Thứ 2, 06/05/2024, 03:39[GMT+7]

Đấu tranh ngăn chặn ma túy Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Thứ 4, 26/06/2013 | 08:38:06
1,563 lượt xem
Nhân Ngày Toàn dân phòng chống ma túy 26/6, phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn Đại tá Nguyễn Đình Trung, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh về thực trạng cũng như những giải pháp đấu tranh phòng chống tệ nạn và tội phạm ma túy.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết thực trạng tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh ta?
Đại tá Nguyễn Đình Trung:
Những năm qua, do tác động của tội phạm ma túy trên thế giới và trong khu vực, nhất là khu vực "tam giác vàng", đã làm cho tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta diễn biến rất phức tạp. Hình thành nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy với quy mô lớn, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia, liên kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong và ngoài nước; đan xen giữa tội phạm ma túy với tội phạm hình sự, kinh tế rất nguy hiểm. Số vụ, đối tượng và lượng ma túy vụ sau lớn hơn vụ trước, đặc biệt, đã bóc gỡ nhiều đường dây vận chuyển ma túy lớn, có vụ bắt trên 100 đối tượng, vận chuyển, tiêu thụ trên 5.000 bánh hêrôin....

Thủ đoạn ngày càng tinh vi xảo quyệt, liều lĩnh, manh động, khi bị bắt thì dùng tiền để mua chuộc hoặc dùng vũ khí "nóng" chống trả quyết liệt. Đáng chú ý, xuất hiện nhiều loại ma túy mới, nhất là ma túy tổng hợp, có loại chưa nằm trong danh mục quản lý nên rất khó khăn trong phát hiện, bắt giữ. Số người nghiện tăng cao và trẻ hóa; phần lớn số người này ở ngoài xã hội và là nguyên nhân chính làm gia tăng tội phạm, lây nhiễm HIV, lây lan người nghiện mới... Đến cuối năm 2012, Việt Nam có hơn 172.000 người nghiện ma túy, tăng 8,5% so với năm 2011.

Trước những tác động trên đã làm cho tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Thái Bình diễn biến rất phức tạp. Số vụ, số tội phạm và lượng ma túy bắt giữ liên tục gia tăng; bình quân mỗi năm tăng 16,4% số vụ và 15,6 % số đối tượng về ma túy. Đã phát hiện một số đường dây lớn đưa ma túy vào tỉnh; sản xuất ma túy tổng hợp có yếu tố nước ngoài và trồng cây có chứa chất ma túy. Một số tụ điểm về ma túy đã được triệt xóa nhưng phức tạp trở lại. Các tụ điểm bán lẻ và sử dụng chất ma túy diễn ra ở nhiều nơi, với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt như phân tán nhỏ lẻ, giao cho người nghiện, nhiễm HIV, người già, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ, trẻ em bán lưu động, sử dụng hung khí, sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng chức năng. Tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp  trong các nhà hàng, khách sạn ngày càng nhiều và phức tạp; số người nghiện có chiều hướng gia tăng cao và trẻ hóa, hiện toàn tỉnh có 5.823 người (tăng 2.036 người so với năm 2008) và có ở 278/286 xã, phường, thị trấn (97,2%).

Phóng viên: Theo đồng chí, nguyên nhân nào dẫn đến gia tăng tệ nạn và tội phạm ma túy?
Đại tá Nguyễn Đình Trung:
Về khách quan: Do tác động mặt trái của quá trình hội nhập, ảnh hưởng của tình hình tội phạm ma túy các tỉnh lân cận nên Thái Bình chịu ảnh hưởng lớn, trở thành địa bàn vừa trung chuyển, vừa tiêu thụ ma túy. Mặt khác buôn bán ma túy là siêu lợi nhuận nên kích thích tội phạm này phát triển. Tội phạm ma túy thường hoạt động theo tổ chức khép kín, hết sức tinh vi, xảo quyệt và liều lĩnh.

- Có sự đan xen, liên kết giữa tội phạm ma tuý với tội phạm hình sự, kinh tế. Triệt để lợi dụng khoa học công nghệ để sản xuất, điều chế ra nhiều ma túy mới dễ sử dụng; lợi dụng kẽ hở pháp luật như sử dụng phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi... để buôn bán, vận chuyển ma túy, đã làm cho công tác đấu tranh gặp nhiều khó khăn.
- Thái Bình là một tỉnh thuần nông, ít ngành nghề phụ nên có nhiều người đi lao động ở các tỉnh, bị mắc các tệ nạn ma túy, khi trở về đã làm tăng số người nghiện ma túy ở địa phương.
- Số Việt kiều hồi hương nhiều, khi về đã lợi dụng sơ hở của pháp luật tổ chức điều chế nhiều loại ma túy mới rất dễ sử dụng, có loại chưa nằm trong danh mục quản lý, gây rất nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, bắt giữ.

