Chủ nhật, 19/05/2024, 11:00[GMT+7]

Nhiều giải pháp mở rộng diện tích cây màu vụ đông

Thứ 6, 20/11/2020 | 09:18:58
2,576 lượt xem

Khoai tây là một trong những cây vụ đông chủ lực ở Kiến Xương.

Ngoài hai vụ lúa, vụ đông được xác định là vụ sản xuất chính thứ ba trong năm ở huyện Kiến Xương. Nhờ có vụ đông, một số địa phương đã tạo ra nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tăng thu nhập cho người lao động. Hiệu quả là vậy song việc mở rộng diện tích cây vụ đông ở Kiến Xương vẫn là bài toán khó, không phải địa phương nào cũng thực hiện được.

Xã Vũ Ninh vốn có thế mạnh về trồng cây vụ đông. Xã có gần 300ha diện tích đất nông nghiệp thì có tới 251ha trồng cây vụ đông. Cây trồng chủ lực của Vũ Ninh là khoai tây cho năng suất bình quân trên 6 tạ/sào, trừ chi phí cho thu lãi 1,5 triệu đồng/sào, cao gấp 3 lần so với cấy lúa, giá trị sản xuất từ cây vụ đông chiếm khoảng 30% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương. Hàng chục hộ đã thuê, mượn ruộng để có diện tích trồng lớn. Để có được kết quả này là do xã có truyền thống thâm canh tăng vụ, có kho lạnh để bảo quản giống, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là HTX đã tích cực tìm kiếm thị trường bao tiêu sản phẩm cho người dân. Ngoài Vũ Ninh, một số xã như Vũ Lễ, Vũ An cũng là điển hình trong phát triển cây vụ đông ở Kiến Xương.

Trái ngược với các xã trên, nhiều xã ở Kiến Xương chỉ cần duy trì giữ vững diện tích đã là thành công. Ông Bùi Văn Bình, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Bình Minh cho biết: Trước đây có những năm xã đạt trên 100ha cây rau màu vụ đông, song do đầu ra sản phẩm bấp bênh, không có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, người dân không mặn mà trồng cây vụ đông, nhất là nguồn nhân lực làm nông nghiệp ngày càng ít. Vì vậy, mặc dù xã cũng tích cực tuyên truyền, vận động, song nhiều năm nay cũng chỉ duy trì được 50ha cây vụ đông, trong khi quỹ đất còn rất lớn. 

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương cho biết: Nguyên nhân diện tích cây vụ đông ở huyện khó mở rộng là do diện tích đất chuyên màu của huyện ít, sản xuất cây vụ đông chủ yếu sau 2 vụ lúa, song lúa mùa gặt muộn nên diện tích cây ưa ấm đạt thấp, chủ yếu là cây vụ đông ưa lạnh. Đồng đất của Kiến Xương chủ yếu là đất thịt nặng, khó canh tác, trong khi nguồn lao động trong nông nghiệp ngày càng giảm. Ngoài ra, vấn đề bao tiêu sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn nên khó mở rộng.

Ông Nguyễn Văn Dực, Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương cho biết: Kiến Xương có 11.800ha đất trồng cây hàng năm, trong đó đất trồng lúa 11.300ha, đất trồng cây khác 500ha. Thế mạnh của huyện là sản xuất lúa, còn các cây rau màu khác chưa phát triển do diện tích đất trồng màu ít. Để nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân, Kiến Xương đã xác định giải pháp căn bản là tăng vụ, gieo trồng cây rau màu vụ đông trên đất lúa, coi vụ đông là vụ sản xuất chính trong năm. Với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy đảng, việc tăng cường hỗ trợ sản xuất của chính quyền các cấp, từ năm 2010 đến nay, diện tích cây vụ đông của huyện duy trì ổn định xung quanh 3.800ha (chiếm 33% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện). Một số HTX chủ động tìm kiếm thị trường, liên kết với doanh nghiệp tổ chức sản xuất cây màu vụ đông theo chuỗi giá trị hàng hóa. Các cây trồng liên kết sản xuất chủ yếu như: khoai tây, dưa chuột, dưa gang, đậu tương, ngô giống... với diện tích từ 90 - 100ha/năm. Đã xuất hiện nhiều mô hình cá nhân, tập thể thuê mượn ruộng để sản xuất cây vụ đông tập trung với diện tích từ 2ha trở lên. Đặc thù ở Kiến Xương là cây khoai tây có giá trị kinh tế cao, chiếm nhiều diện tích hơn các loại rau màu khác. Toàn huyện có 13 kho lạnh có công suất bảo quản 1.000 tấn khoai tây/năm bảo đảm việc lưu trữ giống khoai trồng cho vụ đông.

Để thúc đẩy sản xuất vụ đông, huyện Kiến Xương đã ban hành cơ chế hỗ trợ, trong đó tập trung hỗ trợ cho cây chủ lực là khoai tây, các loại rau ưa lạnh và hỗ trợ các vùng liên kết sản xuất rau màu vụ đông tập trung theo chuỗi. Theo đó, vụ đông năm nay đã hỗ trợ 45 tấn khoai tây và 2.000kg hạt giống rau cải các loại và 1 triệu đồng/ha thuê mượn đất để trồng vụ đông. Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ cho sản xuất vụ đông năm 2020 của huyện là 1,6 tỷ đồng. Bên cạnh việc đẩy mạnh phương thức sản xuất theo hướng liên kết bao tiêu sản phẩm, Kiến Xương đã có kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu khoai tây với diện tích 3.500ha, sản lượng 49.000 tấn để kêu gọi dự án xây dựng nhà máy chế biến khoai tây về địa bàn giúp bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm ổn định. Ngoài ra sẽ mở rộng cây trồng mới có giá trị kinh tế cao. Điển hình như trồng cây ngô sinh khối đang được người dân xã Minh Tân đưa vào áp dụng, dự tính nếu thành công sẽ nhân rộng ở nhiều địa phương.

