Thứ 2, 06/05/2024, 05:12[GMT+7]

Xử lý mũ bảo hiểm không đạt chuẩn Cần triệt để từ gốc 

Thứ 2, 01/07/2013 | 09:29:07
1,095 lượt xem
Từ ngày 15/5/2013, Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT của Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải ban hành ngày 28 tháng 2 năm 2013 quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy có hiệu lực.

Một điểm đổi mũ bảo hiểm tại xã Đông Hoàng (Tiền Hải).

Theo đó, người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy khi tham gia giao thông vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Cũng theo Thông tư này, mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn phải có chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 (2008/BKHCN); gắn dấu hợp quy CR của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; có nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, đại đa số  người dân cho rằng làm như vậy là “gây khó” cho dân. Người dân, trong đó trên 70% là nông dân, làm sao phân biệt được đâu là mũ “giả” khi các cơ quan chức năng cũng còn đang lúng túng trong phân biệt. Người dân chỉ có thể thuần túy quan sát được mũ có cấu tạo đủ 3 bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo, còn tem hợp quy CR cũng khó biết tem nào là tem thật, tem nào là giả. Ngay cả các mũ bảo hiểm được dán tem thật, theo Tổ chức Y tế thế giới, tính năng bảo vệ cũng còn nhiều hạn chế. Lỡ mua phải mũ bảo hiểm “rởm” thì bị phạt, hóa ra, nạn nhân của những cơ sở sản xuất hàng giả bị phạt vì không biết tự kiểm tra chất lượng hàng?

Việc quản lý sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng nhà nước để bảo vệ người tiêu dùng. Nay phải chăng vì khó quản lý được việc đó, các cơ quan chức năng lại đùn đẩy cho người tiêu dùng phải biết phân biệt hàng giả, hàng thật. Thật phi lý, bởi lựa chọn “thông minh” là quyền chứ không phải là nghĩa vụ của người dân. Mặt khác, thật khó hiểu và khó chấp nhận khi người dân đã đóng thuế để trả lương cho các công chức thuộc lực lượng chức năng rồi lại phải tự bảo vệ mình, nếu không tự bảo vệ được thì bị phạt. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần ngăn chặn từ gốc, có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh mũ không đạt tiêu chuẩn.

Đối với người tham gia giao thông chỉ nên xử phạt khi không đội mũ, hoặc đội mũ không đúng quy cách (Đội mũ đúng cách là kéo quai mũ bảo hiểm sang hai bên rồi đội mũ và đóng khóa mũ lại, không được để quai mũ lỏng lẻo mà phải đóng khít với cằm; sau khi đội mũ bảo hiểm cần kiểm tra lại bằng cách dùng tay kéo mũ từ đằng sau ra đằng trước hoặc nâng phần trên trước trán lên rồi kéo ra đằng sau, mũ không được bật ra khỏi đầu). Cùng với đó, tuyên truyền, phổ biến cho người dân cách lựa chọn mũ đạt tiêu chuẩn để họ không bị mất tiền mua sản phẩm “rởm”, cũng là nâng cao khả năng bảo vệ khi có sự cố tai nạn giao thông xảy ra. Bố trí các địa điểm đổi mũ, bán mũ bảo đảm quy chuẩn, giá thành hợp lý thì chắc chắn người dân sẽ chấp hành, bởi họ ý thức được giá trị tính mạng, sức khỏe của họ và cũng không ai muốn mất tiền mà mua phải sản phẩm có chất lượng không tương xứng.

Bài, ảnh: Đức Lợi

  • Từ khóa