Về chủ quan: Các cấp, các ngành, đoàn thể đều thấy rõ tính cấp bách của công tác này nhưng chuyển biến thành hành động cụ thể còn hạn chế, còn coi là nhiệm vụ của ngành chức năng. Do đó chưa tạo được thế trận liên hoàn trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy.
- Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục, đồng bộ và đủ mạnh để làm chuyển biến nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và cán bộ, nhân dân.
- Công tác đấu tranh của lực lượng chức năng còn hạn chế do lực lượng còn mỏng, phương tiện khoa học kỹ thuật còn ít; kinh phí đầu tư, hỗ trợ chưa đáp ứng yêu cầu thực tế của cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy trong giai đoạn hiện nay.
- Công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực ANTT còn nhiều sơ hở nhất là quản lý thuốc tân dược, các cơ sở kinh doanh có điều kiện như nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke.. còn bị buông lỏng để tội phạm lợi dụng sản xuất, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Phóng viên: Trước thực trạng đó, ngành công an đã có những biện pháp gì để đấu tranh ngăn chặn tệ nạn và tội phạm ma túy, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Đình Trung: Trước thực trạng trên, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phòng chống ma túy, đặc biệt là Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới", Công an tỉnh đã tích cực tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban tỉnh hành nhiều văn bản quan trọng như Nghị quyết số 10; Thông tri số 10; Kế hoạch và Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy... chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể, chính quyền triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp công tác; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng, chống ma túy.

Chỉ đạo các lực lượng công an trong tỉnh phối hợp các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực nhằm nâng cao ý thức phòng, chống ma túy trong nhân dân; chủ động phối hợp xây dựng, duy trì 2.139 mô hình tự quản về an ninh trật tự, trong đó có 538 mô hình về phòng chống ma túy, nhiều mô hình được thực hiện tốt, hoạt động đạt hiệu quả cao. Thường xuyên rà soát số người nghiện, trên cơ sở khảo sát, đã phối hợp các tổ chức đoàn thể, chính quyền vận động hàng ngàn lượt người cai nghiện tại gia đình, cộng động; đưa nhiều đối tượng đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trung tâm chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội đối với các trường hợp nghiện nặng.

Bên cạnh đó, đã mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và tệ nạn ma túy, trong đó đã tập trung đánh trúng, đánh mạnh các đường dây, tụ điểm, điểm ma túy trên địa bàn nhất là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Kết quả, từ năm 2008 đến này, đã phát hiện 1.122 vụ, bắt, khởi tố 1.269 bị can phạm tội về ma túy (tăng 36,6% so với thời gian trước), xử lý hành chính 1.335 đối tượng; thu giữ trên 6 kg ma túy các loại... Đặc biệt đã triệt xóa 25 đường dây, 301 lượt tụ điểm, điểm phức tạp; xét xử lưu động 115 vụ án điểm phục vụ tốt công tác tuyên truyền phòng ngừa xã hội.

Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết những biện pháp của ngành công an trong thời gian tới?
Đại tá Nguyễn Đình Trung:
Trước mắt, Công an tỉnh sẽ tích cực tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới"; lồng gắn chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phòng chống ma túy trong thời gian tới.

Cùng với đó, Công an tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng công an trong tỉnh thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau: 
- Phối hợp các cấp, các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương hướng về cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung tuyên truyền ở các khu vực, địa bàn trọng điểm; trực tiếp đến các đối tượng ma túy, các đối tượng có nguy cơ cao như thanh thiếu niên, học sinh, nhóm đối tượng đi làm ăn xa về địa phương.
- Phối hợp các cấp ủy đảng, chính quyền chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống ma túy; xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến (mô hình xã, phường, dòng họ, họ giáo... không có ma túy); trước mắt tập trung xây dựng thí điểm mô hình xã an toàn về ma túy ở huyện Quỳnh Phụ và ở 75 xã trọng điểm về an ninh trật tự, 78 xã điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 - 2015.
-  Phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng chống ma túy, trong đó tập trung kiểm tra các hoạt động sản xuất, mua, bán các thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần; quản lý cư trú, quản lý địa bàn, nhất là các cơ sở cho thuê lưu trú, cơ sở kinh doanh có điều kiện, góp phần ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra sản xuất ma túy bất hợp pháp và trồng cây có chứa chất ma túy; không để hình thành các tụ điểm buôn bán, sử dụng ma túy trá hình trong các khách sạn, nhà nghỉ, tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp.
- Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo ngành y tế; lao động, thương binh và xã hội mở rộng chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone ở tất cả các huyện, thành phố; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, dạy nghề và cai nghiện ma túy.
- Thường xuyên mở các đợt cao điểm, tập trung đánh trúng, đánh mạnh vào các tuyến, địa bàn trọng điểm, bắt xử lý nghiêm khắc trước pháp luật các đối tượng phạm tội về ma túy.

Tuy nhiên, đấu tranh phòng, chống ma túy còn nhiều cam go, phức tạp, không chỉ đòi hỏi nỗ lực của ngành công an mà còn cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân cùng chung tay đẩy lùi tệ nạn nguy hiểm này ra khỏi đời sống xã hội.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!     

Nguyễn Tùng

(Thực hiện)

 

 

  • Từ khóa