Thứ 6, 26/04/2024, 10:48[GMT+7]

Nhìn mà suy ngẫm

Thứ 6, 01/09/2017 | 17:51:45
640 lượt xem
Chưa có thời điểm nào, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam được đề cập đến nhiều như thời điểm hiện nay. Người Việt Nam không khỏi giật mình khi nghe thông tin Việt Nam xếp vào nhóm có năng suất lao động thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương. Với hơn 80% dân số sống bằng nông nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực Thái Bình cũng không nằm ngoài tình trạng chung của cả nước.

May mặc chiếm 80% các ngành công nghiệp trong tỉnh, trong đó số lượng công nhân nữ chiếm 80%.

Theo báo cáo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Việt Nam xếp vào nhóm có năng suất lao động thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương (cùng với Myanmar và Campuchia), năng suất lao động trung bình của một người Việt Nam thấp hơn một người Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia 5 lần. 

Nếu lấy thang điểm 10 thì chất lượng nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới. Bên cạnh chất lượng lao động, cơ cấu nhân lực lao động của Việt Nam cũng nhiều bất cập. Tính đến năm 2015, cơ cấu trình độ nhân lực lao động Việt Nam là 1 đại học trở lên - 0,35 cao đẳng - 0,65 trung cấp - 0,4 sơ cấp. Việt Nam hiện đang có 75,2%  dân số đang ở độ tuổi lao động, là nước đang ở giai đoạn dân số vàng nhưng số lao động qua đào tạo có bằng chuyên môn, kỹ thuật chỉ chiếm tỷ lệ 17,9% (ở nông thôn là 11,2%). Các số liệu trên phản ánh chất lượng nhân lực ở nước ta còn thấp, chúng ta đang mất sức cạnh tranh trên thị trường lao động.

Tại Thái Bình, theo số liệu báo cáo về tình hình lao động giai đoạn 2011 - 2015, dân số đang trong độ tuổi lao động của tỉnh là 1,1 triệu người (chiếm hơn 61% dân số toàn tỉnh), số lao động có việc làm thường xuyên khoảng gần 960.000 người, tỷ lệ thất nghiệp là 2,7%; cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp là 48%; ngành công nghiệp, xây dựng 32%; ngành dịch vụ 20%; số lao động trong tỉnh qua đào tạo có trình độ chuyên môn là 54,6%, lao động qua đào tạo nghề đạt 41,5%. Mặc dù cơ cấu lao động đang có sự chuyển dịch phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn cao hơn so với số liệu cả nước song theo đánh giá, lao động trên địa bàn tỉnh chủ yếu có trình độ chuyên môn thấp, số lao động tri thức, khoa học công  nghệ và lao động có kỹ năng chưa nhiều. 

Đặc biệt, hạn chế lớn nhất trong chất lượng nguồn nhân lực lao động là tác phong, kỷ luật lao động. Ví dụ điển hình là tình trạng lao động Việt Nam phá vỡ hợp đồng lao động, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, một bài toán đau đầu trong công tác xuất khẩu lao động hiện nay. Thái Bình hiện đang có 754 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Tại Công ty TNHH Ivory Việt Nam (thị trấn Vũ Thư, huyện Vũ Thư), một công ty có 100% vốn nước ngoài, sau 16 năm hoạt động tại Thái Bình, doanh nghiệp đã trải qua 5 lần công nhân ngừng việc tập thể. Cùng với nguyên  nhân do chế độ tiền lương, phụ cấp, qua tìm hiểu, có một nguyên nhân sâu xa dẫn đến ngừng việc là phần lớn công nhân muốn có một số ngày nghỉ để về đi cấy, gặt.

Sự hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực dẫn đến trình độ công nghệ các ngành sản xuất thấp, sức cạnh trạnh của nền kinh tế, của từng ngành hàng, sản phẩm còn hạn chế. Cũng như trên cả nước, tại Thái Bình, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển theo bề rộng, hiệu quả chưa cao. Công nghiệp chủ yếu tập trung vào công nghiệp gia công, chế biến, tại Thái Bình chiếm tỷ lệ lớn trong sản xuất công nghiệp là gia công may mặc. “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế” là một trong ba đột phá chiến lược tăng trưởng kinh tế được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Đã qua gần nửa chặng đường đưa Nghị quyết vào cuộc sống song việc phát triển nguồn nhân lực chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện. Ngày 8/7/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1800/QĐ-UBND về ban hành chương trình việc làm tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó qua đào tạo nghề 56,5%; phấn đấu mỗi năm tạo việc làm mới cho 33.000 lao động; đưa cơ cấu lao động trong ngành dịch vụ chiếm 26% (tăng 6% so với giai đoạn 2011 - 2015), nông, lâm nghiệp, thủy sản chiến 29% (giảm 19% so với giai đoạn 2011 - 2015), công nghiệp, xây dựng 45% (tăng 13% so với giai đoạn 2011 - 2015). Để đạt mục tiêu này, chương trình việc làm tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm như có chính sách hỗ trợ đối với lao động thuộc hộ chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp cho các dự án của tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, thu hút các dự án đầu tư vào khu, cụm công nghiệp, ưu tiên giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động thuộc hộ bị thu hồi đất; đa dạng hóa hình thức thông tin, dự báo, kết nối thị trường lao động, nâng tỷ lệ lao động tìm việc làm qua hệ thống dịch vụ việc làm lên 40% trở lên. Thực hiện Quyết định số 1800, năm 2016, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 33.000 người, con số này trong 6 tháng đầu năm 2017 là 17.870 người. Qua số liệu cho thấy, trong hai năm 2016 - 2017, số lượng lao động được giải quyết việc làm tăng so với giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 1.000 đến hơn 1.000 người/năm.

Nếu như 72 năm trước, triệu người dân Việt Nam trong đó phần đông là nông dân tự hào vì là những người từ gông xiềng, nô lệ đã quật cường “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á thì sau 72 năm, trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, người Việt Nam đang có nhiều nguy cơ tụt hậu. Nhìn thẳng vào thực tế, đánh giá đúng về chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện các giải pháp căn cơ, đồng bộ, thực tế là điều cần tập trung đẩy mạnh để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực hiện nay.  



Bà Phạm Thị Thắng, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh 

Tại các khu công nghiệp của tỉnh hiện nay, lực lượng lao động chủ yếu là công nhân gia công và lắp ghép đơn giản trong đó có 80% là gia công may mặc. Chính vì vậy, thu nhập của công nhân không cao. Nếu như công nhân kỹ thuật điện tử tại các khu công nghiệp ở một số tỉnh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc lên tới 20 triệu đồng/tháng thì công nhân tại Thái Bình thu nhập bình quân chỉ đạt 4 - 5 triệu đồng/tháng. Mấu chốt của vấn đề theo tôi không phải là do khả năng tiếp cận kỹ thuật, công nghệ của công nhân thấp mà chủ yếu là do công nhân chưa được đào tạo, không có cơ hội tiếp cận với các kỹ thuật cao. Vì vậy, việc liên kết, phối hợp giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp hiện nay là hết sức cần thiết.  Bên cạnh đó, tỉnh cần có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất bằng công nghệ kỹ thuật cao, tạo môi trường để người lao động có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật.


Ông Phạm Công Diện, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư 

Kế hoạch của huyện Vũ Thư là tạo việc làm mới cho khoảng 5.000 lao động, đưa 400 người đi xuất khẩu lao động/năm. Qua mỗi năm, huyện đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, đặc biệt số lượng lao động xuất khẩu vượt cao so với kế hoạch. Tuy nhiên, trong xuất khẩu lao động, khó khăn hiện nay là việc vận động để người lao động chấp hành nghiêm pháp luật lao động của nước sở tại. Huyện đã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động người lao động tại Hàn Quốc về nước đúng hạn, đồng thời tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật của người lao động trong hoạt động xuất khẩu lao động.


Ông Tăng Quốc Sử, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 

Sau một năm triển khai thực hiện chương trình việc làm của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, các ngành đều tích cực triển khai các nhiệm vụ của ngành mình, góp phần tăng số lượng lao động được giải quyết việc làm trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017. Tuy nhiên hạn chế trong thực hiện chương trình việc làm là chính quyền cơ sở chưa quan tâm đầy đủ đến chính sách tạo việc làm cho người dân, chưa coi đây là giải pháp bảo đảm chính sách an sinh xã hội ở địa phương. Để thực hiện chương trình việc làm ngày càng hiệu quả, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các ngành liên quan thực hiện công tác điều tra, đánh giá về nhu cầu cung và cầu lao động để cung cấp thông tin, dự báo thị trường lao động phục vụ cho công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động.


Trần Thu Hương



  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày