Thứ 4, 08/05/2024, 07:12[GMT+7]

Tiền Hải giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Thứ 3, 20/12/2016 | 08:19:33
1,291 lượt xem
Là huyện ven biển, có đông người dân theo đạo nên những năm qua, việc thực hiện giảm tỷ lệ sinh con thứ ba và tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) tại Tiền Hải gặp nhiều khó khăn. Song bằng việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, huyện đã giảm được tình trạng MCBGTKS.

Cán bộ dân số - KHHGĐ huyện Tiền Hải tuyên truyền công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ tại khu vực đông dân cư.

Đồng chí Tạ Thị Minh Huệ, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Tiền Hải chia sẻ: Nếu như vài năm về trước, khi nhắc đến việc giảm tỷ lệ sinh con thứ ba và giảm tỷ lệ MCBGTKS tại Tiền Hải rất ít người nghĩ huyện có thể thực hiện được. Bởi ai cũng biết Tiền Hải là huyện biển rất cần nhân lực là nam giới để đi biển, trong khi đó số dân theo đạo chiếm tỷ lệ 17,5% dân số toàn huyện nên việc vận động KHHGĐ rất khó khăn. Song với quyết tâm giảm tỷ lệ MCBGTKS, cùng với tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại các địa phương, hoạt động truyền thông luôn được Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện coi trọng. Năm 2011, Tiền Hải được Chi cục Dân số - KHHGĐ chọn triển khai thực hiện mô hình "Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh" tại 19 xã. Để mô hình hoạt động hiệu quả, tại các xã đều thành lập câu lạc bộ "Phụ nữ không sinh con thứ ba giúp nhau phát triển kinh tế" với sự tham gia của ban dân số xã, hội phụ nữ, hội nông dân… Hoạt động của câu lạc bộ tập trung vào sinh hoạt theo nhiều chuyên đề khác nhau như vay vốn cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ ngày công lao động, chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ... Nội dung sinh hoạt luôn đổi mới thông qua hình thức sân khấu hóa từ diễn kịch, tiểu phẩm đến sáng tác thơ, nhạc về lĩnh vực dân số qua đó tạo hứng thú cho chị em khi tham gia. Đến nay, mô hình đã được triển khai và duy trì tại 22 xã và đã từng bước mang lại hiệu quả. Hầu hết chị em nhận thức được lợi ích của việc sinh ít con, không sinh con thứ ba để nuôi dạy con cho tốt và đặc biệt giảm mạnh tư tưởng "trọng nam khinh nữ", phải sinh con trai để nối dõi ảnh hưởng đến tình trạng MCBGTKS.

Cùng với việc triển khai mô hình "Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh", Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện còn tích cực tổ chức các buổi truyền thông nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh, bạo lực gia đình để cung cấp cho chị em phụ nữ các kiến thức về dân số - KHHGĐ. Năm 2016, mặc dù kinh phí cho hoạt động tuyên truyền từ trung ương không còn song huyện đã chủ động bố trí hỗ trợ kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp và phân công báo cáo viên xuống các xã tổ chức truyền thông. Đến nay, tất cả các xã, thị trấn trong huyện đều tổ chức hội nghị truyền thông trực tiếp và duy trì các hoạt động tư vấn tại cộng đồng. Ngoài ra, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện còn huy động được nguồn kinh phí từ Công ty Cổ phần Dược quốc tế Thăng Long để tổ chức 100 hội nghị về công tác dân số - KHHGĐ tại 174 thôn thu hút hơn 6.000 lượt chị em phụ nữ tham gia; tích cực phối hợp với Phòng Y tế huyện tăng cường kiểm tra các cơ sở, dịch vụ siêu âm, chẩn đoán giới tính trước sinh để có biện pháp xử lý kịp thời.

Nhờ thực hiện tốt các mô hình và đẩy mạnh công tác truyền thông đã góp phần từng bước giảm tỷ lệ MCBGTKS tại Tiền Hải. Nếu như năm 2011 tỷ lệ MCBGTKS ở mức 117 nam/100 nữ thì đến năm 2013 tỷ lệ này giảm xuống còn 111 nam/100 nữ, năm 2015 giảm xuống còn 106 nam/100 nữ, đạt ở mức tỷ số thông thường (103 - 106 nam/nữ) và thấp hơn so với bình quân chung của tỉnh (112 nam/100 nữ, năm 2015).

Phát huy những kết quả đạt được, bước sang năm 2017 và những năm tiếp theo, Tiền Hải tiếp tục quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh; đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt truyền thông tại cơ sở để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc giảm thiểu MCBGTKS; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế trong việc lựa chọn giới tính khi sinh, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái và gia đình có con một bề là gái.

Nguyễn Cường

  • Từ khóa