Nông dân xã Thái Nguyên (Thái Thụy) chăm sóc cây màu vụ đông.

* Đến nay, nông dân huyện Thái Thụy đã gieo trồng được 4.000ha cây màu vụ đông. Các địa phương trong huyện đang tích cực chỉ đạo, đôn đốc nhân dân tranh thủ thời tiết thuận lợi mở rộng diện tích trồng cây vụ đông ưa lạnh và chăm sóc những cây vụ đông đã trồng.

Có mặt tại cánh đồng trồng cây màu thôn Thượng (xã Thụy Trình), chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc chăm chỉ, hăng say của người dân nơi đây. Vừa chăm sóc cho diện tích trồng cây dưa chuột bò đất của gia đình, bà Phạm Thị Làn cho biết: Vụ đông này nhà tôi trồng được 3 sào dưa chuột bò đất và bí xanh. Đến nay, các diện tích dưa và bí xanh của gia đình đang phát triển tốt, trong đó hơn 1 sào dưa chuột bò đất đã cho thu hoạch một lứa quả được 30kg với giá bán đầu vụ 11.000 đồng/kg. Còn với diện tích bí xanh được trồng lại lần 2 do bị thiệt hại trong đợt ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7 nên đang ra hoa kết trái. Tôi đang tích cực chăm sóc với mong muốn cây dưa và bí xanh phát triển tốt, đem lại năng suất cao.

Thụy Trình là một trong những địa phương có phong trào trồng cây màu khá mạnh của huyện Thái Thụy. Nhiều năm trở lại đây, cũng như nhiều địa phương khác trong huyện, để tăng giá trị sản xuất trên một diện tích đất canh tác, cấp ủy, chính quyền xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, trong đó chú trọng sản xuất lúa 2 vụ và cây vụ đông. Nhờ đó, xã luôn duy trì và mở rộng diện tích trồng cây vụ đông hàng năm với diện tích đạt hơn 120ha. 

Ông Nguyễn Đức Dự, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Hiện nay, toàn xã gieo trồng được gần 120ha cây màu vụ đông, đạt 98% so với kế hoạch đề ra, trong đó bí xanh 70ha, dưa chuột 4ha, dưa hấu 7ha, ớt 10ha, còn lại là rau màu các loại. Qua kiểm tra, theo dõi, toàn bộ diện tích cây màu vụ đông của xã đang sinh trưởng và phát triển tốt, nhiều diện tích dưa chuột bò đất và bí xanh cho thu hoạch với năng suất khá cao.

Nông dân xã Thụy Trình (Thái Thụy) chăm sóc cây màu vụ đông.

Vụ đông năm nay, huyện Thái Thụy đặt mục tiêu gieo trồng từ 5.000 - 5.500ha, trong đó ngô 800ha, dưa bí các loại 950ha, khoai lang 500ha, hành tỏi 550ha, khoai tây 450ha, ớt 300ha, còn lại là các cây trồng khác. Các cây trồng có bao tiêu sản phẩm đầu ra như dưa chuột, sa lát, bắp cải, súp lơ, củ cải... khoảng 1.000ha. Tuy nhiên, trong đợt ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7,  toàn huyện có 1.200/1.560ha cây màu vụ đông ưa ấm mới trồng bị ảnh hưởng khó có thể phục hồi, trong đó 500ha cây màu bị thiệt hại 30 - 70% và 700ha cây màu bị thiệt hại trên 70%. Để khắc phục sản xuất cây màu vụ đông, các địa phương trong huyện đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc cây trồng sau mưa lớn, đối với những diện tích bị thiệt hại tiến hành thu dọn cây màu đã chết, làm đất để gieo trồng cây màu ngắn ngày và cây màu vụ đông ưa lạnh. Huyện cũng đã tiếp nhận 1.311kg hạt giống rau màu từ nguồn dự trữ quốc gia để cấp cho các địa phương hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất các diện tích rau màu bị thiệt hại sau mưa bão. Ngoài ra, để khuyến khích phong trào làm vụ đông, UBND huyện đã ban hành cơ chế hỗ trợ sản xuất vụ đông năm 2020. Trong đó, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có diện tích trồng cây ngô nếp 82.500 đồng/sào, cây dưa chuột, bí xanh 66.000 đồng/sào. Đối với những xã đạt diện tích cây màu vụ đông cao hơn năm 2019 thì phần diện tích tăng được hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha (kinh phí này dùng để sử dụng cho công tác chỉ đạo, tập huấn, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông).

Ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Trưởng phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để bảo đảm tiến độ, diện tích gieo trồng cây màu vụ đông đạt theo kế hoạch đề ra, hiện nay, UBND huyện đang tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo trồng cây màu vụ đông ưa lạnh như: khoai tây, sa lát, bắp cải, rau màu ngắn ngày... Tận dụng mọi chân đất như: ngoài đồng, trong khu dân cư, trong vùng chuyển đổi để trồng cây màu vụ đông. Đối với các HTX SXKD DVNN chủ động cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tổ chức việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân yên tâm phát triển sản xuất. Đặc biệt, tiến hành cấp phát lượng hạt giống rau hỗ trợ từ nguồn dự trữ quốc gia để nông dân tập trung gieo trồng bảo đảm tiến độ, thời vụ.

Thu Thủy - Trần Tuấn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày