Thứ 2, 06/05/2024, 17:41[GMT+7]

Tăng cường công tác chỉ đạo chủ động kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm, động vật thủy sản

Thứ 6, 09/05/2014 | 08:01:14
1,109 lượt xem
Ngày 5 tháng 5 năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh ra Công văn số 1105/UBND-NN về việc tăng cường công tác chỉ đạo chủ động kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm, động vật thủy sản.

Ảnh minh họa

Toàn văn như sau:

Từ đầu năm 2014 đến nay, diễn biến dịch bệnh ở động vật rất phức tạp: Dịch Cúm A (H5N1) ở gia cầm đã phát sinh tại 30 tỉnh, thành phố với số gia cầm bị chết và tiêu hủy 106.264 con; dịch Lở mồm long móng gia súc xảy ra tại 05 tỉnh với số gia súc bị chết và tiêu hủy 23 con trong tổng số 451 con mắc bệnh.

Trong tỉnh, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lũy kế giám sát từ đầu năm đến nay đã phát hiện 07 mẫu gia cầm dương tính với vi rút cúm A/H5N1, nguồn gốc số gia cầm có mẫu xét nghiệm dương tính này chủ yếu nhập từ tỉnh ngoài về tỉnh; mặt khác,  thời điểm từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm là mùa phát dịch Tai xanh trên đàn lợn, trong khi đó công tác kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm từ tỉnh ngoài vào Thái Bình gặp nhiều khó khăn do có nhiều tuyến đường, cầu, đò, phà giao thương với các tỉnh, vẫn còn hiện tượng cố tình lén lút vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không có chứng nhận kiểm dịch vào địa bàn tỉnh... nên nguy cơ dịch bệnh động vật phát sinh trong tỉnh thời gian tới là rất cao.

Để chủ động kiểm soát dịch bệnh, không để dịch phát sinh lây lan, ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi, sức khỏe con người và nâng cao tính chủ động trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 21/02/2014 về phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật và dịch cúm A (H7N9), cúm A (H5N1) ở người và Công văn số 466/UBND-NN ngày 03/03/2014 về tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh;

- Tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm, động vật thủy sản trên địa bàn quản lý, nhằm phát hiện, khai báo sớm, xử lý kịp thời dịch bệnh phát sinh trong diện hẹp, không để lây lan ra diện rộng;

- Các xã có ổ dịch bệnh nguy hiểm ở động vật từ năm 2010 đến nay và các địa phương có cầu, bến đò, bến phà giao thương với tỉnh bạn tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh và thực hiện chế độ báo cáo tình hình dịch bệnh đột xuất 02 lần/tháng, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Hiện nay là thời điểm tái đàn, nuôi mới gia súc, gia cầm, các địa phương đẩy mạnh công tác kiểm soát vận chuyển, nhất là kiểm soát việc nhập gia súc, gia cầm vào tỉnh, không để lây lan dịch bệnh vào tỉnh qua vận chuyển; kiên quyết xử lý các trường hợp, cá nhân cố tình vi phạm các quy định phòng chống dịch bệnh. 

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thú y, các đơn vị trực thuộc phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát dịch bệnh, tổ chức kiểm dịch động vật lưu động trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch, kiểm dịch động vật.

3. Công an tỉnh, Sở Công thương, Sở Giao thông Vận tải: Tăng cường các giải pháp quản lý, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu trái phép, động vật, sản phẩm động vật mang mầm bệnh, không rõ nguồn gốc; điều tra, truy xuất nguồn gốc, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi làm phát tán, lây lan dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, động vật thủy sản theo quy định.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình: Chủ động phối hợp với các cấp, ngành Nông nghiệp, ngành Y tế tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; biểu dương các điển hình tốt, phát hiện, phê phán kịp thời các địa phương, đơn vị, cá nhân có thái độ chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch.

5. Các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội liên quan theo chức năng, nhiệm vụ đã được phân công trong kế hoạch phòng, chống dịch bệnh của tỉnh, phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch.

Nhận công văn này, yêu cầu các Giám đốc sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị, liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện.

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày