Thứ 5, 02/05/2024, 18:00[GMT+7]

Họ đã sống những tháng ngày đẹp nhất

Thứ 3, 07/05/2013 | 09:15:48
1,129 lượt xem
Mừng 38 năm ngày hội thống nhất non sông (30/4/1975 - 30/4/2013), sau là để chứng kiến giây phút bốn người lính già đầu bạc cùng quê, cùng tham gia và góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu 59 năm về trước gặp lại nhau.

Các cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong ngày gặp mặt.

Một ngày cuối tháng 4 năm 2013, trong không khí phấn khởi, rất đông các thế hệ cựu chiến binh đã có buổi gặp mặt ấm áp tình cảm đồng chí, đồng đội tại nhà bác Nguyễn Ngọc Thường (thôn An Định, xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy). Họ tề tựu về đây trước là mừng 38 năm ngày hội thống nhất non sông (30/4/1975 - 30/4/2013), sau là để chứng kiến giây phút bốn người lính già đầu bạc cùng quê, cùng tham gia và góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu 59 năm về trước gặp lại nhau.

Tay bắt mặt mừng, niềm vui khôn xiết, bốn người chiến sĩ Điện Biên năm xưa bồi hồi nhớ lại mới ngày nào tóc hãy còn xanh, mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình yêu Tổ quốc hăng hái lên đường tòng quân nhập ngũ, chiến đấu không khoan nhượng với quân xâm lược. Vậy mà giờ đây, có người đã không còn nữa, người ít tuổi nhất cũng đã qua "bát thập". Dẫu cho dấu ấn thời gian ghi đậm trong giọng nói, dáng đứng, bước đi nhưng kỷ niệm về những ngày "khoét núi, đào hầm…" vẫn in đậm trong tâm trí những người lính cựu.

Năm nay 81 tuổi nhưng bác Nguyễn Ngọc Thường vẫn là người "trẻ nhất" trong số các cựu chiến binh của quê hương Thụy Văn tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Nhập ngũ tháng 1/1951, được biên chế về đơn vị pháo binh nên bác Thường nhớ như in chuyện "kéo pháo vào, kéo pháo ra". Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, việc thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” được đánh giá là có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi sau cùng.

Vào thời điểm đó, để đưa ra quyết định kéo pháo ra giữa lúc quân ta vừa trải qua những ngày gian khổ để kéo pháo vào trận địa và đang sẵn sàng chờ lệnh tiến công là rất khó khăn. Việc kéo những khẩu lựu pháo 105 ly với sức nặng 2,2 tấn trong điều kiện đồi dốc, trời mưa, đường trơn là thử thách thực sự với cán bộ, chiến sĩ. Con đường kéo pháo ra gian khổ hơn lúc kéo pháo vào rất nhiều. Lúc ấy, lá ngụy trang đã bị héo, địch nắm được tình hình nên bắn phá dữ dội. Thêm vào đó, sức người đã suy giảm sau quãng đường dài kéo pháo vào. Tuy nhiên, bao khó khăn, gian khổ không thể ngăn được ý chí của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ - những người đã thể hiện ý chí tuyệt vời, tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vượt lên trên tất cả, việc kéo pháo ra đã được thực hiện thành công theo đúng kế hoạch. Câu chuyện kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra thắng lợi đã lý giải rất nhiều điều về sức mạnh của quân đội ta, từ tinh thần đoàn kết, ý thức tổ chức kỷ luật đến trí, lực và quyết tâm tất cả cho chiến thắng.

Nhưng, có chiến thắng nào mà không có mất mát, hy sinh. Đến giờ, dù 59 năm đã qua đi nhưng cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Thường vẫn nhớ như in hình ảnh của Đại đội trưởng Nam Thanh. Trong trận đánh đồi A1 Mường Thanh, máy bay địch đã ném một quả bom hạng nặng làm sạt một góc chiếc hầm kèo. Đại đội trưởng Nam Thanh bị một cây cột gỗ sập xuống, chèn vào cổ, trong lúc đó đất đá bị sạt lở cứ liên tiếp đổ xuống. Lúc ấy, mặc dù được bác Thường cùng các đồng đội ra sức cứu nhưng trong làn đạn của địch và lượng đất đá sạt lở ngày càng nhiều, Đại đội trưởng Nam Thanh đã anh dũng hy sinh. Ông dặn lại người lính quê lúa: Hãy tiếp tục cùng anh em chiến đấu. Vậy là, 24 khẩu pháo dưới sự chỉ huy của chiến sĩ Nguyễn Ngọc Thường vẫn liên tiếp dội bão lửa lên đầu quân thù. Sau trận này, Nguyễn Ngọc Thường đã được Đại đoàn khen thưởng.

Dường như trong những suy tư, hồi tưởng của mình, các cựu chiến binh chống Pháp ở Thụy Văn không thể quên được những người đồng chí, đồng đội, không thể quên được sự ác liệt trong mỗi trận chiến đấu. Bác Nguyễn Đình Quý, người lính của Trung đoàn 88 thuộc Đại đoàn 308 - đơn vị chuyên công kiên (đánh đồn) kể lại trận đánh đồi Độc Lập diễn ra trong giai đoạn 1 của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi bước vào trận đánh, toàn thể cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 88 đã hạ quyết tâm phải hoàn thành bằng được nhiệm vụ được giao và họ đã hiện thực hóa được quyết tâm đó.

Chiến thắng ở đồi Độc Lập đã giúp quân ta hoàn toàn kiểm soát thế trận, đồng thời đẩy lùi nhiều đợt phản kích của địch, qua đó gần như đánh sụp phân khu phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Còn trận đánh đồi A1, đây là ngọn đồi “cao lắm” - theo mô tả rất đời thường của bác Quý, sự ác liệt là điều ai cũng có thể hình dung được. Địch chống trả quyết liệt, cho pháo binh bắn từ khắp nơi song bộ đội ta vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Nhớ rõ những gian khổ, ác liệt nhưng cả bác Thường và bác Quý đều khẳng định rằng, lúc ấy chẳng ai nghĩ đến, quên cả sự mong manh giữa sự sống và cái chết. Tất cả mọi suy nghĩ, hành động đều hướng vào các nhiệm vụ, cho chiến thắng cuối cùng, ngày 7 tháng 5 năm 1954.

Sau này, khi đã phục viên, xuất ngũ trở về địa phương, các cựu chiến binh quê hương Thụy Văn mới biết mình đã từng cùng nhau tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, được trải qua những tháng ngày vô cùng gian lao nhưng rất đỗi tự hào. Bây giờ, người còn, người mất nhưng ký ức thì vẫn vẹn nguyên. Ai cũng ao ước được thêm một lần trở lại thăm chiến trường xưa…, để được sống lại quãng thời gian đẹp nhất, ý nghĩa nhất của cuộc đời mình!

Bài, ảnh: MINH SƠN

  • Từ khóa