi nước; tiến hành hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong việc tăng cường năng lực cho bộ máy giúp việc của hai bên, theo khả năng thực tế của mỗi bên, phù hợp chương trình hợp tác chung giữa Quốc hội hai nước.

Vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững

Hội nghị APPF-27 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến mới, phức tạp chịu tác động của nhiều nhân tố như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn nhằm tập hợp lực lượng ngày càng gay gắt.

Diễn đàn APPF, thành lập từ 1993, do cựu Thủ tướng Nhật Bản Yasuhiro Nakasone sáng lập, gồm 27 nghị viện của các quốc gia trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương nhằm tăng cường đối thoại giữa các nghị sĩ trong khu vực về các vấn đề an ninh - chính trị, hợp tác kinh tế - thương mại và văn hóa, góp phần giải quyết những vấn đề khu vực, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng cho toàn khu vực. APPF cũng là kênh hỗ trợ cho Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Về nguyên tắc, APPF là một diễn đàn mở cho tất cả các nghị viện và các nghị sĩ quốc gia trong khu vực. Qua các kỳ Hội nghị thường niên, với những quyết sách quan trọng, APPF ngày càng khẳng định vai trò và tầm quan trọng của diễn đàn mở thúc đẩy sự gắn bó và hợp tác giữa Nghị viện các quốc gia trong khu vực, góp phần duy trì hòa bình, sự ổn định và thịnh vượng chung của châu Á - Thái Bình Dương.

Việc tham dự hội nghị thường niên của APPF là một hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng trong tổng thể chương trình hoạt động đối ngoại hàng năm của Quốc hội nước ta.

Các kỳ hội nghị thường niên diễn ra từ 2005 đến nay chứng kiến đậm nét hoạt động của Quốc hội Việt Nam, với nhiều đoàn cấp cao như cấp Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự và có nhiều đóng góp thực chất.

Điểm nổi bật trong sự tham gia và đóng góp của Quốc hội Việt Nam vào APPF là việc Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội nghị APPF-13 (Hạ Long, 2005) và Hội nghị APPF-26 (Hà Nội, 2018). Hội nghị APPF lần thứ 26 được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam từ 18 đến 21-1-2018 với Tuyên bố Hà Nội đánh dấu chặng đường 25 năm phát triển của APPF, mở ra một Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương tới năm 2030.

Tại APPF- 26, một trong những điểm nhấn về thành tựu nổi bật của APPF trong 25 năm qua là việc lần đầu tiên Hội nghị Nữ Nghị sĩ APPF đã trở thành cơ chế chính thức và định kỳ tại các kỳ họp thường niên của Diễn đàn. Hội nghị APPF 26 đã thành công trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác giữa APPF với APEC nhằm hiện thực hóa nguyện vọng của người dân châu Á - Thái Bình Dương về một khu vực hòa bình và phát triển, phản ánh một xu thế của nền ngoại giao nghị viện trong giai đoạn phát triển mới của nhân loại.

Chủ đề của Hội nghị APPF- 27 lần này là “Tăng cường quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững”, đặt ưu tiên vào mục tiêu bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển bền vững. Nội dung nghị sự tập trung vào một số vấn đề sau: (i) Xây dựng lòng tin nhằm củng cố hòa bình, an ninh và phát triển bền vững; chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia; thúc đẩy hợp tác nghị viện để tăng cường sử dụng có trách nhiệm không gian mạng vì tiến bộ xã hội; (ii) Tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên, xây dựng thể chế vững mạnh thúc đẩy thương mại và tăng trưởng bao trùm; mở rộng tiếp cận tài chính và đào tạo nghề cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường kết nối khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua thương mại điện tử; (iii) Ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm rủi ro thiên tai; thúc đẩy du lịch và đa dạng văn hóa; (iv) Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Dự kiến, Hội nghị sẽ thông qua các nghị quyết, Thông cáo chung của Hội nghị và Tuyên bố Siem Reap.

Xuất phát từ mối quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia; thể hiện sự ủng hộ với Quốc hội Campuchia, Chủ nhà của Hội nghị APPF-27, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta tham dự Hội nghị, phát biểu với tư cách là nước chủ nhà APPF-26 và chúc mừng Quốc hội Campuchia tại Phiên Khai mạc Hội nghị.

Tham dự hội nghị APPF- 27 lần này, Chủ tịch Quốc hội sẽ có bài phát biểu tại Lễ khai mạc với tư cách là Chủ tịch tiền nhiệm, Chủ tịch APPF-26.

Bên cạnh đó, các thành viên Đoàn sẽ tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận về các vấn đề chính trị và an ninh, các vấn đề kinh tế và hợp tác tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương và tham gia Ủy ban soạn thảo nghị quyết, Thông cáo chung và Tuyên bố Siem Reap.

Theo: nhandan.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày