Thứ 2, 06/05/2024, 13:39[GMT+7]

Trung tâm Giáo dục - Chữa bệnh - Lao động xã hội Thành phố Thái Bình Nhiều nỗ lực trong công tác cai nghiện ma túy

Thứ 4, 26/06/2013 | 08:44:07
1,569 lượt xem
Sau 7 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã tiếp nhận trên 2.000 lượt người nghiện ma túy, bình quân từ 270 đến 300 lượt học viên/năm. Đã bàn giao về gia đình và tái hoà nhập cộng đồng 1.700 lượt học viên, không ít người trong số đó đã từ bỏ được ma túy, trở về cuộc sống đời thường, sống có ích cho gia đình và xã hội.

Học viên Trung tâm làm các sản phẩm mây tre đan xuất khẩu.

Trước Ngày toàn dân phòng chống ma túy 26/6, chúng tôi có dịp vào thăm Trung tâm Giáo dục - Chữa bệnh - Lao động xã hội Thành phố Thái Bình, nơi tiếp nhận, điều trị phục hồi và tổ chức cai cho người nghiện ma túy trên địa bàn Thành phố. Trong dịp này, Trung tâm đang phát động phong trào thi đua "Tích cực lao động sản xuất, quyết tâm từ bỏ ma túy". Bước vào Trung tâm, tôi bắt gặp không khí lao động say sưa của các học viên - những người đã từng có thời gian làm bạn với "nàng tiên nâu", để rồi đến lúc "thân tàn, sức kiệt" họ vào đây với quyết tâm từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời...

Đi giữa khuôn viên khang trang, hai bên đường rợp bóng cây xanh, phía dưới là những bồn hoa đủ loại đang đua nhau khoe sắc đan xen với những luống rau xanh mướt do các học viên tăng gia sản xuất, bước vào khu học nghề tôi gặp một thanh niên to khỏe đang say sưa chăm tỉa những chậu cây cảnh. Qua câu chuyện cởi mở, tôi biết tên anh là Phạm Quang Thành ở phường Bồ Xuyên (Thành phố, Thái Bình), vào Trung tâm đã được hơn một năm. Do mắc nghiện ma túy gần 10 năm, gia đình đã cho cai tại nhà nhiều lần nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại tái nghiện. Đầu năm 2012, Thành làm đơn xin vào Trung tâm để cai nghiện. Khi mới vào Trung  tâm, Thành rất yếu, cân nặng chỉ hơn 40kg. Những tuần đầu do thiếu ma túy, Thành vật vã dữ dội, tưởng chừng không thể trụ nổi, thế nhưng được sự chăm sóc tận tình của cán bộ Trung tâm nên dần dần Thành đã vượt qua. Giờ thì Thành không còn nhớ đến ma túy nữa, sức khỏe đã bình thường và tăng lên gần 70kg. Chia tay tôi, Thành nở nụ cười và nói: "Lần này về em quyết tâm từ bỏ cái thứ "chết người" này anh ạ”.

Dẫn chúng tôi đi thăm trung tâm, Giám đốc Vũ Khắc Trịnh chia sẻ về công việc của cán bộ, nhân viên nơi đây. Nghe anh nói, tôi phần nào hiểu được những khó khăn, vất vả của các anh, các chị tại Trung tâm, họ đang từng ngày từng giờ dồn tâm huyết của mình để mang lại niềm tin, nghị lực cho những người trót lầm lỗi, quyết tâm làm lại cuộc đời. Trung tâm Giáo dục - Chữa bệnh - Lao động xã hội Thành phố được thành lập vào ngày 27/5/2005. Những ngày đầu mới thành lập, Trung tâm gặp muôn vàn khó khăn: Hệ thống cơ sở hạ tầng tuy đã được xây dựng và đi vào hoạt động, nhưng các điều kiện bảo đảm cho công tác, học tập, sinh hoạt của cán bộ và học viên vẫn còn thiếu thốn. Đội ngũ cán bộ đa số mới được tuyển dụng, tuổi đời còn trẻ, trình độ học vấn không đồng đều, kinh nghiệm chuyên môn hạn chế, môi trường công tác mới mẻ, tính chất công việc hết sức phức tạp, căng thẳng và nguy hiểm.

Phần lớn học viên trước khi vào Trung tâm đều mắc nghiện đã lâu, tình trạng sức khoẻ suy kiệt; nhiều người mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có lối sống tự do buông thả, hành xử với nhau phi văn hóa, phi đạo đức; tư tưởng, nhận thức không ổn định, thường hay tiêu cực, mặc cảm về quá khứ; suy nghĩ và hành động bột phát như sẵn sàng hủy hoại bản thân, bỏ trốn, đe dọa, kích động, lôi kéo các học viên khác gây rối ANTT, vi phạm nội quy, quy chế, thậm chí chống đối cán bộ, coi thường kỷ luật, kỷ cương... Do phải làm việc trong điều kiện đó, nhiều cán bộ không trụ nổi và đã phải xin chuyển công tác.

Trước khó khăn, Chi bộ, Ban giám đốc và đội ngũ cán bộ Trung tâm luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm, không ngừng nghiên cứu, học hỏi, đúc kết kinh nghiệm, phát huy tính sáng tạo, tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhờ đó đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, bỡ ngỡ ban đầu. Tháng 6 năm 2006, Trung tâm bắt đầu tiếp nhận 22 học viên tự nguyện đầu tiên trên địa bàn Thành phố đến điều trị, cắt cơn phục hồi sức khỏe. Đến tháng 12 năm 2006 đã tiếp nhận và quản lý trên 100 học viên, (tăng gần 5 lần) so với ngày đầu, trong đó có 71 học viên bắt buộc, 30 học viên tự nguyện. Sau 7 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã tiếp nhận trên 2.000 lượt người nghiện ma túy, bình quân từ 270 đến 300 lượt học viên/năm. Đã bàn giao về gia đình và tái hoà nhập cộng đồng 1.700 lượt học viên, không ít người trong số đó đã từ bỏ được ma túy, trở về cuộc sống đời thường, sống có ích cho gia đình và xã hội.

Kết quả đó là sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ Trung Tâm, họ là những người tiên phong, không ngại nguy hiểm,  góp sức mình vào công cuộc ngăn chặn, đẩy lùi hiểm họa ma túy ra khỏi đời sống xã hội. Bởi hơn ai hết họ hiểu rất rõ rằng: ma túy đang từng ngày, từng giờ hủy hoại, tàn phá sức khỏe, tương lai, đạo đức lối sống của một bộ phận thanh, thiếu niên mắc nghiện, để lại nỗi đau không chỉ của gia đình, người thân mà còn của toàn xã hội. Ma túy còn là con đường nhanh nhất dẫn đến vi phạm pháp luật, lây nhiễm và gây nguy cơ bùng phát đại dịch HIV/AIDS... Qua thống kê, ở Trung tâm có từ 60% đến 70% học viên có tiền án, tiền sự; 15% đến 30% bị nhiễm HIV và các bệnh truyền nhiễm khác.  

Chia tay Trung tâm, nhìn những chàng trai khỏe mạnh đang hăng say lao động tại các phân xưởng mộc, điện tử, mây tre đan..., tôi thầm mong, những ngày tháng ở đây được sự dạy dỗ, chỉ bảo ân cần của các thầy, các cô sẽ là động lực giúp họ có đủ dũng khí để từ bỏ "cái chết trắng", đứng lên làm lại cuộc đời.

Bài, ảnh: Nguyễn Tùng

  • Từ khóa