Thứ 7, 27/04/2024, 19:03[GMT+7]

Theo sát đồng ruộng, kịp thời phòng, trừ sâu bệnh trên lúa xuân

Thứ 2, 17/04/2023 | 08:41:23
11,110 lượt xem
Ngành chuyên môn khuyến cáo các địa phương chỉ đạo nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi sát diễn biến sâu bệnh hại trên lúa để kịp thời có biện pháp phòng, trừ, đặc biệt bệnh đạo ôn.

Nông dân huyện Đông Hưng phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh cho lúa xuân.

Thời điểm này, lúa xuân sớm đang ở giai đoạn làm đòng, trà lúa xuân đại trà đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh đến phân hóa đòng. Trong những ngày qua, do thời tiết liên tục có mưa nhỏ kéo dài, ẩm độ không khí cao, rất thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh, phát triển, đặc biệt là bệnh đạo ôn hại lúa. Qua điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, bệnh đạo ôn hại lúa đã và đang phát sinh trên đồng ruộng, ở một số giống lúa nhiễm bệnh như: nếp các loại; TBR225... Tỷ lệ bệnh trung bình trên giống nhiễm từ rải rác đến 1%, nơi cao từ 10 - 20%, cá biệt 30 - 50% và bắt đầu xuất hiện các chòm lụi, ổ lụi, như ở xã Đông Sơn, Phú Lương (Đông Hưng); Thái Giang, Thụy Dân (Thái Thụy); Quỳnh Khê, Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ).

Vụ xuân năm nay, bà Trần Thị Hường, xã Phú Lương (Đông Hưng) cấy gần một mẫu ruộng. Khi phát hiện vết bệnh đạo ôn trên một số chân ruộng, bà đã tiến hành xuống đồng phun phòng, trừ. Dù vậy, đến nay các vết bệnh mới vẫn đang có dấu hiệu lan ra. Bà Hường cho biết: Tất cả các vùng dễ bị nhiễm tôi đã phun phòng nhưng vì thời tiết âm u kéo dài, độ ẩm không khí cao, ít có nắng nên hiệu lực của thuốc giảm. Hàng ngày, tôi tiếp tục kiểm tra, nếu diễn biến của bệnh nặng hơn tôi sẽ phun lần 2 và tranh thủ vào đầu giờ chiều để mặt lá khô hẳn, tăng tác dụng của thuốc.

Bà Nguyễn Thị Hân, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Quỳnh Phụ cho biết: Thời tiết sau cấy khá ấm, lúa xuống đồng bén rễ, hồi xanh nhanh. Khi cây lúa đang trong thời kỳ tập trung nhiều dinh dưỡng thì trời mưa phùn kéo dài, ẩm độ không khí cao, dẫn đến bệnh đạo ôn đã phát sinh, gây hại với tốc độ lây lan nhanh. Đến ngày 12/4, toàn huyện có khoảng trên 2.200ha lúa nhiễm bệnh, chủ yếu là tỷ lệ rải rác dưới 5%, tuy nhiên có khoảng 10ha nhiễm từ 10 - 20%, cá biệt đã có ổ lùn lụi. Cùng với bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn đang phát sinh với diện tích trên 1.500ha, tỷ lệ diện rộng khoảng 3 - 5% số dảnh; sâu cuốn lá nhỏ lứa 2, rầy các loại lứa 5 cũng đã xuất hiện. Trạm đã có thông báo gửi tới các địa phương, các HTX nông nghiệp, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân bám sát đồng ruộng, tranh thủ thời tiết tạnh ráo phun trừ bệnh đạo ôn khi ruộng có tỷ lệ nhiễm bệnh từ 3 - 5%. Ruộng nhiễm bệnh đạo ôn tuyệt đối không để khô nước, không bón đạm đơn, không phun phân qua lá và các loại kích thích sinh trưởng. Cùng với đạo ôn, cần chú ý phun trừ bệnh khô vằn, khi tỷ lệ bệnh từ 5% số dảnh trở lên và tiếp tục diệt chuột bảo vệ sản xuất.

Nông dân cần bám sát đồng ruộng chủ động phát hiện và phòng, trừ sâu bệnh hại khi còn ở diện hẹp.

Sinh trưởng của cây lúa đang ở giai đoạn mẫn cảm, với điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển, thời gian tới, dự báo bệnh đạo ôn sẽ gây hại nặng trên giống nhiễm nếu không có biện pháp phòng, trừ kịp thời. 

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Để bảo đảm an toàn sâu bệnh trên lúa xuân, Chi cục khuyến cáo nông dân tích cực kiểm tra đồng ruộng, giữ nước nông trên ruộng để lúa làm đòng thuận lợi và tăng hiệu quả của việc phòng, trừ bệnh, không phun các loại phân bón qua lá và các loại thuốc kích thích sinh trưởng đặc biệt trên những diện tích lúa đang bị nhiễm bệnh đạo ôn, không bón đạm đơn nuôi đòng nuôi hạt. Đối với những diện tích lúa bị bệnh đạo ôn nặng, trước khi phun thuốc cần vơ sạch những lá bị bệnh, sau khi phun thuốc 5 - 7 ngày cần kiểm tra lại, nếu thấy vết bệnh mới xuất hiện cần phun thuốc lần 2. Năm nay, dự báo lúa xuân trỗ bông sớm hơn cùng kỳ nhiều năm. Trong tháng 4, dự kiến sẽ có khoảng 10.000ha lúa trỗ bông. Diện tích này nhất thiết phải phòng tốt bệnh đạo ôn cổ bông bằng cách phun 2 lần, lần một khi lúa thấp tho trỗ, lần 2 khi lúa trỗ thoát hoàn toàn.

Ngoài bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ đang phát sinh, gây hại trên một số diện tích lúa của các huyện phía Nam. Qua điều tra, mật độ sâu cuốn lá nhỏ dự báo cao hơn cùng kỳ nhiều năm, gây hại trong khoảng đầu tháng 5. Ngành nông nghiệp đang tăng cường cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, rà soát các giống, vùng nhiễm bệnh để khoanh vùng, khuyến cáo địa phương, nông dân tổ chức phòng, trừ kịp thời, hiệu quả.

Ngân Huyền