Thứ 2, 20/05/2024, 16:33[GMT+7]

Người dân được ghi hình CSGT làm việc

Thứ 7, 11/01/2020 | 09:10:48
1,017 lượt xem
Từ ngày 15/1, người dân được giám sát cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ bằng năm phương thức, trong đó có ghi âm, ghi hình.

Cán bộ thuộc Cục CSGT làm nhiệm vụ đo nồng độ cồn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Bá Đô

Thông tư 67/2019 của Bộ Công an về quy chế dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông nêu rõ người dân được ghi âm, ghi hình và quan sát trực tiếp, nhưng ngoài khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tuân thủ pháp luật và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ.

Ngoài ra, Bộ Công an còn quy định thêm bốn hình thức giám sát khác của người dân với cảnh sát giao thông gồm: thông qua thông tin công khai của công an nhân dân và phản hồi qua phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; thông qua kết quả giải quyết các sự việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an giải thích khu vực đảm bảo trật tự, an toàn giao thông của cảnh sát là khu được chăng dây, như các chốt cảnh sát giao thông, lực lượng 141, khu tạm giữ phương tiện, kiểm tra người vi phạm... Với các khu vực này, người dân được đứng ở ngoài ghi hình, nhưng không làm cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động của cảnh sát.

"Nếu người dân cố tình vi phạm, cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, cảnh sát có quyền yêu cầu ra ngoài, nếu chống đối có thể bị cưỡng chế", đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết thêm.

Thông tư 54/2009 của Bộ Công an đang áp dụng cũng quy định 5 hình thức giám sát của người dân với lực lượng công an, tuy nhiên không có quy định người dân được ghi hình, ghi âm.

Theo vnexpress.net